Nghỉ ngơi hợp lý để làm việc hiệu quả

- Thứ Hai, 03/06/2019, 08:00 - Chia sẻ
Sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý luôn được các nhà hoạch định chính sách quan tâm. Ở mỗi quốc gia, những quy định về giờ làm việc và nghỉ ngơi tuy khác nhau, nhưng tựu chung là để bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Ít nhưng cần thiết

Nghỉ giữa giờ thực sự có ý nghĩa quan trọng, nhất là những chuỗi ngày làm việc căng thẳng có thể khiến bạn bị quá sức. Theo các nhà nghiên cứu, một giấc ngủ ngắn sau giờ làm việc buổi sáng, từ 45 - 60 phút hoàn toàn có thể làm tăng sức mạnh não bộ về bộ nhớ và khả năng học tập. Thời gian lý tưởng để nghỉ ngơi vào buổi trưa là từ 1 - 3 giờ chiều. Sau khoảng nghỉ ngơi này, người lao động sẽ được hồi sức và sẵn sàng cho các công việc tiếp theo. Còn theo khuyến cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), con người cần được nghỉ ít nhất 30 phút sau khoảng 5 giờ đồng hồ làm việc liên tiếp, để có thể tái tạo năng lượng cũng như tăng cường khả năng làm việc.

Một cuộc khảo sát tại Mỹ năm ngoái cho thấy, nếu thời gian nghỉ trưa quá ngắn (từ 15 - 20 phút), người lao động sẽ khó được phục hồi, thậm chí còn bị bào mòn sức lực. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi dưới áp lực thời gian, người ta có xu hướng ăn trưa ngay tại bàn làm việc và không thể tách mình khỏi công việc. Một nửa số người tham gia khảo sát thừa nhận, họ chỉ nghỉ trưa trong khoảng 25 - 40 phút và chỉ 3% số người được hỏi có thời gian nghỉ trên khoảng 1 tiếng.

Tuy nhiên, nếu kéo dài quãng nghỉ giữa các buổi làm việc sáng và chiều lại là điều cả người sử dụng lao động và người lao động không mong muốn. Bởi nó đồng nghĩa với tâm lý uể oải khi quay lại làm việc cũng như cảm giác không thoải mái khi giờ về nhà muộn hơn.

Chuyên gia tâm lý nổi tiếng thế giới Adam Grant cho rằng, sáng tạo, tăng năng suất lao động mới là điều quan trọng chứ không phải thời gian nghỉ hay việc quản lý thời gian sát sao. Đôi khi, ám ảnh về thời gian lại là nguyên nhân giảm hiệu quả công việc cũng như năng suất lao động. Theo ông, việc tăng giờ làm không tỷ lệ thuận với tăng năng suất lao động.

Quy định linh hoạt

Điều này được minh chứng rõ rệt với hiện trạng ở Nhật Bản hơn 15 năm trước. Trong tư duy của người dân đất nước mặt trời mọc thời đó, nghỉ trưa đồng nghĩa với lười biếng. Mọi thứ chỉ thực sự thay đổi sau khi một nhân viên lái tàu, do không được nghỉ ngơi đủ, đã ngủ gật trên bàn điều khiển, suýt gây ra tai nạn nghiêm trọng. Nhiều tranh luận đã nảy sinh và người ta bắt đầu nhận thức tình trạng thiếu ngủ thực sự đang làm người lao động kiệt quệ.

Để cải thiện tình hình, Chính phủ cùng các cơ quan, doanh nghiệp đất nước “Mặt trời mọc” đã tiến hành “cuộc cách mạng” nghỉ ngơi: Chia sẻ giờ trưa với cơn buồn ngủ. Nhiều công ty thiết kế khu vực đặc biệt dành cho người lao động tranh thủ chợp mắt để phục hồi sức khỏe. Mùa thu năm 2018, nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin Nextbeat tại Tokyo còn đầu tư khu nghỉ riêng biệt cho hai phái nam và nữ ngay tại chuỗi văn phòng của công ty. Căn phòng để nghỉ này có trang bị thiết bị chống ồn, với hương hoa dịu nhẹ cùng quy định nhân viên không mang theo máy tính hay smartphone khi đến đây, nhằm bảo đảm họ có những phút nghỉ ngơi thực sự.

Công ty không đưa ra quy định cụ thể về giờ nghỉ. Người lao động có thể linh hoạt có 30 phút chợp mắt mỗi ngày. Các tên tuổi lớn như Mitsubishi cũng theo xu hướng khuyến khích người làm có những giây phút thư giãn giữa buổi làm. Nhiều công ty còn tổ chức hội thảo về tầm quan trọng của việc nghỉ giữa giờ với người lao động, Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy, việc nghỉ giữa giờ giúp cải thiện khả năng tập trung và duy trì toàn diện động lực làm việc.

Còn tại các quốc gia Đông Nam Á, trung bình mỗi ngày, cán bộ, công nhân viên thường làm việc 8 giờ/ngày, với quãng nghỉ trưa kéo dài 60 phút. Ở Malaysia, từ đầu năm 2018, thời gian làm việc được chia làm 3 khung chính: từ 7h30 - 16h30; từ 8h30 - 17h30 và từ 9h - 18h hàng ngày. Ông Tan Sri Zainal Rahim Seman, Tổng Giám đốc Sở Dịch vụ công nước này cho biết, Chính phủ không ấn định khung giờ làm việc cố định, công chức có thể linh hoạt lựa chọn ca làm việc cũng như thời gian nghỉ giữa giờ phù hợp để vừa bảo đảm công việc chung, vừa có thời gian sắp xếp việc cá nhân, cũng như việc phục vụ công dân được kéo dài hơn.

Ý tưởng linh hoạt về giờ giấc làm việc và nghỉ ngơi cũng được Chính phủ các nước như Thái Lan, Lào, Campuchia triển khai. Theo đó, Nhà nước chỉ quy định tổng số giờ làm việc trong một tuần, không quy định rõ thời gian bắt đầu và kết thúc làm việc. Riêng về nghỉ giữa giờ, các cơ quan, doanh nghiệp tại Thái Lan, Singapore có thể tự bố trí khung giờ nhưng không được ít hơn 60 phút. Cách làm thả nổi thời gian, giao quyền tự quyết cho các tổ chức, doanh nghiệp cũng được áp dụng rộng rãi từ các quốc gia Đông Á như Hàn Quốc tới Australia. Đây cũng là những kinh nghiệm đáng học hỏi cho Việt Nam trong quy định về giờ làm việc.

Ngọc Minh