Ngành dệt may khó hoàn thành mục tiêu xuất khẩu

- Thứ Sáu, 06/12/2019, 07:59 - Chia sẻ
Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2019 dự kiến đạt 39 tỷ USD, tăng khoảng 7,55% so với năm ngoái và kém 1 tỷ USD so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang lý giải, xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài, chủ nghĩa bảo hộ cùng với các rào cản kỹ thuật mới khiến nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn giảm mạnh gây khó khăn về đơn hàng và áp lực đơn giá cho doanh nghiệp.

Đơn hàng giảm mạnh

Số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho thấy, dự kiến năm 2019, ngành dệt may về đích với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 39 tỷ USD, tương đương với mức tăng trưởng 7,55% so với năm 2018, thấp hơn mục tiêu đặt ra khoảng 1 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu dệt may cả năm 2019 ước đạt 22,38 tỷ USD, tăng 2,21%. Giá trị nhập khẩu phục vụ cho xuất khẩu đạt 19,26 tỷ USD, tăng 4,96%. Giá trị nội địa tăng thêm (thặng dư thương mại) của hàng hóa dệt may xuất khẩu đạt 19,73 tỷ USD, tăng 10,19%; xuất siêu 16,62 tỷ USD, tăng 2,25 tỷ USD. Về thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với năm ngoái, chiếm tỷ trọng 38,97% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp đến là EU đạt 4,4 tỷ USD, tăng 2,23%, chiếm tỷ trọng 11,28%.


Nguồn: ITN

Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang cho biết, kết quả này là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp bởi có nhiều yếu tố khách quan khiến năm nay đơn hàng giảm mạnh so với năm ngoái. Tính đến nay, lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ bằng 80% so với cùng kỳ. Ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng không dồi dào đơn hàng như 6 tháng cuối năm 2018 và các đơn hàng năm nay đều ngắn hạn theo tháng, dài nhất là theo quý. Ông Giang lý giải, xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài ảnh hưởng lớn tới dệt may trong nước. Chủ nghĩa bảo hộ cùng với các rào cản kỹ thuật mới khiến nhu cầu tiêu thụ của các thị trường lớn suy giảm, kéo theo nhu cầu nhập khẩu giảm gây khó khăn về đơn hàng và áp lực đơn giá cho doanh nghiệp. Ngoài ra, nhiều nước đã tập trung hỗ trợ ngành dệt may khiến số lượng nhà sản xuất tăng mạnh, đơn hàng bị san sẻ và dòng đơn hàng chuyển dịch sang nước khác cũng khiến dệt may Việt Nam gặp khó khăn. Trong khi đó dung lượng của thị trường dệt may thế giới không thay đổi nhiều, thậm chí có những thị trường còn sụt giảm.

Mặt khác, doanh nghiệp dệt may trong nước chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, phương thức sản xuất chủ yếu là gia công. Sự phát triển của ngành vẫn chưa cân đối, trong khi may mặc phát triển nhanh thì các khâu kéo sợi, dệt vải, nhuộm hoàn tất, thiết kế vẫn rất yếu làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.

Cần cấp phép cho các dự án dệt nhuộm hiện đại

Chủ tịch VITAS cho rằng, thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may cần hợp tác với nhau thông qua các chương trình liên kết, hỗ trợ của hiệp hội nhằm đáp ứng tốt quy tắc xuất xứ theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do. Đặc biệt, doanh nghiệp nên chia sẻ đơn hàng cùng nhau, các doanh nghiệp nhỏ có thể hình thành chuỗi sản xuất để đáp ứng được các đơn hàng lớn và bảo đảm số lượng, chất lượng, thời gian cũng như tạo uy tín lâu dài với đối tác nhập khẩu. Cùng với đó, chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất và tuân thủ yêu cầu của nhãn hàng về phát triển bền vững để thu hút được nhiều đơn hàng trong tương lai.

Lợi thế khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do là ưu đãi về thuế, nhưng nếu muốn hưởng thuế suất bằng 0% khi xuất khẩu thì doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu rất cao liên quan đến chứng nhận xuất xứ nguồn nguyên liệu. Yêu cầu truy xuất nguồn gốc hàng hóa trở thành quy định bắt buộc của nhiều thị trường nhập khẩu quan trọng. Tuy vậy, đến nay nguyên liệu cho ngành dệt may trong nước vẫn chủ yếu là nhập khẩu, chiếm tới gần 80%. Đây là vấn đề bất cập lớn nhất của ngành trong chuỗi cung ứng.

Trước tình hình này, ông Giang kiến nghị Chính phủ sớm quy hoạch các địa phương để phát triển các khu công nghiệp dệt may đạt chuẩn mực và là nơi để kêu gọi đầu tư vào khâu dệt nhuộm. Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào dệt nhuộm, các địa phương tạo điều kiện cấp phép cho các dự án đầu tư dệt nhuộm có công nghệ hiện đại trong xử lý nước thải, bảo vệ môi trường. “Nếu không tạo ra động lực về sợi và dệt, nhuộm thì các hiệp định thương mại tự do chúng ta ký sẽ không có hiệu quả với ngành dệt may”, ông Giang nói. Bên cạnh đó, Hiệp hội mong muốn một số trường đại học, cao đẳng, trường đào tạo nghề sẽ đào tạo chuyên ngành dệt may và đào tạo nguồn lực về quản trị thật tốt để có được nguồn lực chất lượng.

Đánh giá về thị trường tiềm năng, Chủ tịch Hội thêu đan TP Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng nhận định, thời gian tới, các doanh nghiệp có thể tận dụng ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), xúc tiến mở rộng thị phần tại một số thị trường trong khối EU, trong đó tiềm năng nhất là Canada và Australia. Tổng nhu cầu hàng dệt may của 500 triệu dân trong CPTPP lên đến 83 tỷ USD trong khi năm 2018, giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào đây mới chỉ dừng ở con số 5,3 tỷ USD, chiếm 6,3% thị phần. Việt Nam cũng mới chỉ chiếm 5% trong tổng 13 - 14 tỷ USD nhu cầu hàng dệt may tại Canada. Đối với thị trường EU, đây là thị trường xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may, Việt Nam cũng đang xuất siêu mặt hàng này sang EU nên EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp dệt may thâm nhập sâu rộng hơn nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ của EU.

Tuệ Anh