Ngân sách có trách nhiệm giới

- Chủ Nhật, 22/09/2019, 08:12 - Chia sẻ
Ngân sách có vai trò quan trọng đối với việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới được xác định trong Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Nhưng ngân sách có trách nhiệm giới không chỉ cần phát huy bằng việc dành một phần cho thực hiện nhiệm vụ này, mà phải tiến hành trong tất cả chu trình từ xây dựng dự toán, phân bổ và quyết toán ngân sách.

Không có kinh phí hoạt động bình đẳng giới sẽ chỉ là lý thuyết

 Theo đại diện Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, tại nhiều quốc gia trên thế giới, báo cáo ngân sách có trách nhiệm giới được xem như một phần trong bộ hồ sơ dự toán ngân sách hàng năm, hoặc được xây dựng như một báo cáo riêng về các mục tiêu giới có liên quan. Báo cáo này thường được chuẩn bị sau khi các cơ quan chức năng đã hoàn thành quá trình xây dựng dự toán ngân sách, phân bổ ngồn lực cho các chương trình khác nhau. Ở một số quốc gia, báo cáo ngân sách có trách nhiệm giới có ý nghĩa như giải trình của Chính phủ để đánh giá các chương trình, ngân sách đã được sử dụng như thế nào để thúc đẩy bình đẳng giới.

Trưởng văn phòng Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Elisa Fernandez cho biết, Chương trình nghị sự 2030 toàn cầu về phát triển bền vững đã đưa ra 232 chỉ số toàn cầu để làm căn cứ xác định thực hiện thành công yêu cầu này, trong đó có các chỉ số trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến bình đẳng giới. Trong Chương trình nghị sự 2030 toàn cầu cũng đặt ra mục tiêu các quốc gia thành viên thông qua và thúc đẩy các chính sách hợp lý và luật pháp có hiệu lực để thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho tất cả phụ nữ, trẻ em gái ở mọi cấp độ. Để đo sự tiến bộ trong thực hiện mục tiêu này, Chương trình nghị sự 2030 toàn cầu cũng đưa ra chỉ số về tỷ lệ các quốc gia có hệ thống theo dõi và phân bổ ngân sách công cho bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ một cách công khai.

Theo bà Elisa Fernandez, chỉ số này được đưa ra nhằm khuyến khích các quốc gia phát triển hệ thống theo dõi và giám sát ngân sách phù hợp, cũng như cam kết cung cấp thông tin về phân bổ ngân sách cho bình đẳng giới để công chúng tiếp cận dễ dàng được. Để thực hiện chỉ số này, bà Elisa Fernandez gợi mở, ngân sách có trách nhiệm giới là chìa khóa là công cụ quan trọng. “Việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới ở cấp độ quốc gia hay thế giới đều sẽ không thành công nếu không có nguồn tài chính phù hợp. Những bằng chứng trên toàn cầu cũng đã cho thấy hoạt động đầu tư trong lĩnh vực này mang đến một số lợi ích rõ ràng cho xã hội”, bà Elisa Fernandez nhấn mạnh thêm.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của ngân sách với thực hiện bình đẳng giới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt nhấn mạnh, nếu quy trình ngân sách và bản thân ngân sách không được xem xét ở góc độ giới sẽ khiến các hoạt động vì bình đẳng giới chỉ mang tính lý thuyết, không thực hiện được do thiếu nguồn lực cần thiết. Tuy nhiên, cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, với ý thức quan trọng về vai trò bảo đảm bình đẳng giới, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 đã quy định đây là một trong những nguyên tắc để quản lý ngân sách nói chung, cũng như là một căn cứ để xây dựng dự toán ngân sách hàng năm.

