Ngành giáo dục Thủ đô có nhiều chuyển biến tích cực

- Thứ Sáu, 06/12/2019, 17:54 - Chia sẻ
Qua phần chất vấn, tranh luận, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, Hà Nội hiện vẫn là một trong những đơn vị có quy mô lớn nhất cả nước về giáo dục. Hiện Hà Nội có 2.746 trường với trên 2 triệu học sinh, so với cùng kỳ năm trước, tăng 34 trường, tăng 1.969 nhóm lớp, tăng hơn 40.000 học sinh. Trường ngoài công lập hiện có 534 trường, chiếm gần 14% tổng số học sinh. Với quy mô như vậy, vai trò quản lý của ngành giáo dục rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện Hà Nội vẫn dẫn đầu về chất lượng, quy mô, mũi nhọn, chất lượng, đại trà trong giáo dục.

Hà Nội là đơn vị dẫn đầu về giáo dục của cả nước

Qua phần chất vấn, tranh luận, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, Hà Nội hiện vẫn là một trong những đơn vị có quy mô lớn nhất cả nước về giáo dục. Hiện Hà Nội có 2.746 trường với trên 2 triệu học sinh, so với cùng kỳ năm trước, tăng 34 trường, tăng 1.969 nhóm lớp, tăng hơn 40.000 học sinh. Trường ngoài công lập hiện có 534 trường, chiếm gần 14% tổng số học sinh. Với quy mô như vậy, vai trò quản lý của ngành giáo dục rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện Hà Nội vẫn dẫn đầu về chất lượng, quy mô, mũi nhọn, chất lượng, đại trà trong giáo dục.
Qua giải trình của Giám đốc Sở GD&ĐT, so với kỳ trước thì lần này trả lời rõ ràng, nắm chắc vấn đề đại biểu đặt ra. Ngành GD&ĐT cũng đã ban hành những văn bản về quản lý nhà nước đúng trách nhiệm, khắc phục những tồn tại đã được chất vấn kỳ trước, đồng thời xử lý nghiêm vi phạm. Cụ thể, đã giải thể 66 nhóm lớp, xử phạt hành chính 55 nhóm lớp khác. Đã kiểm định được chất lượng các cơ sở ngoài công lập, đưa lên cổng thông tin của ngành.

Xung quanh ý kiến về các cơ sở giáo dục ngoài công lập có yếu tố nước ngoài, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá cao việc Sở đã quản lý chặt chẽ hơn, đưa lên cổng thông tin của ngành về kiểm định chất lượng, những cơ sở đủ điều kiện, giúp cử tri có điều kiện để giám sát. Hiện nay, các cơ sở giáo dục ngoài công lập đã có hệ thống văn bản quản lý chặt chẽ hơn, các phụ huynh cảm thấy yên tâm hơn với vai trò quản lý nhà nước trên địa bàn.Ngoài ra, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đề nghị UBND TP tiếp tục chỉ đạo Sở GD&ĐT và các quận, huyện tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kết luận 16 của HĐND TP kỳ họp thứ 6, trong đó có đầy đủ các vấn đề liên quan đến rà soát, kiểm định chất lượng… Đối với Sở GD&ĐT, liên quan những văn bản quản lý các cơ sở ngoài công lập còn có những thiếu hụt, Sở cần có đề xuất với UBND TP, trình HĐND TP. Hiện gần 14% tổng số học sinh học trường ngoài công lập, công tác quản lý thế nào? Ngoài ra, vai trò của quận, huyện trong quản lý giáo dục cần được phát huy hơn. Ví dụ, những cơ sở không đủ điều kiện trên địa bàn, tình trạng xâm hại học sinh, các quận, huyện phải phát huy vai trò của mình.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

