Ngành mía đường bao giờ qua cơn bĩ cực?

- Thứ Tư, 14/08/2019, 19:28 - Chia sẻ
Tồn kho kỷ lục đến hơn 650.000 tấn đường, 17/32 nhà máy thua lỗ lớn, nhiều nhà máy có nguy cơ đóng cửa... Hệ lụy kéo theo nhiều vùng trồng mía đang bị thu hẹp, nông dân bỏ ruộng, rời quê tha hương.

Người trồng mía kêu cứu

Hàng vạn hộ nông dân trồng mía ở các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, Sơn La, Phú Yên… đang kêu cứu vì nguy cơ “tái nghèo” đang hiện hữu. Giá mía giảm sâu, càng trồng càng lỗ, trong khi chuyển đổi cây trồng khác cũng gặp vô vàn khó khăn… nhiều hộ trồng mía bỏ ruộng, lên thành phố làm thuê, làm mướn.

Là nông dân trồng mía điển hình của cả nước, từng nhận nhiều danh hiệu, bằng khen vì có công khai hoang, san nhiều ha đất đồi thành đồng bằng trồng mía trù phú…, thế nhưng lúc này, ông Đoàn Đắc Miên (xã Sơn Nguyên, Sơn Hòa, Phú Yên) cũng đang trong cảnh khốn cùng vì… cây mía.

Gia đình ông Miên trồng mía từ năm 1984. Theo lời ông Miên, nhiều năm trước, cây mía cho gia đình ông và nhiều bà con nông dân ở huyện Sơn Hòa cơm ăn áo mặc, nhà cửa xe cộ. Nhưng 3 năm trở lại đây, giá mía xuống thấp, thời tiết khô hạn, càng trồng càng lỗ.

“Tôi vay ngân hàng nông nghiệp 3 tỷ đồng không có lãi trong thời gian 2,5 năm để mua máy cày, hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ cao… theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Chính phủ về Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Nhưng vì bán mía lỗ nên không có tiền trả lãi cho ngân hàng”, ông Miên chua xót

Tương tự, ông Đinh Văn Triệu – lão nông có thâm niên hơn 20 năm trồng mía ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cũng than trời “Thua lỗ liên tiếp 3 năm rồi, giờ muốn bỏ cây mía quá. Nhưng bỏ mía rồi không biết trồng cây gì”.

Ông Võ Hòng Anh - Giám đốc HTX Hiệp Hưng (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang)cho biết, gần đây nhiều hộ dân trong vùng đã giảm bớt diện tích mía, chuyển sang trồng cam để mong “lấy ngắn nuôi dài”. Nhưng cũng chỉ được một vài vụ có lãi, giờ lại không có đầu ra, giá cam thấp còn 6.000 – 7.000 đồng/kg, lỗ hơn trồng mía.

“Trước đây trồng mía khá lắm, bà con ăn nên làm ra nhờ cây mía. Nhưng 2-3 vụ gần đây thì giá mía tụt xuống trong khi chi phí vật tư, nhân công tăng, bà con lỗ quá trời, tính bỏ ruộng trống vì chưa tìm được cây thay thế”, Giám đốc HTX Hiệp Hưng cho biết.

Ông Thái Văn Hùng - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hoà (tỉnh Phú Yên) cho biết, cùng với sự sụt giảm của giá đường, giá thu mua mía của bà con nông dân cũng liên tục giảm trong 3 năm gần đây. Nếu như năm 2016 giá thu mua tại ruộng của nhà máy là khoảng 900.000 – 1.000.000 đồng/tấn, thì tới năm 2017 là đã giảm xuống 820.000 đồng/tấn; và sang năm nay chỉ còn 750.000 đồng/tấn.

“Với mức giá này, cả nhà máy và nông dân đều thua lỗ, nếu kéo dài thêm thì nhà máy buộc phải đóng cửa” – ông Hùng cho biết.

Lo “xóa sổ” ngành đường

Đầu tháng 7, Công ty CP Mía đường Cần Thơ (CASUCO) gửi công văn đến lãnh đạo tỉnh Hậu Giang về việc tạm ngừng sản xuất Nhà máy Đường Vị Thanh - 1 trong nhà 2 nhà máy đường của công ty trên địa bàn tỉnh. 

