NGHỊ QUYẾT Về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2021

- Thứ Sáu, 24/07/2020, 18:07 - Chia sẻ

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13;
Căn cứ Nghị quyết số 105/2020/QH14 ngày 09 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021;
Xét đề nghị của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nội dung giám sát

1. Xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 (tại phiên họp tháng 02/2021).

2. Xem xét các báo cáo về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 (tại phiên họp tháng 7/2021).

3. Xem xét các báo cáo về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo công tác năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước (tại phiên họp tháng 9 hoặc tháng 10/2021).

4. Xem xét báo cáo công tác chuẩn bị bầu cử (tại phiên họp tháng 01 và tháng 02/2021), báo cáo kết quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (tại phiên họp tháng 6/2021).

5. Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10 (tại phiên họp tháng 3/2021); việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (tại phiên họp tháng 10/2021); kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021 (tại phiên họp tháng 10/2021).

6. Xem xét kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có) (tại phiên họp tháng 2/2021 và tháng 9/2021).

7. Xem xét báo cáo hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và một số báo cáo khác theo quy định.

8. Thực hiện các hoạt động giám sát khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện các công việc liên quan khi triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát; thực hiện nghiêm túc sự điều hòa, phối hợp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; kịp thời báo cáo, tổng hợp hoạt động giám sát. Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp tổ chức phục vụ có hiệu quả các hoạt động giám sát.

2. Chính phủ, các Bộ, ngành, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các địa phương và cơ quan liên quan có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.

TM. UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH
(đã ký)

Nguyễn Thị Kim Ngân