Nghị trường quyết chiến với Covid-19

- Thứ Tư, 18/03/2020, 07:44 - Chia sẻ
Dịch Covid-19 đang lan rộng và tiến sâu vào mọi ngóc ngách cuộc sống. Bất cứ nơi đâu cũng có thể trở thành điểm đến của nó, kể cả Quốc hội và các cơ quan thuộc Quốc hội nhiều quốc gia cũng không thể miễn nhiễm. Tuy vậy, trong bức tranh âm u đó, các cơ quan đại diện cho người dân đang tích cực đẩy nhanh quy trình lập pháp để cho ra đời nhiều luật mới, giúp ứng phó và kiểm soát đại dịch nguy hiểm này.

Khi Covid-19 tấn công Nghị viện

Tính đến sáng 17.3, số ca nhiễm virus Corona chủng mới trên toàn thế giới đã vượt lên 182.995, trong đó hơn 7.174 người đã tử vong; 162 quốc gia và vùng lãnh thổ đã bị dịch Covid-19 viếng thăm. Trong số những người bị dịch bệnh này gọi tên có nhiều nghị sĩ và nhân viên làm việc tại Quốc hội các nước.

Ở Mỹ, hôm 12.3, truyền thông đưa tin nhân viên làm việc tại Văn phòng Thượng nghị sĩ Maria Cantwell có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, đánh dấu trường hợp đầu tiên nhiễm dịch Covid-19 tại các cơ quan thuộc Quốc hội Mỹ. Trước đó, một số nghị sĩ Mỹ đã phải tự cách ly vì có tiếp xúc gần với các trường hợp nhiễm Covid-19. Trước nguy cơ lây lan tiềm năng, Tòa nhà Quốc hội Mỹ đã phải đóng cửa tạm thời với công chúng từ lúc 12.3 cho tới 1.4. chỉ các nhà lập pháp, nhân viên Quốc hội, phóng viên chuyên trách và khách đến làm việc mới được phép tiếp cận Đồi Capitol.

Cũng tại Bắc Mỹ, hôm 14.3, Canada thông báo tạm thời đóng cửa Quốc hội trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới có nhiều dấu hiệu lây lan phức tạp. Cụ thể, Quốc hội đất nước lá phong đã bỏ phiếu thống nhất đóng cửa ít nhất 5 tuần và dự kiến mở lại vào ngày 20.4 để bảo đảm sức khỏe cho các nghị sĩ.

Trong khi đó ở Syria, hôm 15.3, mặc dù  chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 nào, nhưng “cẩn tắc vô áy náy”, nước này vẫn quyết định hoãn tổ chức bầu cử Quốc hội tới ngày 20.5 thay vì 13.4 như kế hoạch trước đó. Iran, quốc gia láng giềng ở Trung Đông không may mắn như vậy. Có thể nói, đây là nơi chịu tác động tiêu cực nhất của dịch Covid-19 tại khu vực, và đứng thứ hai trên thế giới. Theo số liệu công bố ngày 12.3, cùng với 2 Phó Tổng thống và nhiều Bộ trưởng, 24 nghị sĩ Iran - chiếm gần 10% trong tổng số 290 nghị sĩ - đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Cho tới nay, 2 nghị sĩ, 2 cựu nhà ngoại giao cấp cao và một thành viên Hội đồng Tư vấn cho lãnh đạo tối cao của nước này đã tử vong vì Covid-19. Cuộc bầu cử Quốc hội vòng hai của Iran dự kiến vào 17.4 tới đã hoãn đến ngày 11.9. 

Tại châu Âu, sau khi nghị sĩ đầu tiên bị dương tính với SARS-CoV-2 hôm 11.3, Hạ viện Tây Ban Nha đã phải đóng cửa ít nhất một tuần. Hiện nay, Tây Ban Nha đang nổi lên là quốc gia đứng thứ 4 thế giới về số người nhiễm SARS-CoV-2, vượt qua cả Hàn Quốc, với gần 10.000 ca dương tính. Trong khi đó, Thụy Sĩ, hôm 16.3, cũng quyết định hủy phiên họp của Quốc hội do dịch Covid-19 đang lây lan ở mức độ nguy cấp, gây ra “tình huống đặc biệt” ở nước này. Được biết chỉ trong một ngày, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới tại Thụy Sĩ và nước láng giềng Liechtenstein đã tăng 50%, lên trên 2.200 ca. Quốc hội Pháp thực tế đã báo cáo về hai trường hợp nghị sĩ dương tính với Corona từ hôm 7.3. Còn tại Bulgaria, Quốc hội bỏ phiếu nhất trí tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho đến ngày 13.4 để ngăn chặn dịch lây lan, cho dù số ca nhiễm Covid-19 ở đây mới 23 trường hợp.

