Huyện Ứng Hòa:

Ngân sách eo hẹp ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục

- Thứ Sáu, 05/04/2019, 08:32 - Chia sẻ
Với cơ sở vật chất tại một số trường học chưa đáp ứng được yêu cầu, có không ít trường mầm non, tiểu học bị chia thành nhiều cơ sở, trong khi tỷ lệ giáo viên có trình độ chưa cao... khiến cho ngành giáo dục tại huyện Ứng Hòa gặp khó khăn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, khó có thể đạt được các mục tiêu mà thành phố đặt ra.

Cơ sở vật chất tại các trường còn hạn chế

Theo Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ứng Hòa Bùi Thanh Sơn: Trong các năm qua, việc đầu tư cơ sở vật chất cho ngành giáo dục trên địa bàn huyện được quan tâm, đầu tư từ nguồn ngân sách của thành phố và huyện. Theo đó, từ năm 2016-2018, huyện đã thực hiện 97 dự án với tổng số tiền đầu tư gần 350 tỷ đồng, dự kiến trong năm 2019 thực hiện đầu tư 18 dự án với tổng số tiền 76 tỷ đồng. Cũng trong giai đoạn 2016 - 2018, UBND huyện Ứng Hòa đã đầu tư gần 60 tỷ đồng tiền trang thiết bị phục vụ dạy và học cho các trường xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.


Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố kiểm tra tại Trường THCS Liên Bạt (huyện Ứng Hòa) 
Ảnh: P.Long

Trình bày về những khó khăn của huyện, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện cho rằng một số trường mầm non, tiểu học của huyện còn thiếu diện tích so với quy định, có sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu, còn thiếu nhiều phòng học cũng như trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi; trong khi đó hạ tầng CNTT còn hạn chế nên tỷ lệ học sinh được học tin học còn thấp... “Đặc biệt, tỷ lệ giáo viên có trình độ trên chuẩn chưa cao, một số trường cơ cấu giáo viên còn thiếu ở một số môn. Thậm chí, một bộ phận giáo viên có năng lực chuyên môn còn hạn chế, chậm đổi mới phương pháp, tinh thần trách nhiệm chưa cao dẫn đến kết quả chăm sóc, giáo dục học sinh còn thấp” - ông Bùi Thanh Sơn thắng thắn thừa nhận.

Theo lãnh đạo UBND huyện Ứng Hòa, nguyên nhân của những bất cập nên trên một phần do nguồn lực của địa phương còn hạn chế nên ảnh hưởng đến việc quy hoạch mạng lưới trường học, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa thực sự cố gắng phấn đấu rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thực tự học, tự bồi dưỡng cũng chưa cao.

Ưu tiên quỹ đất để xây trường học

Qua khảo sát thực tế và lắng nghe các ý kiến tại buổi làm việc, đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố đánh giá Ứng Hòa mặc dù là một huyện xa trung tâm, bình quân thu nhập đầu người còn thấp, thu ngân sách còn eo hẹp, thế nhưng trong 3 năm trở lại đây, huyện đã dành 30% ngân sách dành cho giáo dúc, đồng thời triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng, cải tạo trường học với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Chia sẻ với khó khăn của địa phương, đoàn cũng đề nghị huyện tiếp tục rà soát hoàn thiện quy hoạch phát triển trường, lớp học phù hợp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, với tầm nhìn dài đến 2030 để đón đầu nhiều dự án khu đô thị, khu công nghiệp sẽ mọc lên trong thời gian tới.

Theo đề nghị của Phó Trưởng Ban VH - XH Nguyễn Quang Thắng, huyện Ứng Hoà tới đây cần ưu tiên quỹ đất xây trường phù hợp quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn, trong đó lưu ý khai thác những khu đất hoang, kém hiệu quả, nhất là các khu đông dân phải dành đất cho trường học. “UBND huyện cần quan tâm chỉ đạo rà soát, kiểm tra, quản lý bảo đảm công năng sử dụng cơ sở vật chất các trường, đáp ứng nhu cầu trước mắt trong dạy và học. Khảo sát cho thấy không ít phòng học sinh học, hóa học, tin học… có công năng sử dụng chưa thực sự hiệu quả” - Phó Trưởng Ban VH - XH nhấn mạnh.

Đoàn giám sát kiến nghị huyện cần bố trí chi thường xuyên cho giáo dục đảm bảo các tiêu chí trong nghị quyết HĐND thành phố, từ những việc nhỏ như cải tạo khu vệ sinh, cung cấp nước uống cho học sinh… Đồng thời, UBND huyện cần chỉ đạo các trường có kế hoạch cụ thể nâng chất lượng giáo viên để đạt chuẩn, trên chuẩn. Ngoài ra, Ứng Hòa cần phải nâng cao công tác xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục, vì vậy, huyện cần kêu gọi đóng góp từ phụ huynh, doanh nghiệp trên địa bàn và hỗ trợ từ các quận, huyện khác.

NGUYÊN KHÔI