Xem - Nghe - Đọc

Nghệ sĩ đường phố

- Chủ Nhật, 12/05/2019, 08:44 - Chia sẻ
Một ông già đáng yêu vô đối với những thứ triết lý đời thường nhưng quá nhiều cảm hứng và đáng để học hỏi. Xem xong chỉ biết thốt lên rằng, thôi đừng kêu ca, đừng than phiền, đừng chê trách nữa, hãy nhấc chân lên mà làm việc thôi...

Street Food lại tiếp tục là một series phim tài liệu tuyệt vời về ẩm thực của Netflix. Có điều nó rất khác với những series trước đó như Chef’s Table, Ugly Delicious hay Salt Fat Acid Heat. Đơn giản là nó nói về ẩm thực đường phố châu Á, với những quán ăn giản dị được làm bằng bao mồ hôi của bao thế hệ, của những đầu bếp cần lao chứ không phải là những nhà hàng sang trọng gắn sao Michelin hay những “master chef” nổi tiếng như những ngôi sao điện ảnh hay ca nhạc của các series trước.

Một trong những người sáng tạo, giám đốc sản xuất (Creator/Producer) của series này là anh David Gelb, tác giả của bộ phim “Jiro Dreams of Sushi” nổi tiếng vài năm trước và cũng là cơ duyên để Netflix mời anh về đứng sau các series ẩm thực rất ăn khách trên kênh này. 

Food Street có tổng cộng 9 tập phim về 9 địa danh có ẩm thực đường phố nổi tiếng ở châu Á, trong đó có TP Hồ Chí Minh, Việt Nam - đáng tiếc, đó cũng là tập phim yếu nhất của series.

Các tập phim tôi thích nhất là Gia Nghĩa của Đài Loan, Cebu của Philippines, Bangkok của Thái Lan và đặc biệt là Osaka của Nhật Bản. 

Ông cụ đầu bếp chủ quán ăn đường phố Izakaya Toyo ở Osaka làm tôi nhớ đến ông Jiro trong “Jiro Dreams of Sushi” ở Tokyo. 

Cầu toàn, duy mĩ thì rõ rồi, nhưng người Nhật Bản, đặc biệt là những người già, những nghệ nhân lớn tuổi luôn có một phẩm chất, một thứ tinh thần rất đặc biệt ở bất cứ công việc nào mà họ làm, đặc biệt là công việc đòi hỏi nhiều sáng tạo. 

Như ông cụ Toyo này, lắm lúc tôi tưởng ông là một triết gia, một nhà tư tưởng đường phố; lắm lúc lại như một nghệ sĩ hài duyên dáng và tự tin trước ống kính.

 “Lắm lúc tôi tưởng ông là một triết gia, một nhà tư tưởng đường phố; lắm lúc lại như một nghệ sĩ hài duyên dáng và tự tin trước ống kính...”

Chỉ là chủ của một cái quán ăn đường phố thôi mà cụ nói thế này: “Tôi luôn sống theo ý mình, không thích chạy theo xu hướng. Bạn phải đặc biệt để tự làm nên điều khác biệt. Không thể mong đợi điều gì tốt nếu cứ đi theo mọi người. Tôi sẵn sàng tiếp nhận mọi thử thách, không hề do dự”, “Nếu được làm một sinh vật biển, tôi sẽ bơi từ Nam Cực tới Bắc Cực dưới hình hài cá voi”...

Osaka được xem là nhà bếp của Nhật Bản và người dân Osaka cũng có tiếng là tiêu tiền vào đồ ăn ngon hơn bất cứ nơi nào khác ở Nhật. Ở đây, họ ăn “đến mức bò ra thì thôi”.

Quán hàng rong của ông Toyo có tên là Izakaya Toyo đã tồn tại ở Osaka được 26 năm. Rất nhiều thực khách địa phương và khách du lịch đến đây xếp hàng để thưởng thức món ăn và tài nấu nướng của ông. 

Người ta gọi ông là một “ảo thuật gia điều khiển lửa” hay “diễn viên hài”, nhưng ông thì thích gọi là mình là “tên lừa đảo của Kyobashi, Osaka”. Ông bảo thế này: “Tôi thì thấp bé nhẹ cân, nhưng không thể nhìn mặt mà bắt hình dong được. Tôi biến sự vất vả thành niềm vui. Nụ cười của khách hàng chữa lành tôi. Trong cuộc đời ngắn ngủi này tôi tin rằng làm người khác hạnh phúc còn quan trọng hơn kiếm tiền”.

