Nghệ thuật đồ họa chữ

- Thứ Tư, 04/12/2013, 08:27 - Chia sẻ
Những ký tự với mọi hình thức hàng ngày vẫn xuất hiện xung quanh ta nhưng lại được thể hiện với tính nghệ thuật ứng dụng cao, qua đó làm nổi bật nội dung, truyền tải được ý đồ của người thiết kế tới người đọc.

Trên bao bì bịch sữa lấy ra từ tủ lạnh ghi những dòng Arial in đậm mô tả sự tươi ngon tinh khiết của sữa. Bức hình quảng cáo bên sườn xe bus tiết lộ bảng giá hấp dẫn của một hãng di động được viết bằng phông chữ Helvetica. Còn tấm biển treo ngoài văn phòng thông báo giờ mở cửa cho khách lại dùng phông chữ Times New Roman... Có thể thấy, nghệ thuật đồ họa chữ đã gần như thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực và loại hình, không còn chỉ riêng trong lĩnh vực in ấn như trước, và cách thức thể hiện cũng ngày càng phong phú.

Là kiểu thiết kế lấy chữ cái làm đối tượng khai thác, nghệ thuật đồ họa chữ, với nhiều kỹ thuật: sử dụng kiểu chữ, cỡ chữ, sắp xếp vị trí, màu sắc, độ tương phản của chữ cái cùng sự kết hợp với những hình ảnh, hình học..., đã giúp tạo ra các tác phẩm đa dạng. Có thể thấy rõ điều này qua triển lãm quốc tế về nghệ thuật đồ họa chữ lần thứ 59 của Type Directors Club (TDC), diễn ra từ ngày 30.11 - 7.12, tại Viện Goethe, Hà Nội. 215 tác phẩm được lựa chọn từ hơn 2.000 mẫu dự thi thiết kế nghệ thuật đồ họa chữ quốc tế TDC 2013 của các nhà thiết kế ở 33 quốc gia đã gửi tới công chúng “một cuộc dạo chơi đầy màu sắc”. Các tác phẩm ứng dụng trong nhiều chất liệu, định dạng, sử dụng cho thiết kế, truyền thông thương hiệu và nghệ thuật như: bìa sách, báo in, bao bì, poster cho đến mẫu logo và tiêu đề phim ảnh. Người xem có thể tìm thấy cho mình nguồn cảm hứng mới và cập nhật xu hướng thiết kế thương hiệu của thế giới từ những tác phẩm xuất sắc trưng bày tại đây.

Điểm chung của các tác phẩm triển lãm lần này là đều có phông chữ được thiết kế kỹ lưỡng, truyền tải đúng mục tiêu mà sản phẩm hay tài liệu ấy muốn hướng đến. Ông Richard Moore, Giám đốc điều hành sáng tạo của Richard Moore Associates, đại diện chính thức của TDC tại Việt Nam cho biết: trong các triển lãm từ trước đến nay, TDC không có chủ đề cụ thể. Mọi người từ các ngành nghề khác nhau gửi tác phẩm dự thi và TDC đánh giá dựa trên thông điệp họ muốn truyền tải và thiết kế phông chữ của họ có thể hiện được điều đó hay không. Bởi trong truyền thông, mỗi phông chữ, khi thể hiện ở những kiểu dáng, màu sắc, phong cách khác nhau sẽ tạo cho người đọc, người xem những cảm xúc nhất định. Có thể nói phông chữ là một trong những công cụ quan trọng để đạt được mục tiêu truyền thông.

Theo ông Richard Moore: “So với những năm trước, triển lãm năm nay có nhiều phong cách thể hiện, không thể tóm gọn trong một xu hướng. Điều này vượt cả khả năng tưởng tượng của chúng tôi”. Điều đó cho thấy, thiết kế phông chữ trên thế giới đang phát triển rất nhanh. Nếu trước đây, người ta tạo phông chữ bằng cách đúc khuôn kim loại hoặc gỗ, nếu muốn thay đổi, phải mất nhiều công sức đúc lại khuôn đó; thì ngày nay, các thiết bị điện tử giúp thể hiện các yếu tố đồ họa một cách linh hoạt. Có thể nói, sự phát triển của đồ họa chữ đi cùng với sự phát triển của công nghệ...

Đây là lần thứ tư Triển lãm quốc tế về nghệ thuật đồ họa chữ được tổ chức tại Việt Nam, nối tiếp thành công của TDC năm ngoái với hơn 4.000 lượt người xem. Trước khi đến Việt Nam, triển lãm đã được tổ chức tại nhiều nơi, như Minneapolis (Mỹ), Italy, Seoul (Hàn Quốc)... và sau Việt Nam sẽ là Hong Kong (Trung Quốc). Viện trưởng Viện Goethe Việt Nam, Ts Almuth Meyer - Zollitsch nhận xét: “Triển lãm khẳng định vai trò quan trọng của thiết kế đồ họa trong cuộc sống. Những thiết kế đồ họa chữ sẽ làm cho thế giới tốt đẹp hơn, ít nhất là thế giới thị giác”.

 Thành lập năm 1946, Type Directors Club (TDC) là tổ chức quốc tế dành cho các nhà thiết kế yêu thích đồ họa phông chữ trên mọi hình thức thiết kế. TDC có trụ sở chính tại New York, Mỹ, nhưng thành viên của tổ chức này ở khắp nơi trên thế giới. Hàng năm, TDC tổ chức thi thiết kế đồ họa chữ và triển lãm giới thiệu các tác phẩm đồ họa sử dụng phông chữ thuần thục trên các tài liệu truyền thông.

Lê Thủy