Trước đó, hồi tháng 5, Tập đoàn Thành Thành Công TTC) cũng cho biết sẽ tạm dừng hoạt động 4 nhà máy đường tại Tây Ninh và Đồng Nai, Ninh Thuận gồm có: Nhà máy TTC Biên Hòa – Trị An, Nhà máy TTC Biên Hòa – Phan Rang, Nhà máy TTC Biên Hòa – Tây Ninh…

Theo lý giải của các doanh nghiệp, nguyên nhân dừng hoạt động các nhà máy đều bắt nguồn từ việc thiếu nguyên liệu.

Thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, niên vụ mía đường 2018-2019, sản lượng mía ước đạt khoảng 14 triệu tấn, sản lượng đường ước đạt khoảng 1,3 triệu tấn, giảm so niên vụ trước. Dự kiến, niên vụ mía đường 2019-2020, sản lượng sẽ tiếp tục giảm. Trong đó, diện tích mía giảm xuống còn 220.000 ha, sản lượng mía còn khoảng 13 triệu tấn và sản lượng đường khoảng 1,25 triệu tấn, giảm 5% so niên vụ trước.

Cũng theo VSSA , năm nay, giá đường liên tục giảm từ đầu vụ, với mức giảm tổng cộng tới 24%. Trong tháng 6.2019, giá bán buôn đường kính trắng ở miền Bắc phổ biến từ 11.100 - 11.900 đồng/kg, miền Trung - Tây Nguyên từ 11.000 - 10.800 đồng/kg và TPHCM từ 11.100 - 12.100 đồng/kg. Đến thời điểm này, hầu hết giá chào bán đường tại các nhà máy đã gần sát với giá đường nhập từ Thái Lan (khoảng 11.000 đồng/kg). Một số nhà máy đã phải chào bán đường với giá bán ngang hoặc thấp hơn so với giá thành, nhưng việc tiêu thụ vẫn đang rất chậm.

Tính đến cuối tháng 8, tồn kho tại các nhà máy đường khoảng 650.000 tấn, gần bằng một nửa sản lượng. Tiêu thụ đường chậm, cộng với hạn mức tín dụng của ngân hàng đã hết, nhiều nhà máy đang phải nợ nông dân trồng mía tới hàng trăm tỷ đồng.

Khó khăn chồng chất khó khăn khiến doanh nghiệp mía đường Việt Nam không còn sức cạnh tranh, đứng trước nguy cơ nhiều nhà máy phải tạm dừng sản xuất, thậm chí phá sản. Hiện có 17/30 nhà máy sản xuất đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu.

Trong đơn kiến nghị mà VSSA gửi Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 5 vừa qua, Hiệp hội này đã chỉ rõ những nguyên nhân khiến doanh nghiệp tồn kho tăng, ngành đường trong nước gặp khó.

Cụ thể, cùng với sự gian lận thương mại quy mô quốc tế của Thái Lan, đối tác chính trong ngành đường ASEAN… thì tình trạng gian lận thương mại, đặc biệt là buôn lậu đường ngày càng gia tăng đã khiến đường sản xuất trong nước khó bán. Theo tính toàn của VSSA, từ niên vụ 2015-2016 đến nay, đường nhập lậu và gian lận thương mại có khối lượng ước tính khoảng 700.000 tấn/năm.

Như vậy, để giải quyết khó khăn của ngành mía đường, cần phải có giải pháp đồng bộ, trong đó phải hoàn thiện về cơ chế chính sách, có chính sách hỗ trợ tốt hơn cho người trồng mía để ngành đường Việt Nam đủ sức cạnh tranh với Thái Lan.

Trước mắt, để giảm được lượng đường tồn kho, giải pháp hữu hiệu nhất là phải chống được đường lậu, phải để đường tạm nhập tái xuất theo đúng quy định… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc chống gian lận thương mại, chống buôn lậu trong mặt hàng đường hiện vẫn không thực sự hiệu quả. Đây là điều các cơ quan quản lý cần nhìn nhận đúng để có biện pháp quyết liệt hơn.

Song Hà