Nghệ thuật vì khí hậu

- Thứ Bảy, 25/05/2019, 08:22 - Chia sẻ
Bão lũ, lụt lội, hạn hán - biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến mọi người, mọi quốc gia trên khắp thế giới. Nhiều lời kêu gọi hành động đã được đưa ra. Các nhà khoa học cũng đang miệt mài nghiên cứu tìm cách đối phó… Còn với các nghệ sĩ, họ cũng có những cách làm riêng để thức tỉnh mọi người.

Những hình ảnh ám ảnh

Một tảng băng ở phía Đông Greenland. Phía trước nó, ta nhìn thấy gương mặt của những người bản địa ở rừng nhiệt đới. Nước đá phản chiếu gương mặt họ. Cảnh tượng khác lạ này, được ghi lại trong một bức ảnh, nhìn thì có vẻ giả tạo những vẫn ám ảnh trĩu nặng tâm trí người xem.

Bức ảnh nằm trong triển lãm “Băng nhiệt đới” (Tropic Ice) của nhiếp ảnh gia người Đức Barbara Dombrowski. Bà đã chụp ảnh các nhân vật ở một nơi, sau đó in bức ảnh đó ở nơi khác, rồi chụp lại hình ảnh ấy. “Băng nhiệt đới” vì vậy thể hiện con người ở hai vùng khí hậu khác nhau, thậm chí không thể khác hơn được nữa: Đảo băng Greenland và rừng nhiệt đới Amazon. “Tôi chọn những vùng khí hậu cụ thể, và những nơi người dân đang sống giữa truyền thống và hiện đại. Sự tồn tại của họ và không gian họ sinh sống đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi ảnh hưởng của thế giới hiện đại và những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của biến đổi khí hậu”.


Bức ảnh chụp người dân rừng nhiệt đới được đặt trên tảng băng ở Greenland

Dombrowski muốn giúp những người bị ảnh hưởng trực tiếp nhất bởi khủng hoảng khí hậu được cất lên tiếng nói của mình. Bà tham gia vào cuộc sống hàng ngày của họ, dành thời gian với họ và quan sát thói quen, cách sống của họ. Vì vậy, bà đã chụp được những bức ảnh họ gần gũi với thiên nhiên xung quanh. Tuy thế, nhiếp ảnh gia này cũng nhận thức được rằng, công việc của bà chỉ có tác động nhất định nào đó tới con người. “Những bức ảnh về thảm họa có thể khiến chúng ta sợ hãi, nhưng chúng không thực sự khiến chúng ta suy nghĩ và hành động”.

Dombrowski đã tìm ra cách làm khác biệt, thể hiện con người và hoàn cảnh sống của họ, từ đó xây dựng sự thấu cảm. “Điều duy nhất khiến chúng ta hành động là sự thấu cảm, nghĩ về các hoàn cảnh sống khác nhau, của mình, của người khác và của con cháu mình”. Dombrowski mong muốn khuyến khích đối thoại thông qua nghệ thuật của mình, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và kết nối mọi người từ phương Bắc tới phương Nam cùng hành động.

Trong quá trình thực hiện dự án nhiếp ảnh này, những người Greenland nói với Dombrowski về loài cá đã thay đổi lộ trình di cư của chúng, hay những con hải cẩu giờ dịch chuyển về định cư ở phương Bắc và mùa đông trở nên ấm áp một cách không bình thường. Người dân bản địa ở Amazon cũng thống kê về những thay đổi trong mưa đá… “Họ không biết gì về nó cả, có nghĩa là nó chưa từng xảy ra trước đây” - Dombrowski nói.

Những quan sát của họ cho phép nhiếp ảnh gia 54 tuổi này cảm nhận được tình trạng biến đổi khí hậu khẩn cấp như thế nào. Nhiệm vụ của bà trở nên rõ ràng hơn: “Chúng ta cần làm cho biến đổi khí hậu dễ thấy hơn. Nghệ thuật có thể làm được nhiều việc hơn là cái gì đó đẹp đẹp để ngắm”.

Nghệ thuật hỗ trợ khoa học

Cái gì mà nghệ thuật có thể đạt được trong khi khoa học thì không thể? Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Dombrowski cảm thấy rằng bà “luôn bị tụt lại sau khoa học”. Nhưng nghệ sĩ đóng vai trò bổ trợ, khi họ được tự do miêu tả mặt tiêu cực của sự phát triển và “để người xem tự rút ra kết luận của riêng mình”.

Nghệ thuật có thể hỗ trợ khoa học, quan điểm phổ biến này đã dẫn tới việc một trường đại học ở Helsiki (Phần Lan) đã xây dựng chương trình mang tên “Sinh thái học và nghệ thuật đương đại” (Ecology and Contemporary Art). Nghệ thuật của các nhà hoạt động bảo vệ môi trường tìm thấy một nền tảng khác trên mạng xã hội, như hashtag Art4Climate (Nghệ thuật vì khí hậu) do Liên Hợp Quốc khởi xướng. Đóng góp của các nghệ sĩ này đem đến những ấn tượng khác nhau để hỗ trợ cho các số liệu và thực tế về tình trạng khẩn cấp của khí hậu Trái đất.

Ý tưởng kết hợp nghệ thuật và các chủ đề về môi trường làm xúc động người xem không mới. Thế kỷ XVIII, nhà thám hiểm và nhà khoa học Alexander von Humboldt từng vẽ trong các chuyến thám hiểm của mình, minh họa các loài cho đến khi chúng không còn được biết đến ở châu Âu. Hơn 20 năm qua, Cơ quan Môi trường của Đức đã tổ chức loạt sự kiện mang tên “Nghệ thuật và môi trường”, nêu bật các nghệ sĩ dấn thân vào chủ đề này. Cố vấn nghệ thuật của dự án Fontini Mavromati cho đây là một cách hay, giúp các chuyên gia về khí hậu nhìn nhận các vấn đề từ một quan điểm khác. Theo ông, nghệ thuật có thể không phải cách tiếp cận tốt nhất cho các mục đích giáo dục, nhưng nó cho phép mọi người nhìn nhận thực tế theo cách mới.

Trong khi tình trạng khí hậu ngày càng nghiêm trọng, Barbara Dombrowski thấy mỗi ngày lại có thêm nhiều lý do để tiếp tục thúc đẩy dự án của mình. Nhiếp ảnh gia mong muốn mở rộng triển lãm ra cả 5 châu lục. Sau “Tropic Ice”, bà đã thực hiện “Biển sa mạc” (Desert Sea), cho các bức ảnh ở sa mạc Gob phía nam Mông Cổ “đối thoại” với đảo Vanuatu ở Nam Thái bình dương… “Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến tất cả chúng ta và dường như chưa thấy điểm kết thúc. Vì thế, mọi người cần hành động”.

Ngọc Hà tổng hợp