Nghĩ từ 30 tháng 4 lịch sử!

- Thứ Bảy, 30/04/2016, 09:24 - Chia sẻ
Thấm thoắt đã 41 năm, từ đại thắng mùa Xuân 30.4.1975, đất nước non sông thu về một mối! Nhớ về ngày lịch sử ấy, lòng người Việt Nam vẫn còn như xúc động đến nghẹn ngào. Niềm vui chiến thắng như mới đây thôi! 41 năm đi qua, đất nước trải qua bao chặng đường gian khó. Bước ra từ bom rơi đạn nổ, từ cuộc chiến dài mấy chục năm với tứ bề thách thức khó khăn. Dấu tích chiến tranh đã lùi xa, giờ chỉ còn trong ký ức. Nhưng trang sử anh hùng mà lớp cha anh đã viết nên thì sao có thể quên?

Sau ngày 30.4.1975, một lớp người Việt Nam mới truởng thành trong trời xanh của độc lập, tự do. 4000 năm lịch sử oai hùng cha ông trao truyền cho con cháu vẫn đọng lại cả đây, vẫn vẹn nguyên niềm tin, ánh lên trong những gương mặt lớp trẻ hôm nay?

Người Việt Nam mình là thế, khi có giặc cả nước ra trận. Khi bình yên, cả nước lại bắt tay xây dựng cuộc đời mới. Vẫn ánh mắt, vẫn bàn tay, vẫn trí tuệ người Việt Nam, mà đâu dễ dân tộc nào có được trang kỳ tích hào hùng, đời này tiếp nối đời kia! Chúng ta đánh giặc kiên cường, chúng ta vượt lên đạn bom để giành bằng được quyền làm người chính đáng. Tháng 4 này, đi dọc những nghĩa trang Trường Sơn - nơi hàng chục vạn chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi nằm lại, mới thấy quý biết bao, trân trọng biết bao dân tộc mình!
 Càng nhớ về quá khứ hào hùng, càng thấy trách nhiệm xây đắp cho lịch sử nước non đẹp hơn trong trời xanh của đất nước độc lập, tự do. Hơn bốn mươi năm chiến tranh lùi xa, người Việt Nam xây dựng lại đất nước trong đống tro tàn đổ nát. Cây lại xanh, nhà cửa lại dựng lại trên đất của cha ông. Chúng ta đang chung tay xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời Bác kính yêu! Đất nước đã thay da đổi thịt nhiều. Nhà cửa dựng lại đẹp hơn, to hơn. Đường cao tốc dọc ngang. Bao cây cầu lớn uy nghi, bề thế vắt ngang những dòng sông lớn khắp ngoài Bắc, trong Nam mấy chục năm trước ai dám mơ? Chất lượng cuộc sống nói gì, ai cũng nhìn ra cơm không còn đói, ăn vận vươn tới “mốt” thời trang nhân loại, điện sáng khắp vùng từ phố thị đến cả heo hút các miền quê xa nẻo, trước đây ai dám ước?

Nhưng cuộc sống có bao giờ chịu dừng? Con người luôn vươn tới những điều tốt đẹp hơn. Âu cũng là quy luật của cuộc sống thời hiện đại. Thế giới giờ thay đổi hàng giờ.

Không để đất nước tụt hậu, không chịu thua bạn kém bè. Đảng quyết tâm, Chính phủ đang quyết liệt hướng tới. Chúng ta mở rộng ngoại giao, giang tay đón bạn bè đến với đất nước chung sức làm ăn. Hàng loạt hiệp định ta đặt bút ký với các nước đã nâng tầm vóc quốc gia lên. Nhưng càng bước dài xa vào hội nhập quốc tế, chúng ta như nhìn rõ những non yếu của chính mình. Rõ ràng, bàn chân đang chậm bước! Nhưng điều gì làm bước chân ta chậm? Những cái gì đang cản bước ta đi? Ai hay, đó là cái sự chậm chạp do chính chúng ta! Cơ chế, thể chế không theo kịp bước chuyển động của thời đại. Tư duy của chính chúng ta, cứ nói hoài đến quyết liệt đổi mới, đổi mới căn cơ, đổi mới toàn diện, nhưng nhìn lại, thì sức ỳ vẫn nặng nề. Hơn bốn mươi năm trước, cả nước ra trận, ta nhìn rõ kẻ thù phải thắng ở ngay trước mắt. Gian nan và nghèo khó thời ấy, ai cũng như ai. Còn bây giờ, ta xây dựng đất nước trong cái khoảng cách giàu - nghèo đang doãng quá xa. Làm sao không trăn trở khi trong tư duy của một bộ phận đảng viên có chức quyền thoái hóa, bất chấp hết cả chuẩn mực đạo đức, tự xéo đạp lên đạo lý làm người chỉ chăm chắm lo cho cái túi vụ lợi phình to. Đã giàu, muốn giàu, giàu nữa, mà không nhìn cộng đồng xung quanh bao người còn rất khó nghèo? Một bộ phận tham nhũng thoái hóa này đang còn ẩn nấp, đang lẫn ngay trong đội ngũ công quyền. Chúng ngụy trang, với vỏ bọc đâu dễ nhận ra? Chúng “kéo bè, kết cánh” che chắn, o bế nhau rất tinh vi.