Trước đó, Giám đốc Sở GD - ĐT đã thông tin trả lời một số câu hỏi chất vấn của đại biểu liên quan đến công tác quản lý giáo dục các cơ sở ngoài công lập. Theo đó, từ sau kỳ họp trước, thực hiện Nghị quyết HĐND TP, Sở đã xây dựng các nội dung để rà soát các văn bản quản lý, trong đó đã bổ sung một số văn bản để thực hiện quản lý nhà nước đối với các nhóm trẻ, trường phổ thông tư thục; triển khai công tác tự đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục; công khai theo đúng quy định; xây dựng kế hoạch thanh tra kiểm tra, rà soát toàn bộ điều kiện hoạt động các trường ngoài công lập. Về kết quả, Sở rà soát các trường lên quan vấn đề cán bộ, công tác giáo viên, chương trình học, trang thiết bị cơ sở vật chất; thanh tra chuyên môn 9 trường, kiểm tra chuyên môn 89 trường, kiểm tra 1.090 cơ sở mầm non, mẫu giáo độc lập tư thục, kiểm định chất lượng giáo dục 105 trường… Còn 9 nhóm trẻ chưa được cấp phép, sắp tới chúng tôi có kế hoạch kiểm tra cụ thể. Đây là các nhóm trẻ liên quan tôn giáo. Sở đã kết hợp Công an TP, Ban Tôn giáo TP và một số địa phương trong việc này, nhưng cần có sự linh hoạt, phối hợp chặt chẽ hơn.
Dù vậy, Giám đốc Sở thừa nhận, tuy ngành rất cố gắng rà soát, nhưng trên địa bàn xảy ra một số sự việc đáng tiếc như tại trường Gateway. Trong công tác quản lý các nhà trường, Sở luôn quán triệt các hiệu trưởng trường, chủ nhóm lớp, vấn đề đầu tiên là phải đảm bảo an toàn an ninh tốt nhất cho học sinh, giáo viên; hàng năm có văn bản chỉ đạo kịp thời công tác này. Riêng với cấp học tiểu học và mầm non, mẫu giáo, cần quan tâm theo thứ tự an toàn - nuôi dưỡng - giáo dục. Sự việc tại Trường tiểu học Gatewway, chúng tôi ý thức ngành giáo dục đào tạo có trách nhiệm. Đây là sự việc hy hữu, rất đau xót đối với ngành. Trách nhiệm lớn nhất trong việc này là ở các cá nhân có liên quan đưa đón học sinh, giáo viên chủ nhiệm lớp, ban giám hiệu nhà trường. Nguyên nhân là do còn lỗ hổng trong công tác quản lý, tinh thần làm việc thiếu trách nhiệm của các cá nhân trực tiếp liên quan. Còn nguyên nhân cụ thể cần chờ xác minh, công bố của các cơ quan điều tra. Về giải pháp để không xảy ra các sự việc tương tự, ngay sau sự việc đau lòng đó, ngành đã tổ chức rà soát yêu cầu các đơn vị trường báo cáo thống kê biển số xe, loại xe, số ghế và số học sinh được đưa đón trong từng xe; gửi kết quả về Công an TP và Sở GTVT để phối hợp quản lý. Hiện trên toàn TP có 246 trường với 2.293 xe và khoảng 40.900 học sinh tham gia các phương tiện đưa đón.
Giải pháp thứ hai, chúng tôi yêu cầu các đơn vị tham gia dịch vụ này, các nhà trường thực hiện nghiêm việc lựa chọn các nhà cung cấp đảm bảo an toàn và các yêu cầu về công tác quản lý.
Thứ ba, yêu cầu các trường tham gia dịch vụ này xây dựng quy trình đưa đón trẻ em đến trường, quản lý tại trường và bàn giao về gia đình hàng ngày đảm bảo thật nghiêm túc.
Thứ tư, tuyên truyền đến người dân, cha mẹ học sinh và cộng đồng. Đầu năm học, trong Tháng An toàn giao thông chúng tôi triển khai ký cam kết, trong 2.293 lái xe của các nhà trường có gần 600 lái xe ký cam kết nội dung này.
Sở kiến nghị các Sở GTVT, Công an TP hỗ trợ Sở GTĐT rà soát các xe trên danh mục mà Sở đã thống kê gửi. Đặc biệt, Sở GTVT cần có hướng dẫn cụ thể về dịch vụ đưa đón học sinh. “Tôi cho rằng đây là nội dung cần được quan tâm, vì khác các dịch vụ vận chuyển công cộng khác khi người lớn đã ý thức, tự chủ được việc đăng ký và lên xuống xe, còn học sinh vẫn cần có người giám hộ. Nếu không xây dựng được yêu cầu đối với lái xe về quy trình này thì rất khó khăn trong quản lý”, Giám đốc Sở nhấn mạnh.
Cùng với đó, Giám đốc Sở đề nghị cha mẹ học sinh và người dân cần nâng cao trách nhiệm với con em. Vừa qua, một số địa phương có một số xe kém chất lượng, hết thời hạn lưu hành được cải tạo và cha mẹ học sinh tập trung thuê xe đó để vận chuyển con em mình (như tại huyện Đan Phượng, Ba Vì có một số gia đình thuê xe đã hết hạn sử dụng để đưa đón con). Nên vấn đề người dân giám sát rất quan trọng.
Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo cho hay, thời gian qua ,các nhà đầu tư lĩnh vực giáo dục ngoài công lập có nhiều chuyển biến tích cực, tại TP có số trường này cao nhất cả nước, chiếm tỷ lệ 21%. Tình trạng hiện một số khu đất có dự án đầu rư trưường sau đó được chuyển đổi do nhiều nguyên nhân khác nhau, đề nghị các sở ngành cần chia sẻ thông tin về nội dung này.

P.L