Ngân hàng Việt Nam khó vào thị trường EU

- Thứ Ba, 09/07/2019, 08:01 - Chia sẻ
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) được kỳ vọng mở ra cánh cửa cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng của Việt Nam sang EU và ngược lại. Tuy nhiên, TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia kinh tế, cho rằng ngân hàng Việt Nam không có nhiều cơ hội vì quy mô và năng lực không thấm vào đâu so với các ngân hàng của EU. Hai mươi năm qua, một số ngân hàng đã tìm cách tham gia thị trường nước ngoài song mới chỉ loanh quanh khu vực ASEAN.

Ít lợi thế vì còn nhiều yếu kém

- Theo ông, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ tác động thế nào tới thị trường tài chính - ngân hàng của Việt Nam?

- Trước hết, phải khẳng định rằng, cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA có tính chất toàn diện, mở ra cho chúng ta nhiều thị trường. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá hồ hởi và lạc quan với các hiệp định thương mại tự do mới, bởi như với CPTPP, mặc dù đã có hiệu lực nhưng việc thực thi vẫn là thử thách rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. EVFTA cũng vậy, dù mở ra nhiều thị trường, đặc biệt trong vấn đề mậu dịch khi cả Việt Nam và EU không phải chịu thuế nhập khẩu theo lộ trình, song bắt buộc nền kinh tế Việt Nam phải thay đổi cơ bản, nhất là thể chế cũng phải theo mẫu mực chung của EU.

Riêng về lĩnh vực tài chính - ngân hàng, EVFTA chắc chắn sẽ mở ra cơ hội cho cả hai phía Việt Nam và EU tham gia nhiều hơn vào thị trường lẫn nhau. Tuy nhiên, tôi cho rằng các ngân hàng của Việt Nam không có nhiều lợi thế vào EU như phía EU vào Việt Nam.


Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu

- Tại sao, thưa ông?

- Bởi vấn đề của thị trường là sức mạnh. Các ngân hàng Việt Nam không thấm vào đâu so với các ngân hàng của EU về quy mô, năng lực. Thực tế, trong 20 năm qua, một số ngân hàng của Việt Nam đã tìm cách tham gia vào thị trường nước ngoài, song vẫn chỉ loanh quanh khu vực ASEAN như Lào, Campuchia, Myanmar… Có một vài ngân hàng đặt chi nhánh tại châu Âu nhưng hoạt động không liền mạch, chứng tỏ lực lượng tài chính của ngân hàng Việt Nam sang thị trường châu Âu yếu. Mặc dù EVFTA mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội nhưng điều đó không có nghĩa tự dưng cơ hội đến mà phải kèm theo năng lực sử dụng cơ hội đó. Trong bối cảnh năng lực hệ thống ngân hàng còn yếu kém như hiện tại thì việc chúng ta tận dụng cơ hội trong tương lai gần sẽ khó khăn.

- Cụ thể, theo ông, sự yếu kém của hệ thống ngân hàng Việt Nam là gì?

- Thứ nhất, hệ thống ngân hàng của Việt Nam vẫn còn cách xa so với các ngân hàng trên thế giới về các chuẩn mực hoạt động, quản lý rủi ro, quản trị. Hiện tại, tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng mới đang ở chuẩn mực của Basel I; từ ngày 1.1.2020 khi Thông tư 41/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực mới nâng lên theo tiêu chuẩn của Basel II. Trong khi đó, ở các ngân hàng châu Âu hiện đang áp dụng theo Basel III và chuẩn bị tiến đến Basel IV. Rõ ràng, những chuẩn mực trong ngành ngân hàng của Việt Nam còn đi sau thế giới nhiều.

Thứ hai, năng lực tài chính của các ngân hàng Việt Nam vẫn còn yếu. Với thực lực tài chính, năng lực quản trị còn yếu kém nên việc các ngân hàng của Việt Nam vào thị trường EU để cạnh tranh với các ngân hàng ở đó là điều khó khả thi trong tương lai gần.

Phải sớm đạt chuẩn Basel II

- Với những lợi thế về năng lực tài chính, quản trị, liệu sẽ có một cuộc đổ bộ của ngân hàng EU vào Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực, thưa ông?

Hiện, Ngân hàng Nhà nước đã công nhận đạt chuẩn Basel II cho các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng Tiên phong (TPBank), Ngân hàng Quân đội (MB)… Theo lộ trình, đến ngày 1.1.2020, tất cả các ngân hàng phải tuân thủ quy định của Basel II.

- Tôi cho rằng chúng ta không cần lo lắng sẽ có cuộc đổ bộ rầm rộ của ngân hàng EU vào Việt Nam. Bởi thực tế cho thấy, đã có một số ngân hàng châu Âu vào Việt Nam rồi, nhưng đều hạn chế hoạt động, thậm chí đã rút khỏi Việt Nam. Nguyên nhân có thể vì họ thấy thị trường Việt Nam không thích hợp. Do đó, theo tôi, các ngân hàng EU vào Việt Nam sẽ dè dặt.

Mặc dù vậy, tôi vẫn kỳ vọng các ngân hàng EU tham gia vào thị trường Việt Nam mạnh hơn trong những năm tới, đặc biệt là các ngân hàng kỹ thuật số (digital banking) vốn là thế mạnh của ngân hàng châu Âu. Như vậy, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được thụ hưởng những dịch vụ tiên tiến, chất lượng hơn.

- Theo ông, Việt Nam cần làm gì để đón nhận cơ hội từ EVFTA để thúc đẩy thị trường tài chính - ngân hàng trong nước phát triển?

- Có rất nhiều việc Việt Nam phải làm và làm quyết liệt. Trước tiên, Ngân hàng Nhà nước phải đẩy mạnh thực hiện Thông tư 41/2016 về tỷ lệ an toàn vốn, trong đó có những chuẩn mực của Basel II phải được thực hiện nhanh chóng. Hiện, một số ngân hàng trong nước đã đáp ứng chuẩn mực này nhưng chưa nhiều.

Tiếp đó, toàn hệ thống ngân hàng cần có sự cải tổ toàn diện hơn theo hướng phải tăng vốn, kinh doanh cần được thông thoáng hơn, minh bạch hơn. Tất cả các chuẩn mực trong ngành ngân hàng về tác nghiệp, đạo đức cần được cải tiến. Đồng thời, các ngân hàng phải được tự do kinh doanh trong điều kiện của mình, được bỏ trần lãi suất huy động 5,5% cho đến 6 tháng vì không cần thiết. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước phải xử lý thật nghiêm các sai phạm, trong đó có cả vấn đề liên quan đến đạo đức ngân hàng.

Một điều quan trọng nữa là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội thông qua tháng 11.2017, trong đó cho phép các ngân hàng phá sản phải được thực thi trên thực tế. Nếu cứ tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước bảo hộ thì không bao giờ chúng ta tiến đến thị trường cạnh tranh toàn diện được.

- Xin cảm ơn ông!

Đan Thanh thực hiện