Việc thực hiện ngân sách có trách nhiệm giới ở Việt Nam, theo Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước - Bộ Tài chính Lê Minh Tân, không chỉ dừng ở việc tạo ra ngân sách riêng cho phụ nữ hoặc tăng chi tiêu cho các chương trình phụ nữ, trong thời gian qua, trách nhiệm này cũng được thực hiện thông qua bảo đảm phân bổ ngân sách nhà nước có hiệu quả, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Phó Vụ trưởng Lê Minh Tân cho biết, mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới đã được triển khai khi ưu tiên bố trí ngân sách cho giáo dục đào tạo, phát triển y tế dự phòng, y tế xã, mua bảo hiểm y tế, cũng như chi cho nhiều công tác an sinh xã hội khác.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Vê các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt  phát biểu tại hội thảo

Nhưng khó xác định rạch ròi

Sự quan tâm bố trí kinh phí cho bảo đảm bình đẳng giới đã mang lại một số kết quả trên thực tế, nhưng để thể hiện trách nhiệm giới trong suốt quy trình ngân sách, từ lập dự toán, phân bổ, sử dụng đến quyết toán không hoàn toàn đơn giản. Các ĐBQH và đại biểu HĐND tham dự Hội thảo chia sẻ thông tin về ngân sách có trách nhiệm giới, hướng đến thực hiện nguyên tắc bình đẳng giới của Luật Ngân sách nhà nước do Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức vừa qua đưa ra nhiều băn khoăn.

Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hồ Chí Minh Lê Mỹ Ngọc cho biết, đi vào kiểm tra thực hiện bình đẳng giới trong 8 lĩnh vực cần tập trung thi hành quy định trong Luật Bình đẳng giới sẽ thấy giống như một... ma trận. Ở lĩnh vực nào cũng thấy thực hiện lồng ghép giới đúng chủ trương, nhưng phát huy hiệu quả thực tế lại không được như kỳ vọng. Nguyên nhân của tình trạng này, theo Phó Trưởng ban Lê Mỹ Ngọc, các vấn đề về giới cần giải quyết trong mỗi lĩnh vực hiện chưa có nhiều thông tin, kinh phí phân bổ cho các sở ngành đều trung tính. HĐND TP Hồ Chí Minh đang phối hợp với các cơ quan chức năng, dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc tại Việt Nam hướng dẫn HĐND các quận, huyện nhận diện vấn đề giới cần giải quyết trong từng lĩnh vực khi quyết định dự toán ngân sách, ban hành nghị quyết về các chính sách phát triển địa phương. Dù vậy, theo Phó Trưởng ban Lê Mỹ Ngọc, quan trọng nhất vẫn là phải có sự quan tâm của các cơ quan trong tiến hành thống kê, phân tích số liệu nhằm làm rõ vấn đề giới ở mỗi lĩnh vực. Nếu không có báo cáo này từ các cơ quan chức năng, công tác thẩm tra hay biểu quyết thông qua dự toán ngân sách hàng năm của HĐND đều gặp nhiều khó khăn để bảo đảm bình đẳng giới.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Ngọc Chương cũng cho rằng, rất khó để bảo đảm theo sát trách nhiệm này khi biểu quyết thông qua dự toán ngân sách hàng năm, cũng như cho một số chính sách quan trọng ở địa phương. Ví dụ như phải thông qua kinh phí xây dựng một cây cầu có tác động quan trọng đến kinh tế địa phương, đại biểu dân cử phải xử lý thế nào khi không khó để thấy công trình này mang lại nhiều lợi ích cho nam giới hơn? Căn cứ như thế nào để quyết định ngân sách có trách nhiệm giới trong mỗi trường hợp cụ thể?

Do nhận diện, phân tích, đánh giá về giới không dễ dàng thực hiện, nên nhiều đại biểu tham dự Hội thảo đã đề nghị Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách và báo cáo ngân sách có trách nhiệm giới, để thực hiện thống nhất ở các bộ, ngành và địa phương. Nhu cầu này cũng không chỉ có ở Việt Nam, theo đại diện Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc, 13 quốc gia ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương đã ban hành thông tư hướng dẫn cho các công tác nêu trên (Australia, Bangladesh, Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản…).

Lê Bình