Ngân hàng phải quay về chất lượng dịch vụ

- Thứ Hai, 20/05/2019, 06:26 - Chia sẻ
Bức tranh ngành ngân hàng hiện nay được đánh giá là tốt hơn rất nhiều so với trước. Nhưng để có thể vươn xa và phát triển bền vững, theo Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam PHẠM HỒNG HẢI, từng ngân hàng cần xác định lại chiến lược phát triển, quay trở về chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển nhóm khách hàng mục tiêu phù hợp với thế mạnh của mình.

Bức tranh ngành ngân hàng đã tốt hơn rất nhiều

- Ông đánh giá như thế nào về hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua?

- NHNN hiện nay đã tận dụng rất tốt công cụ truyền thông và các biện pháp kỹ thuật. Trước đây, chúng ta thấy tình trạng tin đồn dẫn dắt thị trường ngoại tệ và các biện pháp thường đi sau thị trường. Bây giờ NHNN thường đi trước trong việc đưa ra thông điệp cho thị trường và bảo đảm thị trường có thanh khoản. Tình trạng các doanh nghiệp không thể mua USD hiện nay không còn nữa. Bên cạnh đó, cách thức điều hành cũng có sự thay đổi. Khi thị trường có biến động mạnh, thay vì giữ tỷ giá ở mức cố định, dẫn tới áp lực đẩy tỷ giá lên cao, có thể phải phá giá, thì bây giờ NHNN đã có những điều chỉnh ngay lập tức, cung ứng thanh khoản ra thị trường để bảo đảm đáp ứng cầu.

- Ông có nhận xét gì về diện mạo ngành ngân hàng sau tái cơ cấu?

- Bức tranh ngành ngân hàng hiện nay đã tốt hơn rất nhiều. Thực tế đã xuất hiện những ngân hàng có quy mô lớn hơn với chiến lược rõ ràng hơn. Một số ngân hàng lớn mạnh dạn trong quá trình lành mạnh hóa bản thống kê tài sản, nợ xấu được ghi nhận và dùng nguồn lợi nhuận giữ lại để làm sạch sổ sách. Tuy nhiên, nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ thì đâu đó vẫn gặp khó khăn và thiếu một chiến lược dài hạn, bền vững. Điều này cần phải được giải quyết để hệ thống ngân hàng đi theo chuẩn mực chung, từ đó giúp lành mạnh hóa cả hệ thống.

- Theo ông, mức độ minh bạch của ngân hàng Việt Nam so với khu vực và trên thế giới như thế nào? 

- Việt Nam hiện vẫn đi theo chuẩn mực kế toán trong nước dẫn tới việc bị vênh với chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS). Điều này gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài trong việc đánh giá tài chính ngân hàng Việt Nam. Việt Nam không có lý do gì để không đi theo chuẩn mực quốc tế. Càng tiếp cận gần với chuẩn mực quốc tế chúng ta càng tạo ra độ minh bạch tốt hơn.

Minh bạch hóa tài chính của ngân hàng

 - Những năm gần đây, các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới đều có đánh giá tích cực cũng như nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam và hệ thống ngân hàng. Trong tương lai, chúng ta cần làm những gì để tiếp tục phát huy?

- Chúng ta đã đạt những thành quả nhất định về ổn định kinh tế vĩ mô, giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, duy trì tốc độ tăng trưởng GDP, giảm nợ xấu… Tuy nhiên, Việt Nam vẫn dưới chuẩn đầu tư 2 bậc, trong khi một số thị trường khác như Philippines, Indonesia đã đạt chuẩn đầu tư này. Do đó, một mặt chúng ta hài lòng với thành quả đã đạt được, mặt khác phải có mục tiêu dài hơn nữa nhằm giúp Việt Nam đạt được chuẩn đầu tư trong tương lai.

Để đạt được điều đó, nợ xấu phải được giải quyết. Việt Nam đã từng bước giảm tỷ lệ nợ xấu, nhưng đây vẫn là một vấn đề trong hệ thống ngân hàng. Đáng lưu ý là, việc tăng trưởng tín dụng rất mạnh 5 năm vừa qua có khả năng sẽ nhìn thấy hậu quả trong vài năm sắp tới. Bởi, những nợ xấu của giai đoạn trước đây (trước năm 2012) đã giải quyết được ở một số ngân hàng, nhưng phần tăng trưởng tín dụng từ 2012 đến giờ chưa nhìn thấy kết quả. Điều đó khiến chúng ta đặt dấu hỏi là tăng trưởng tín dụng nhanh tới hơn 20% liệu có để lại hậu quả trong vài năm tới hay không.

- Theo ông, thời gian tới ngân hàng Việt cần phải làm gì để có thể vươn xa, cạnh tranh được với ngân hàng trong khu vực và trên thế giới?

- Nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn rất nhỏ, thể hiện qua các chỉ số như GDP trên đầu người thấp so với khu vực; mức độ phát triển của ngành tài chính ở mức tương đối thấp. Trong khi đó, để các ngân hàng phát triển được cần nền tảng của một nền kinh tế phát triển vững mạnh. Chúng ta đã may mắn khi vài năm trở lại đây kinh tế vĩ mô bắt đầu ổn định hơn, tạo thuận lợi cho các ngân hàng có thể có một chiến lược dài hạn hơn. Điều quan trọng để các ngân hàng có thể phát triển bền vững là từng ngân hàng phải xác định lại chiến lược phát triển của riêng mình. Cần phải quay trở về chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển nhóm khách hàng mục tiêu phù hợp với thế mạnh cạnh tranh của từng ngân hàng, bởi không có ngân hàng nào phục vụ cho tất cả khách hàng trên thị trường được.

Ngoài ra, yếu tố minh bạch hóa tài chính của ngân hàng cũng rất quan trọng. Thực trạng chênh lệch giữa tỷ lệ nợ xấu công bố và tỷ lệ nợ xấu thực tế khá lớn. Làm thế nào để có thể bảo đảm được số liệu tài chính minh bạch là điều quan trọng. Trong cách thức quản trị của hệ thống ngân hàng cũng cần phải bảo đảm sự tách bạch giữa chủ sở hữu và ban điều hành. Đây là những yếu tố rất căn bản giúp các ngân hàng có thể thực sự phát triển lành mạnh.

- Xin cảm ơn ông!

Tuệ Anh thực hiện