Nghệ An: Tập trung quy hoạch, xây dựng sản phẩm chủ lực

- Thứ Năm, 05/12/2019, 00:02 - Chia sẻ
Quỳnh Lưu là huyện đa dạng về các sản phẩm nông nghiệp, nhiều loại cây trồng, nhiều loại vật nuôi, trong đó có các sản phẩm truyền thống, lâu đời, có thương hiệu và cả các sản phẩm mới.

Hiện nay, huyện Quỳnh Lưu có 30 làng nghề được UBND tỉnh công nhận với 7 loại ngành nghề chính như mộc mỹ nghệ, gạch xi măng, mây tre đan, chế biến thuỷ hải sản, sửa chữa tàu thuyền, hoa cây cảnh, sản xuất miến, gạch không nung. Trong đó, có 5 loại nghề đã được người dân tiếp cận kỹ thuật, máy móc để tăng năng suất lao động. Với các nghề truyền thống, Quỳnh Lưu là địa phương được nhiều nơi biết đến với nghề làm nước mắm lâu đời và ổn định. Hơn 500 cơ sở, hộ sản xuất nước mắm ở Quỳnh Lưu mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng chục triệu lít nước mắm. Tâm huyết với nghề truyền thống của quê hương nên nhiều năm huyện đã tập trung hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm.

Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã công bố và trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho nước mắm truyền thống Tân An của xã An Hòa. Đây là niềm vinh dự, tự hào rất lớn của làng nghề làm nước mắm lâu đời này và là cơ hội để bà con quảng bá thương hiệu đi khắp cả nước. Nước mắm Tân An là sản phẩm được huyện Quỳnh Lưu lựa chọn để xây dựng sản phẩm OCOP.

Ông Đậu Đức Năm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Huyện đang tập trung để quy hoạch, xây dựng các sản phẩm chủ lực của địa phương. Với tiềm năng và lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, huyện Quỳnh Lưu đặt ra mục tiêu phát triển khai hiệu quả chương trình xây dựng mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Nhiệm vụ đặt ra là cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực, giúp người dân nâng cao thu nhập, đẩy mạnh triển kinh tế khu vực nông thôn. Bước đầu, chúng tôi đã lựa chọn được 50 sản phẩm ở các xã để xây dựng sản phẩm nông nghiệp sạch. Nhưng để xây dựng được sản phẩm đạt các tiêu chí của OCOP thì mới chọn được 20 sản phẩm. Mục tiêu là mỗi năm, chúng tôi sẽ chọn được 3 đến 4 sản phẩm để tập trung xây dựng theo các tiêu chí cụ thể của OCOP như tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng, tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị và tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm”.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khoa học xanh Hidumi Pharma chia sẻ: “Nuôi trồng tảo xoắn là công việc gian khó, đòi hỏi mất nhiều công sức, sự tỉ mẩn và chuyên tâm cũng như hiểu biết về công nghệ, kỹ thuật rất cao. Đến nay, chúng tôi đã làm chủ được quy trình, công nghệ nuôi trồng, xử lý nguồn nước, chủ động về con giống và kiểm soát được quá trình nuôi và quy trình chế biến sản phẩm. Năng suất sản xuất trung bình của công ty khoảng 5 tấn tảo sấy khô một năm. Các sản phẩm tảo xoắn Spirulina, đậu tương lên men Nattokinaza và rượu Đông trùng hạ thảo của công ty đã được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm, phân tích và được Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cấp giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm chất lượng tốt. Hiện nay, sản phẩm của công ty đã có mặt khắp nơi trên thị trường cả nước và được người tiêu dùng đánh giá, phản hồi rất tích cực”. Đây cũng là sản phẩm được huyện Quỳnh Lưu lựa chọn để quảng bá cho sản phẩm OCOP.

Đình Bảo