Nghị sỹ và năm mới: Trọng trách đặc biệt gắn với chế độ lương bổng đặc biệt

- Thứ Sáu, 08/01/2010, 00:00 - Chia sẻ
“Không chỗ làm việc nào tốt hơn Quốc hội”, đó là tựa đề một bài báo đăng trên tờ báo Tự do của Slovakia, nói về thu nhập của các nghị sỹ nước này. Việc dân chủ hóa quyền bầu cử trên thế giới đã dẫn đến nhu cầu phải trả tiền công cho các nghị sỹ. Nghị sỹ dần trở thành một “nghề” trong xã hội với trọng trách đặc biệt cùng chế độ lương bổng cũng… đặc biệt.

05-trong-trach-810-300.jpg

Nghị sỹ tại Australia mỗi ngày làm việc trên 12 tiếng và làm một tuần 7 ngày, nên họ phải được trang bị đầy đủ các phương tiện cần thiết cho công việc của mình. Vì vậy, lương bổng các Nghị sỹ khá hậu so với các vị trí cao cấp khác trong Chính phủ Australia. Cụ thể mỗi năm, lương của Nghị sỹ Quốc hội liên bang và tiểu bang khoảng 105.000 đôla Australia (AUD) trong khi lương Bộ trưởng là 170.000 AUD.

Ở Slovakia, nghị sỹ là “nghề” sướng nhất. Năm ngoái, các nghị sỹ chỉ hội họp 90 ngày, nhưng nhận được mức lương hơn 43.000 Euro/năm, trong khi lương bác sỹ xứ này trung bình là 1.346 Euro/tháng, tức là để có thu nhập như một bác sỹ, một nghị viên chỉ cần... ngồi họp 3 ngày trong Quốc hội! Ấy là chưa kể đủ thứ bổng lộc khác mà họ được thanh toán khi đi lại, thuê nhà (nếu không phải cư dân thủ đô), điện thoại, Internet, bưu điện, văn phòng, thư ký...

Tại Hungary, có những dân biểu được nhận khoản “bù trừ” gần tương đương với lương. Tuy nhiên, thu nhập của mọi dân biểu đều rất công khai, theo luật định và bất cứ ai muốn kiểm tra đều có thể theo dõi chi tiết trên trang chủ của Quốc hội.

Pháp, lương hàng năm của họ được chỉ số hóa bằng nấc thang hoạt động công vụ. Kể luôn chi phí đại diện, một dân biểu được hưởng khoảng 11.000 euro/tháng, trong khi lương của ông Bertrand Delanoe, vừa là thị trưởng Paris, vừa là chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố, cũng chỉ nhận khoảng 4.500 euro/tháng.

Còn ở Anh, mức chi phí trung bình cho một nghị sỹ hiện nay là 223.000 USD/năm. Theo quy định, chế độ phụ cấp nhà ở thứ hai được cấp cho nghị sỹ làm việc ở hai nơi: Quốc hội và địa bàn cử tri. Nghị sỹ khai báo nơi ở chính và được nhận phụ cấp nếu làm việc và qua đêm ở nơi thứ hai không phải là nơi ở chính. Mức phụ cấp tối đa mỗi năm 24.000 bảng (617 triệu đồng). Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của Ủy ban Tiêu chuẩn Đời sống Cộng đồng của Hạ viện Anh, trong năm tài khóa 2007-2008, hơn 50% nghị sỹ Anh kê khai xin phụ cấp nhà ở thứ hai ở London, dù nơi ở hiện nay chỉ cách London chưa đầy một giờ đi lại. Sau vụ bê bối chi tiêu này, ngày 4.11.2009, Nghị viện ban hành quy định mới, theo đó, các nghị sỹ ở Anh bị cấm sử dụng tiền công quỹ cho việc sửa chữa, làm mới ngôi nhà thứ 2 của mình hoặc chi tiền cho các chuyến đi nghỉ ở nước ngoài.