Ở Nhật Bản, cá ngừ là một trong những món ăn nổi tiếng nhất. Có những phần của con cá ngừ không thể làm sashimi được, người ta bỏ đi. Ông Toyo lấy về để chế biến món ăn và kiếm tiền từ chúng. Ông gọi đó là “trò lừa đảo hay nhất của tôi”. 

Hứng chí lên, ông diễn một điệu bộ đẩy xà đơn với hai thanh sắt ngay trong quán ăn của ông và bảo sẵn sàng làm đủ mọi trò lố bịch như một tên hề và không ngại bôi xấu bản thân. Và ông cười đắc chí như một tên hề thứ thiệt.

Chỉ đến khi ta biết về ý chí và những khổ cực mà ông đã trải qua để có ngày hôm nay, ta mới hiểu tại sao ông già này lại có một tinh thần lạc quan và vẻ ngoài như nghệ sĩ đường phố như thế. 

Ông kể ông sinh ra ở một thị trấn nhỏ của một hòn đảo chỉ có 15.000 dân. “Ký ức về tuổi thơ của tôi hoặc là cực kỳ hạnh phúc, hoặc là cực kỳ đau khổ”. Và rồi đôi mắt ông già ngấn lệ khi kể về bà mẹ qua đời từ lúc ông chỉ mới 6 tuổi. “Sau đó gia đình tôi tan vỡ. Bố tôi bắt đầu uống rượu và trở nên bạo lực. Khi tôi 6 tuổi, tôi là bao cát của bố tôi. Ngày nào ông cũng đánh tôi”.

Tuổi thơ khốn khó của ông không chỉ bị bố bạo hành mà còn thiếu thức ăn. Cậu bé Toyo thường phải đi bộ từ trường về nhà và dừng lại hái cỏ dại trên đồng mang về xào thay cơm. Bữa ăn thực sự chỉ để lót dạ và chỉ để tồn tại. 

Đến tuổi vào trung học, nhà nghèo túng không có tiền nên Toyo đành phải bỏ học để đến Osaka tìm việc. Lúc đó ông mới 15 tuổi và sự nhộn nhịp, náo nhiệt của thành phố này với ông là một cú sốc. Đó là một nơi đáng sợ, nhưng cũng là nơi biến ước mơ thành hiện thực - ông bảo vậy. 

 Ông từng phải làm nghề rửa bát trong suốt hai năm, rồi sau đó chuyển sang nấu nướng và dần dần được các đầu bếp lâu năm truyền nghề. 

Ngay từ lúc đó, ông đã khao khát mở một quán ăn của riêng mình. Ông đặt mục tiêu mở quán nếu có đủ 11 triệu yen. Ông ví von thế này: “Thà làm đầu gà còn hơn đuôi trâu. Thay vì làm nhân viên của một nhà hàng lớn thì thà làm chủ của một chiếc xe bán đồ ăn nhỏ. Đừng làm đuôi trâu, hãy làm đầu gà!”

Ước mơ của Toyo lúc đến Osaka không chỉ mở quán ăn riêng, mà còn mua nhà, cưới vợ và sinh con. Ông tự nhủ phải cần cù hơn người khác và mở quán ăn bằng mọi giá.

Sau 10 năm làm thuê quần quật thì ông để dành đúng được 11 triệu yen và nghĩ đã đến lúc đứng ra mở quán ăn. Nhưng định mệnh lại tiếp tục thử thách ông thêm một vố nữa. Nghe tin bố mất ở quê, ông phải mang tiền về làm đám tang và xây mộ, đó là một truyền thống rất quan trọng ở quê ông. Ông mất hết 7 triệu yen cho tang lễ, vị chi chỉ còn 4 triệu yen. Ông bảo ông không hối hận, nhưng một lần nữa, ước mơ lại vỡ tan tành. 

