Nghị viện Campuchia: Tập huấn nghị sỹ phải là hoạt động thường xuyên

- Thứ Sáu, 27/11/2009, 00:00 - Chia sẻ
Ở Campuchia, việc bồi dưỡng cho các nghị sỹ tùy thuộc vào từng chủ đề có tính chất bắt buộc hoặc do sự lựa chọn của nghị sỹ. Hầu hết các hoạt động bồi dưỡng nghị sỹ được thực hiện bởi các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, các nhà tài trợ hoặc cá nhân. Mục tiêu hỗ trợ cho Nghị viện Campuchia là nâng cao năng lực lập pháp, giám sát và đại diện cho nghị sỹ và cán bộ giúp việc.

05-tap-huan-33109-300.jpg

Các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng các nghị sỹ được tổ chức sau cuộc bầu cử và trong cả nhiệm kỳ. Ví dụ, ngày 22.10.2008, các nghị sỹ mới được bầu của nhiệm kỳ thứ 4 Quốc hội hiện nay được tham dự cuộc hội nghị định hướng tổ chức trong 2 ngày của kỳ họp đầu tiên, được thiết kế nhằm nâng cao sự hiểu biết của đại biểu về vai trò và trách nhiệm của mình. Khoảng 110 nghị sỹ tham gia hội nghị này, trong đó có khoảng 20 nữ nghị sỹ và 30 thượng nghị sỹ. Hoặc trong năm 2009 này, khóa tập huấn 7 ngày về phân tích văn bản pháp lý được tổ chức dành cho các chuyên viên pháp lý và nghiên cứu của văn phòng nghị viện; hai cuộc hội thảo về thị trường chứng khoán và các thị trường vốn từ góc độ chính sách...

Các chủ đề chính và quan trọng trong bồi dưỡng các Nghị sỹ ở Campuchia gồm: “khuyến khích dân chủ và pháp quyền ở Campuchia”; bồi dưỡng về những luật mới có liên quan đến sự phát triển của đất nước, như Luật Tổ chức hay Luật về quản lý và chính quyền ở tỉnh, thành phố, quận huyện và xã... Thời lượng một chương trình bồi dưỡng chuyên đề dành cho nghị sỹ tùy thuộc vào nội dung của từng chủ đề tập huấn. 

Về các nguồn lực hỗ trợ khác trong việc tập huấn, các nghị sỹ có được nhận các tài liệu bồi dưỡng khác như sách hướng dẫn, cẩm nang, các số liệu thực tế, thông tin được cập nhật, tóm tắt về những chủ đề quan trọng, các trang web đặc biệt, tư liệu về tiếng hoặc hình ảnh, báo, tạp chí... nhưng vẫn còn rất hạn chế. Các Nghị sỹ không được tiếp cận Internet và không biết cách truy cập internet để tìm kiếm các trang web. Thêm vào đó, thông tin được đưa lên các trang web thường không được cập nhật hoặc đưa ít thông tin về những gì đang xảy ra. Cho đến nay, có khá ít sự hỗ trợ dành cho các nghị sỹ để họ cập nhật thông tin ngoài các tờ báo, tạp chí, báo cáo, bản tường thuật của các cuộc họp mà thường chỉ có sau khi các sự kiện đó đã diễn ra.

Ở Campuchia hiện nay đang có những ý kiến kiến nghị bảo đảm cho tất cả các nghị sỹ có thể tiếp cận Internet và trang bị cho họ những kỹ năng sử dụng internet và tìm kiếm thông tin thông qua các trang web. Bảo đảm tính hiệu quả của trang web cũng như luôn cập nhật thông tin một cách đều đặn. Muốn vậy, cần phải có sự trợ giúp từ chuyên gia về công nghệ thông tin. Việc tập huấn cần dựa trên chiến lược dài hơi, với những cụm chuyên đề liên kết với nhau chứ không chỉ một lần rồi xong; cần có những tiêu chí chọn lựa học viên như động lực tham gia; sự sẵn sàng tham gia và khả năng tiếp thu kiến thức; xây dựng các nguồn kiến thức có thể tái sử dụng nhiều lần như sách, cẩm nang, hướng dẫn, tài liệu. Độ dài của chương trình, tập huấn chung với đồng nghiệp, lắng nghe kinh nghiệm của các nghị sỹ, các kỹ năng bồi dưỡng tương tác, các chuyên gia trong nước và quốc tê... Tất cả các yếu tố này đều được coi là quan trọng cần được xem xét đến trong quá trình xây dựng chương trình bồi dưỡng.

Hoài Thu