Cơ chế thị trường buộc chúng ta phải chấp nhận cái “rát bỏng” theo nhịp đi thời cuộc. Hội nhập sâu rộng, chúng ta phải chấp nhận cả những cái mất để đón về cái được lớn hơn!
 Rõ ràng, thời mở cửa, cái được cũng nhiều, cơ hội mở ra thênh thang, nhưng cái mất đi, và thách thức trước mắt cũng đâu có ít. Đất nước cũng như con người được, mất cũng là lẽ thường: Chọn cái này, phải chấp nhận mất đi cái khác. Thế mới cần tầm nhìn dài xa, và tư duy để biết chọn cái gì lợi hơn, và cái sự mất đi cũng không quá nhiều. Tăng trưởng kinh tế cần, bạc tiền cần, nhưng dứt khoát không đánh đổi bằng mọi giá!

Lớp người sinh ra sau mốc son 30.4.1975, giờ đã ở cái tuổi tuyệt vời sung sức và nghĩ suy chín chắn. Đó là những lớp tuổi 30-40, tiếp sau là thế hệ tuổi 20 tươi trẻ sống trong độc lập tự do, trong sắc trời xanh thanh bình. Họ được thỏa sức tung hoành cống hiến tài năng trong một thế giới chuyển động không ngừng nghỉ. Ai đó chỉ chậm một giây là lùi lại phía sau! Đó là áp lực của lớp người Việt Nam sinh sau ngày 30.4 lịch sử. Chiến tranh đạn bom hôm qua, và rát bỏng thương trường hôm nay dù so sánh cách gì cũng là khập khiễng. Nhưng nhìn đến tận cùng thì áp lực làm kinh tế, áp lực vươn tới sự giàu, vươn tới cuộc sống chất lượng hơn, cũng chả thua gì lớp cha anh khoác ba lô vượt rừng Trường Sơn ra trận ngày nào?

Lớp người sinh sau ngày đất nước thống nhất là lớp lớp các DN trẻ đang đi vào khởi nghiệp. Họ thông minh hơn cha chú, biết né sóng lừng, tránh gió to khi ra biển lớn. Nhưng họ đang phải đối đầu với cả “núi” thủ tục hành chính níu giằng đâu đã tháo gỡ ngay. Thì kia hơn 7.000 giấy phép con của các bộ, ngành còn giăng ra, có tới nửa số giấy phép ấy là vô lý, là “buộc tay” các DN. Nhiều DN kêu ca về thủ tục hoàn thuế, thủ tục hải quan, sao cố tình “vẽ ra” nhiều thế? Ai biết cho hàng mẫu của đối tác gửi về cho DN cũng bị hải quan “ngâm lại” để chờ tham vấn giá? Ai thấu cho nỗi khổ doanh nhân cứ nói xuất khẩu sẽ nhiều ưu đãi mà cầm được đồng tiền hoàn thuế ưu đãi chả thấy đâu, chỉ thấy“ôm về” những não sầu khó tả? Ai tỏ cho làm DN mà cứ loạn đủ phí “bôi trơn”, những thủ tục “ngầm hiểu, tự hiểu” trước khi đến với các cơ quan công quyền. Không phong bao, không cửa sau, không phí “gầm bàn” đâu dễ có được nụ cười của các công chức xinh đẹp ăn vận sang trọng lấp ló trong những ô cửa kính nhìn ra? Phí bôi trơn, phí “gầm bàn” đến nỗi nhiều DN kêu giời: Cứ kiểu này thì DN xứ ta bao giờ lớn được? Lại chạnh chút buồn về lớp trẻ có học đang ngơ ngác không có việc làm. Con số gần 200 nghìn cử nhân, nhiều cô cậu phải giấu bằng đi làm công nhân mà nao buồn cho chiến lược giáo dục đại học rất cần phải nhìn lại. Tuổi trẻ là ước mơ, là niềm tin, xin đừng để những người trẻ vơi đi mơ ước và niềm tin, đừng để tuổi trẻ có học hụt hẫng trong bước chân khởi nghiệp vào đời?

Đất nước chuyển động, dứt khoát phải bứt đi những “bức tường thành” vô hình chặn bước các doanh nhân. Đại hội Đảng XII rất quyết liệt trong chống tham nhũng tiêu cực, chống  những “nhiễu sự” hành DN, hành dân. Một Nhà nước, một Chính phủ đang chuyển nhanh từ quản lý sang phục vụ.

Trước ngày nghỉ lễ 30.4 và ngày 1.5, người đứng đầu Chính phủ đã gặp gỡ các đại diện DN, doanh nhân cả nước để nghe các DN bày tỏ tâm tư. Chính phủ lắng nghe, biết nghe là điều rất mừng cho DN. Càng mừng hơn là một Chính phủ của hành động, một Chính phủ quyết làm, và dám làm, một Chính phủ đang lấy DN làm động lực, biết khơi dậy từ sức dân, lòng dân để hướng con tàu kinh tế đất nước vươn xa!

Thanh Quang