Nghị viện các nước Ảrập chống tham nhũng

Nghị viện bảo vệ quyền lợi nhân dân

- Thứ Sáu, 26/12/2014, 08:43 - Chia sẻ
Tham nhũng là vấn nạn xã hội, gây xói mòn niềm tin của công dân đối với Chính phủ. Cũng như ở các nước, nghị sĩ ở các nước Ảrập, với tư cách là người đại diện cho nhân dân, người bảo vệ quyền lợi của dân và người giám sát nhánh hành pháp, có trách nhiệm kiềm chế tình trạng tham nhũng, giúp cho mọi công dân không bị lạm dụng và các quan chức nhà nước không lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình.

Bản thân cơ quan lập pháp phản ánh các lợi ích của xã hội và phải bảo đảm rằng hành động của mình không gây chỉ trích, phải đại diện cho những mục đích cao nhất của xã hội và các công dân mà cơ quan này đại diện. Có nhiều công cụ và phương tiện nghị sĩ có thể sử dụng để chống tham nhũng. Vai trò của nghị viện trong chống tham nhũng thể hiện qua hoạt động giám sát nhánh hành pháp, tránh lạm dụng quyền lực, giám sát về ngân sách với tầm quan trọng của các cơ quan như Cơ quan Tổng kiểm toán trong việc chống tham nhũng.

Chức năng lập pháp của nghị viện các nước Ảrập cũng có thể đóng góp vào cuộc chiến chống tham nhũng, chẳng hạn thông qua việc ban hành hướng dẫn đối với các hoạt động của công chức nhà nước trong khi thực thi nhiệm vụ, cũng như trong việc mua sắm tài sản công; phê chuẩn các điều ước quốc tế về chống tham nhũng, liên kết các mạng lưới quốc tế trong chống tham nhũng. Mặt khác, cần các biện pháp nhằm bảo đảm bản thân các nghị sĩ được trong sạch, tránh bị chỉ trích. Điều này bao gồm các quy tắc xử sự dành cho các nghị sĩ cũng như việc theo dõi và công khai các lợi ích của các nghị sĩ và hướng dẫn đối với các hành động cá nhân cũng như của các đảng phái.

Ở các nước Ảrập, thông tin dữ liệu về phạm vi, mức độ của tham nhũng còn hạn chế, xu hướng chung trong phòng chống tham nhũng không sáng sủa, nhưng một số bước tiến triển gần đây trong phòng chống tham nhũng ở khu vực đã tạo tiền đề cho những thay đổi lớn hơn, nhất là trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao đối với phòng chống tham nhũng. Những cơ chế khác nhau được áp dụng để đánh giá tham nhũng, cũng đánh giá các biện pháp về minh bạch và trách nhiệm giải trình nhằm khắc phục vấn nạn này.

Hiện nay đang có một số sáng kiến liên nghị viện các nước Ảrập nhằm chống tham nhũng. Trong khuôn khổ của Công ước Liên Hợp Quốc chống tham nhũng (UNCAC), Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tiến hành dự án Chống tham nhũng và bảo đảm liêm chính ở các nước Ảrập với mục đích tăng cường sự phối hợp và thúc đẩy hành động tập thể chống tham nhũng ở các nước này; hỗ trợ thực thi các quy định của UNCAC phù hợp với hoàn cảnh, ưu tiên của từng nước. Hoặc nghị sĩ khu vực Ảrập chống tham nhũng là một tổ chức khu vực có mục đích kết nối các nghị sĩ trong việc chống tham nhũng, thúc đẩy minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Nghị viện và nghị sĩ các nước Ảrập cần rà soát, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, các ví dụ về các công cụ chống tham nhũng đang được sử dụng thông qua các trường hợp điển hình ở các quốc gia để áp dụng một cách phù hợp để có các biện pháp chống tham nhũng, xác định các khoảng trống trong các hoạt động chống tham nhũng.

Lê Anh