Tại Kenya, 222 ông nghị đang lĩnh khoản thu nhập khổng lồ lên tới 15.000 USD/tháng trong khi đa số dân có thu nhập chỉ 1 USD/tháng. Song họ chỉ phải đóng thuế theo tiền lương, khoảng 3.500 USD/tháng. Còn khoản phụ cấp hơn 10.000 USD/tháng không bị động tới. Hồi tháng 6 năm ngoái, cựu Bộ trưởng Tài chính Amos Kimunya đã đề xuất rằng các nghị sỹ phải đóng thuế. Tuy nhiên đề xuất này cho tới nay đã thất bại do các ông nghị không bỏ phiếu thông qua.

Mỹ, theo Chinanews.com, mặc dù kinh tế đang suy thoái nghiêm trọng, nhưng theo kết quả điều tra của Trung tâm nghiên cứu Responsive Politics, hiện có tới 44% nghị sỹ nước này là triệu phú. So sánh với tỷ lệ triệu phú ở Mỹ chiếm 1% dân số, rõ ràng Quốc hội chính là một “Câu lạc bộ triệu phú”. Thu nhập của các nghị sỹ ngoài khoản tiền lương năm hậu hĩnh tính bằng 6 chữ số (trăm ngàn USD), họ còn có các khoản thu nhập khác do đầu tư chứng khoán, địa ốc và một số kiểu kinh doanh khác. 

Ngược với các đồng nghiệp Mỹ, thu nhập của các nghị sỹ Nhật Bản giảm đáng kể. Sau 4 năm tăng liên tục, thu nhập trung bình các nghị sỹ Nhật Bản trong tài khóa 2008 chỉ còn 24,82 triệu yen (trên 250.000 USD), giảm 980.000 yen so với tài khóa trước. Theo công bố của Quốc hội Nhật, nguyên nhân sụt giảm đến từ các khoản thừa kế, tiền thưởng hoặc cổ tức trong nghề kinh doanh “tay trái” của các ông nghị.

Nói chung, nghị sỹ các nước thường được trả lương tương đối cao, không chỉ nhằm bảo đảm điều kiện vật chất mà còn xuất phát từ tính chất công việc đòi hỏi những khoản phí tổn rất lớn. Tuy nhiên, những khoản lương này chỉ cao đối với nhiều người dân bình thường, nhưng so với thu nhập của khu vực tư nhân như ca sỹ, diễn viên... lương của nghị sỹ chỉ vào diện trung bình.

EP và tình trạng
chênh lệch tiền lương

Là một thể chế chính trị đại diện quyền lợi cho các tầng lớp xã hội ở Liên minh châu Âu do công dân của các nước thành viên trong Liên minh bầu ra, Nghị viện châu Âu (EP) hiện có 785 nghị sỹ, được hưởng những đặc quyền giống như nghị sỹ của các nước thành viên và được nhận mức lương bằng với mức lương của nghị sỹ của Nghị viện tại quốc gia mà họ được bầu. Chính vì thế, mức lương của các nghị sỹ trong EP là không giống nhau do chênh lệch phát triển giữa các nước thành viên. Để khắc phục tình trạng chênh lệch tiền lương giữa các nghị sỹ, EP đã soạn thảo quy chế cải cách tiền lương, theo đó lương cố định cho tất cả các nghị sỹ bằng  số lương của Thẩm phán Tòa án châu Âu. Ngoài tiền lương, các nghị sỹ EP còn có các khoản phụ cấp như: trợ cấp chi phí đi lại từ nơi nghị sỹ trúng cử đến trụ sở làm việc của EP và các chi phí đi lại từ nhà tới sân bay, khách sạn trong thời gian làm việc tại EP, tiền lương cho nhân viên. Đặc biệt, khi kết thúc nhiệm kỳ các nghị sỹ EP được nhận ba tháng phụ cấp.

Thúy Hạnh