Tham gia CPTPP và EVFTA

Ngành nông nghiệp có “thay da đổi thịt”?

- Thứ Năm, 27/06/2019, 07:08 - Chia sẻ
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) không chỉ mở rộng thị trường mà còn mang lại lợi ích thuế quan cho nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, “cam kết FTA không đồng nghĩa là giấy phép là visa xuất khẩu cho các loại hàng hoá”, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập Nguyễn Thị Thu Trang phát biểu tại Hội nghị “Cơ hội và thách thức với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do” diễn ra ngày 26.6.

Thị trường rộng mở

Với việc ký kết và thực thi các FTA, Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi nhiều hơn về thuế quan, phi thuế quan; đồng thời có điều kiện cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường. Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương Dương Quốc Thái, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực thực thi từ 14.1.2019 và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến ký kết ngày 30.6 tới sẽ giúp mở rộng tiếp cận những thị trường xuất khẩu lớn. Cụ thể, gồm 11 nước thành viên, CPTPP là một thị trường lớn với hơn 40 triệu dân, GDP chiếm trên 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn 10.000 tỷ đồng. Các thị trường vẫn còn tiềm năng rất lớn nhập khẩu là Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico… Nông lâm sản khi xuất khẩu vào các nước trong khối CPTPP với thuế suất phổ biến từ 5 - 10% hiện nay sẽ được hạ xuống 0%, trước mắt là khi xuất khẩu sang Canada và Nhật Bản. Một số sản phẩm thuỷ sản như cá tra, cá ba sa, hoặc gạo sẽ được hưởng thuế xuất bằng 0% khi xuất khẩu sang Mexico, Canada.

Tương tự, EVFTA không chỉ tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam tiếp cận với thị trường 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu với hơn 500 triệu dân. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Sau 7 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Riêng với nông sản Việt Nam, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN - PTNT cho biết EVFTA mang lại lợi ích thuế quan đáng kể. Cụ thể, nhóm hàng thịt trâu bò tươi, ướp lạnh, đông lạnh; thịt lợn tươi, đông lạnh...  thuế sẽ giảm còn 0%. Tương tự, 530/556 dòng thuế của các mặt hàng rau quả và thuế của 93% sản phẩm cà phê, hồ tiêu cũng về 0% khi hiệp định có hiệu lực.


Toàn cảnh hội nghị

Cam kết thương mại không phải là tấm “visa”

Theo đánh giá của Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ NN - PTNT Trần Công Thắng, bên cạnh nhiều cơ hội, ngành nông nghiệp đối mặt với không ít thách thức. Mức độ cạnh tranh giữa hàng nội và hàng ngoại sẽ gia tăng hàng rào thuế dần được cắt giảm, trong khi Việt Nam khó sử dụng hàng rào phi thuế như một biện pháp bảo hộ do năng lực về pháp lý, bằng chứng khoa học hạn chế. Việc quản lý và thực thi các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm trong nước chưa đạt kết quả kỳ vọng có thể dẫn tới nguy cơ đánh mất thị trường nội địa khi nông sản Canada hay Nhật Bản - có chất lượng và độ tin cậy cao với giá cả cạnh tranh - tràn sang.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam sẽ khó đáp ứng quy tắc nguồn gốc xuất xứ để bảo đảm quyền lợi được hưởng ưu đãi thuế quan đối với một số ngành do sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu (điều, gỗ…) hoặc trong nước do chưa xây dựng được các chuỗi giá trị ngành hàng bền vững, chưa có thói quen về lưu trữ bằng chứng minh về nguồn gốc xuất xứ trong toàn chuỗi… 

Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập Nguyễn Thị Thu Trang đánh giá, các cam kết thương mại tự do không đồng nghĩa là giấy phép, là visa xuất khẩu cho các loại hàng hoá. Cam kết thương mại tự do cũng sẽ không xoá bỏ các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm… Việt Nam không những phải bảo đảm tuân thủ các quy định của các nước nhập khẩu về vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn phải bảo đảm tiêu chuẩn về xã hội, lao động, sở hữu trí tuệ, nguồn gốc xuất xứ, minh bạch hóa thông tin…

Đẩy mạnh chế biến sâu

Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, khối lượng nông sản Việt Nam sản xuất hiện nay là quá nhiều nhưng giá trị quá ít. “Điển hình như cá ngừ đại dương, tại Việt Nam đánh bắt con cá nặng 337kg bán được 37 triệu đồng, tại Nhật Bản con cá 270kg bán được 70 tỷ đồng. Đó là đẳng cấp, trình độ kinh tế, là tiêu chuẩn, quy chuẩn, cách thức, kỹ năng hội nhập”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, phải nhận dạng thật rõ, phải tổ chức lại chuỗi ở tất cả các khu vực, chuyển đổi phương thức, hoàn thiện thể chế, liên kết chất lượng sản phẩm. Hội nhập của ngành nông nghiệp sẽ khó, nhưng “không có gì phải sợ bởi hiện nay, nước ta đang có nhiều lợi thế nhất định”. Thời gian tới, Bộ NN - PTNT sẽ chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch làm việc với từng hiệp hội, ngành hàng, cá địa phương để phát triển 3 nhóm kinh tế nông nghiệp: chăn nuôi và trồng trọt; lâm sản; thuỷ sản. Rà soát, tích hợp tinh thần của 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vào chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, một trong những yếu tố quan trọng được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh là nguồn nhân lực để ứng phó với các hàng rào kỹ thuật. Kinh tế hội nhập rất cần những “thầy cãi” để bảo vệ hàng hoá Việt Nam khi bước ra thị trường thế giới.

Chi An