Nói chung, nhiều cơ quan lập pháp trên thế giới đã phải hoãn họp, đóng cửa hoặc dừng hoạt động thăm quan của công chúng như một biện pháp đầu tiên để ngăn chặn lây lan.

Dùng luật chiến đấu với đại dịch

Cùng với bộ máy chính quyền, Quốc hội các nước đang hết sức khẩn trương xem xét, thông qua nhiều đạo luật cần thiết để giúp đất nước ứng phó kịp thời với dịch Covid-19 và những tác động tiêu cực của nó. Sau khi Quốc hội thông qua ngân sách 8,3 tỷ USD hôm 6.3 cho công tác đối phó với dịch Covid-19, ngày 17.3, Hạ viện Mỹ tiếp tục tán thành dự luật giảm thiểu tác động kinh tế do dịch Covid-19 gây ra. Dự luật bao gồm các điều khoản cho phép người lao động Mỹ nghỉ phép hưởng lương trong tình huống khẩn cấp và được xét nghiệm miễn phí virus SARS-CoV-2. Văn bản này sẽ sớm được chuyển tới Thượng viện để biểu quyết. Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ cũng đang nghiên cứu để sớm trình Quốc hội dự luật kích thích kinh tế mới với quy mô lớn. Chứng khoán Phố Wall đã trải qua ngày tồi tệ nhất kể từ năm 1987 khi mất gần 13% giá trị trong phiên giao dịch 16.3.

Đồng minh của Mỹ tại châu Á là Hàn Quốc cũng đang hối thúc các nhà lập pháp nhanh chóng thông qua dự luật ngân sách bổ sung trị giá 11.700 tỷ won (9,6 tỷ USD) đang được xem xét tại Quốc hội, để hồi sinh nền kinh tế đang chịu nhiều tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. 

Trong khi đó, Quốc hội Nhật Bản cách đây một tuần đã bật đèn xanh cho dự luật sửa đổi luật đặc biệt về phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2013, cho phép Thủ tướng ban bố tình trạng khẩn cấp nếu virus SARS-CoV-2 lây lan với tốc độ nhanh và tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân lẫn nền kinh tế đất nước mặt trời mọc. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép ông Shinzo Abe ra lệnh đóng cửa trường học, tạm dừng các cuộc tụ họp lớn, cũng như trưng dụng vật tư y tế phục vụ cuộc chiến chống lại dịch Covid-19. Trước đó, Thủ tướng từng yêu cầu các trường học đóng cửa và hủy các sự kiện tụ họp quy mô lớn trên toàn quốc, tuy nhiên ông chưa có thẩm quyền để buộc người dân thực thi các mệnh lệnh đó.

Ở Nga, đề phòng hệ thống y tế quá tải trong trường hợp dịch Covid-19 trở nên trầm trọng, Thủ tướng Mikhail Mishustin đang yêu cầu Chính phủ nhanh chóng soạn thảo một dự luật trình Duma (Hạ viện) cho phép mua thuốc không cần kê đơn trên internet. Quốc hội Ukraine thì thông qua dự luật sửa đổi một số luật cụ thể nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Corona hôm 17.3, trong đó có nội dung xử phạt nặng đối với các cá nhân có hành vi vi phạm lệnh cách ly hoặc những quy định kiểm dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Còn Trung Quốc - ổ dịch Covid-19 đầu tiên của thế giới, tháng trước đã tuyên bố lên kế hoạch đẩy nhanh quy trình xây dựng luật liên quan đến an toàn sinh học, đồng thời nâng chủ đề này thành vấn đề an ninh quốc gia.

Nhìn sang xứ sở sương mù, sắp tới Quốc hội Anh chắc chắn sẽ thảo luận đơn kiến nghị yêu cầu Chính phủ phải cung cấp hỗ trợ tài chính cần thiết đối với các doanh nghiệp tổ chức sự kiện đang phải chịu nhiều tổn thất khi một loạt hoạt động bị trì hoãn hoặc hủy bỏ vì virus Corona. Tính đến ngày 16.3, 100.000 chữ ký đã được thu thập trong đơn, đủ để đưa vấn đề lên bàn bạc ở cơ quan lập pháp. Ngành công nghiệp tổ chức sự kiện ở Anh mang lại 14 tỷ bảng cho nền kinh tế với khoảng 25.000 doanh nghiệp và hơn 500.000 lao động. 

Linh Anh