Nhưng ông nói rằng, nếu từ bỏ ước mơ thì không thể mong chờ có kết quả tốt. Phải có cách nào đó để mở quán ăn nhỏ với 4 triệu yen còn lại. Thế là quán hàng rong Izakaya Toyo ra đời vào ngày 20.11.1992. 

Lúc đầu, ông chỉ đặt một miếng thép không gỉ lên thân xe tải và nó trở thành bàn nấu và kệ bếp của ông. Quán nhỏ chỉ phục vụ được 5 - 6 khách một lúc. Quán ăn hoàn toàn tự phục vụ, thậm chí, khách hàng còn phải giúp ông tự rửa bát sau khi ăn xong. 

Toyo nói rằng, ban đầu người ta coi thường tôi, cho rằng Izakaya Toyo của tôi chỉ là một gánh hàng rong. Ông cũng tự thấy mình thấp kém vì quán ăn không có phòng vệ sinh hay nước máy - hai thứ tối thiểu cho một quán ăn ở các thành phố lớn Nhật Bản. 

Do lo sợ không biết có duy trì được quán ăn không nên ông làm việc cực kỳ vất vả. Có những giai đoạn ông làm liên tục 50 ngày liền không nghỉ, mỗi đêm chỉ ngủ 4 tiếng, không có thời gian tắm rửa. Tối về nhà lạnh cóng, lại không có nước nóng nên ông chỉ lau người bằng nước lạnh và xà phòng. Ông đã từng nghĩ đời này chắc chẳng có ai phải sống khổ sở như ông. 

Nhưng rồi trời chẳng phụ lòng người. Quán ăn nhỏ của ông dần dần nổi tiếng nhờ tài chế biến và điều khiển ngọn lửa nướng như một nghệ sĩ xiếc của ông. Ông nướng đầu cá ngừ trên vỉ. Bên dưới dùng lửa than, bên trên dùng đèn khò của ga để cá nhanh chín. Điều đặc biệt là ông dùng tay, nhúng vào một xô nước cá bên cạnh để trở cá dù phải tiếp xúc với cả hai ngọn lửa nóng từ bên dưới và phía trên. Ông cho rằng dùng tay lật cá sẽ giúp cá không bị nát như cách làm bằng kẹp kim loại. Vừa làm, ông vừa cầu nguyện bằng cả trái tim cho món cá của ông thật ngon.

Và lời truyền miệng giúp quán ăn của ông nổi tiếng. Đến năm thứ 3, có cả hàng trăm người xếp hàng để chờ thưởng thức món ăn của ông. Và cuối cùng, ông cũng đã có một quán ăn đàng hoàng, có phòng vệ sinh và nước máy.

Hiện nay, quán ăn của Toyo có 7 nhân viên phục vụ, đa số còn rất trẻ. 

Toyo của ông thành công ở Osaka. Món ăn nổi tiếng nhất của ông là má cá ngừ nướng. 

Và ông thừa nhận rằng, Osaka là thành phố đã biến ước mơ của ông thành hiện thực. “Giống như Osaka, tôi không tuân theo khuôn phép. Tôi tự hào về điều đó” - ông nói.

“Trong quá khứ, khao khát lớn nhất của tôi là mua nhà, lấy vợ và sinh con. Nhưng khi đã tạo được dấu ấn của mình, thì cuộc đời rất khó đoán. Izakaya Toyo là nhà của tôi, nhân viên là con tôi, còn khách hàng là gia đình tôi.” - Toyo nói tiếp. 

Giờ đây, ông vẫn đi về một mình trong một căn hộ chung cư nhỏ. “Tôi sống cuộc sống của mình mà không hề hối hận. Tôi sẽ làm việc đến hơi thở cuối cùng, dù là ngày mai, hay là khi tôi 90 tuổi. Mong ước lớn nhất của tôi bây giờ là ngã xuống khi đang làm việc. Chỉ thế thôi!”.

Một ông già đáng yêu vô đối với những thứ triết lý đời thường nhưng quá nhiều cảm hứng và đáng để học hỏi. Xem xong chỉ biết thốt lên rằng, thôi đừng kêu ca, đừng than phiền, đừng chê trách nữa, hãy nhấc chân lên mà làm việc thôi. 

Nếu có dịp đến Osaka, nhất định tôi phải đến thưởng thức món má cá ngừ nướng của Toyo.

Bảo Khánh