Ngành đường sắt mở rộng hệ thống bán vé tàu tết

- Chủ Nhật, 27/10/2019, 08:37 - Chia sẻ
Ngành đường sắt mở hệ thống bán vé tàu Tết Canh Tý 2020 từ 20.10. Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tổng Công ty đường sắt Việt Nam ĐẶNG SỸ MẠNH cho biết, do ngành đường sắt mở rộng hệ thống bán vé qua nhiều kênh nên không xuất hiện cảnh hành khách chen lấn, xô đẩy mua vé, việc bán vé diễn ra thuận lợi.

- Việc bán vé tàu tết năm nay có điểm gì mới so với trước thưa ông?

- Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Canh Tý 2020, các Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn đã tổ chức bán vé rộng rãi qua rất nhiều kênh như: trực tiếp bán tại ga, tại các đại lý, điểm bán vé hộ, qua Website đặt vé tàu và ứng dụng Ví điện tử Momo, Vimo, ứng dụng ViettelPay, điện thoại giao vé tận nhà. Vì vậy, tại các ga có mật độ hành khách đông không còn hiện tượng phải đứng xếp hàng dài chờ mua vé như những năm trước.

Hệ thống đại lý bán vé tàu hỏa được mở rộng trên nhiều địa phương, trong đó có đại lý bán vé trực tuyến để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hành khách. Trong đó, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội có 42 đại lý, tăng 5 đại lý so với năm ngoái, còn Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn có 137 đại lý, tăng 37 đại lý. Chúng tôi cũng xây dựng phương án giá phù hợp với các loại chất lượng dịch vụ vận chuyển hành khách của mỗi loại tàu khách, có các chính sách khuyến mại hấp dẫn đối với hành trình vắng khách theo các thời điểm cụ thể. Đồng thời, áp dụng phát thẻ Khách hàng thân thiết trong năm 2019 để việc bán vé tàu Tết tốt hơn.

- Dịp lễ, tết tình trạng“cò vé” lại phổ biến và gây bức xúc cho xã hội, ngành đường sắt có giải pháp nào ngăn chặn hiệu quả?

 Tính đến nay, số lượng vé tàu khách tết đã được thanh toán thành công là 96.867 vé, trong đó số vé đặt mua và thanh toán trực tuyến qua website chiếm 23,5%; số vé đặt mua trên website và thanh toán sau chiếm 24%; số vé mua tại các điểm bán vé và đại lý là 52,5%.

- “Cò vé” là một tồn tại của xã hội khi có hiện tượng cung ít hơn cầu không chỉ xảy ra riêng đối với ngành đường sắt, thường dùng chiêu thức mua vé hộ cho hành khách để kiếm lợi nhuận và lợi dụng lòng tin của hành khách để lừa đảo như mua vé không đúng yêu cầu, sửa thông tin ngày đi tàu, giá vé, thông tin hành khách, điều này đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách.

Để tránh tình trạng “cò vé” diễn ra, chúng tôi quy định đối với vé tàu trong đợt cao điểm tết tăng mức khấu trừ đổi, trả vé lên 30% và phải trả 10 tiếng trước giờ tàu chạy đối với vé cá nhân, trước 24 tiếng đối với vé tập thể. Chỉ người có giấy tờ tùy thân đúng với thông tin thẻ lên tàu hoặc tên đơn đặt vé mới được phép trả vé. Các quy định về hệ thống bán vé điện tử cũng được rà soát lại để tránh các kẽ hở, lỗ hổng tạo điều kiện cho “cò vé” lợi dụng. 

Chúng tôi cũng phối hợp với chính quyền địa phương trong việc bảo đảm an ninh trật tự, giải tỏa nạn “cò vé” chèo kéo hành khách trong khu vực ga. Đồng thời, tăng cường giáo dục cán bộ, nhân viên không tiếp tay cho cò mồi chợ đen, lắp đặt camera để giám sát, tăng cường công tác kiểm tra để ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ngành đường sắt cũng khuyến cáo hành khách nên mua vé tại các nhà ga, các điểm bán vé, các đại lý chính thức, không nên mua vé bên ngoài của cò mồi, các đại lý trá hình.

- Trường hợp nhân viên ngành đường sắt có hành vi tiếp tay cho “cò vé” sẽ bị xử lý như thế nào?

- Ngành đường sắt có những quy định nghiêm ngặt về hệ thống bán vé điện tử, có những quy định xử lý vi phạm của nhân viên, trong đó có hành vi tiếp tay cho “cò vé”, rất nghiêm khắc. Quan điểm của chúng tôi, một mặt là xây dựng hệ thống bán vé chặt chẽ để giảm tối đa sơ hở, ngăn ngừa cò mồi và nhân viên có hành vi sai trái để trục lợi. Mặt khác, thường xuyên giáo dục nhân viên  nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc và kiểm tra hệ thống, giám sát hoạt động của nhân viên tham gia bán vé, phục vụ hành khách, nếu phát hiện vi phạm là xử lý nghiêm minh.

- Xin cảm ơn ông!

Hạnh Nhung thực hiện