Nghị viện châu Âu thông qua EVFTA

- Thứ Năm, 13/02/2020, 10:43 - Chia sẻ
Chiều tối qua theo giờ Việt Nam, tại phiên họp toàn thể ở Strasbourg (Pháp), Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) với tỷ lệ phiếu áp đảo (63,33%). Cùng với việc thông qua EVFTA, EP đã thông qua Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA).

Ủy ban châu Âu ước tính, khi 2 hiệp định này được thực thi, tổng sản phẩm nội địa hàng năm của Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng khoảng 30 tỷ USD. Còn nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Phát biểu tại buổi họp báo ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Đây là kết quả tốt đẹp, có ý nghĩa đối với Việt Nam và EU - 2 đối tác chiến lược toàn diện”. Đồng thời, ông nhấn mạnh bằng việc ký kết này, EU đã thể hiện sự đánh giá cao và sự tin cậy Việt Nam như một đối tác toàn diện không chỉ các hoạt động hội nhập mà còn trong tất cả các lĩnh vực, trở thành đối tác quan trọng của EU không chỉ ở châu Á mà còn ở phạm vi toàn cầu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ, khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể khẳng định rằng gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết của  Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, thời gian tới sẽ cùng với các bộ, ngành tiếp tục đẩy nhanh tính pháp lý để trình Quốc hội, sớm thông qua EVFTA tại Kỳ họp thứ Chín (tháng 5.2020).

Đ. Thanh