Mục tiêu vận hành cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng năm 2020

Ngân hàng không cấp vốn thì khó hoàn thành

- Thứ Tư, 05/06/2019, 08:00 - Chia sẻ
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2020 phải hoàn thành tuyến cao tốc từ Hà Nội đến Cửa khẩu Hữu Nghị để bảo đảm khai thác đồng bộ toàn tuyến. Tuy nhiên, mục tiêu này đang đứng trước nguy cơ khó hoàn thành, bởi chủ đầu tư cho biết hiện ngân hàng vẫn chưa thu xếp được vốn cho đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng. Đoạn đường dài 43km này không chỉ là nút thắt cuối cùng để thông tuyến cao tốc Hà Nội - Cửa khẩu Hữu Nghị mà còn là cơ sở để thực hiện tuyến cao tốc chiến lược Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Từ sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ…

Tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn được chia làm 3 đoạn. Đoạn Hà Nội - Bắc Giang dài 45km, đã đi vào khai thác. Đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn dài 64km khởi công tháng 3.2016, dự kiến hoàn thành cuối năm nay. Đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43km nếu thu xếp được vốn sẽ triển khai trong quý III năm nay.

Tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn - Cửa khẩu Hữu Nghị có vị trí đặc biệt quan trọng trong hành lang kinh tế kết nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc, mở rộng giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây cũng là 1 trong 6 tuyến giao thông huyết mạch của hệ thống đường cao tốc hướng tâm kết nối với Thủ đô. Trong khi 5 tuyến cao tốc nối Hà Nội với Hải Phòng, Ninh Bình, Hòa Lạc, Lào Cai, Thái Nguyên đã khai thác từ nhiều năm nay thì tuyến đường Hà Nội - Cửa khẩu Hữu Nghị vẫn đang trong quá trình tháo gỡ nút thắt cuối cùng là đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng. Điều đáng nói, nút thắt cuối cùng này là huyết mạch của hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hải Phòng - Quảng Ninh.


Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có nguy cơ phải dừng do chưa thu xếp được nguồn vốn

Tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43km, trên cơ sở cam kết thu xếp vốn của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho dự án, Thủ tướng đồng ý bổ sung vào Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn từ tháng 2.2018 (thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT) và giao UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án khoảng 8.743 tỷ đồng, sau khi rà soát giảm xuống còn khoảng 5.675 tỷ đồng.

Để thu xếp vốn cho dự án này, tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lạng Sơn ngày 24.9.2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) giải quyết các vướng mắc tín dụng của nhà đầu tư, bảo đảm một đầu mối thu xếp vốn để khẩn trương thực hiện đoạn cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng (bao gồm 17,5km đoạn kết nối đến các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam). Mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành và đưa vào vận hành toàn tuyến Hà Nội - Cửa khẩu Hữu Nghị.

… vẫn chưa thu xếp được vốn

Mặc dù Chính phủ quyết tâm đưa dự án cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị hoàn thành vào năm 2020 để bảo đảm khai thác toàn tuyến, song đến nay, chủ đầu tư dự án cho biết vẫn chưa được thu xếp vốn. Mới đây nhất, ngày 14.5.2019, Vietinbank chi nhánh Hà Nội đã có công văn gửi nhà đầu tư cho biết chưa thể thu xếp vốn cho dự án Hữu Nghị - Chi Lăng với lý do: Ngân hàng đã chạm ngưỡng hệ số an toàn vốn, tổng mức dư nợ và cam kết tín dụng đối với các dự án BOT, BT đã chạm ngưỡng giới hạn kiểm soát… 

Đại diện nhà đầu tư cho biết, trước đó, hợp đồng tín dụng cung cấp vốn cho dự án Hữu Nghị - Chi Lăng chưa được ký kết bởi những điều kiện cho vay khó khả thi từ phía Vietinbank đặt ra. Cụ thể, trong văn bản báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ ngày 22.11.2018, Vietinbank cho biết đang xem xét cho vay theo phương án hợp vốn, kèm theo nhiều điều kiện, như: Được tăng vốn chủ sở hữu bằng phương án chia cổ tức (nhiều năm không được Bộ Tài chính đồng ý); trình Ngân hàng Nhà nước đối với các khách hàng vượt tỷ lệ an toàn; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cam kết bù đắp nguồn thu đối với tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, trong khi hợp đồng BOT đã quy định việc sẽ điều chỉnh phương án tài chính khi doanh thu thực tế biến động so với phương án tài chính ban đầu.

Trong tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị xem xét hỗ trợ kinh phí để thực hiện dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong quá trình thực hiện Dự án đã xuất hiện thay đổi một số nội dung như giảm 1 trạm thu phí, miễn giảm một số đối tượng thu phí, bổ sung quy mô dự án. Điều này dẫn đến việc phương án tài chính của dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dự kiến thiếu hụt khoảng 545 tỷ đồng trong 5 năm đầu khai thác (2021 - 2025). Vì lẽ đó, doanh nghiệp dự án (Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn) chưa thể ký kết hợp đồng tín dụng cho dự án dẫn đến nguy cơ không bảo đảm hoàn thành công trình vào năm 2020 như chỉ đạo của Thủ tướng. Tại văn bản này, tỉnh Lạng Sơn xin Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về tín dụng để Vietinbank (đầu mối thu xếp tín dụng) đẩy nhanh công tác thẩm định, ưu tiên thu xếp vốn vay để ký Hợp đồng tín dụng làm căn cứ triển khai, thực hiện dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng trong quý III.2019.

Phía doanh nghiệp dự án cũng “đang nỗ lực hết mức để kiến nghị, tìm giải pháp trong khả năng để tháo gỡ thế bế tắc này” như lời Tổng giám đốc Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn Nguyễn Quang Vĩnh. Cụ thể, doanh nghiệp đưa ra một số giải pháp như: Kiến nghị ưu tiên dùng nguồn thu từ trạm thu phí duy nhất hỗ trợ dòng tiền trả nợ cho dự án Bắc Giang - Lạng Sơn để dự án này về đúng tiến độ. Đồng thời chấp nhận kịch bản xấu nhất là tạm dừng việc thực hiện dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, báo cáo Thủ tướng có biện pháp tháo gỡ.

Nhìn lại quá trình thực hiện dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, không khó nhận ra quyết tâm rất lớn của Chính phủ, chủ đầu tư cũng như nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy dự án hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2020. Song, đến thời điểm này, việc vẫn chưa thể thu xếp nguồn vốn cho dự án không còn là bài toán riêng của chủ đầu tư hay địa phương - với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước. Đã đến lúc, quyết tâm của Chính phủ cần được cụ thể hóa bằng hành động để thu xếp nguồn vốn cho dự án. Nếu không, mục tiêu cũng như cam kết của Thủ tướng trước Quốc hội sẽ đưa vào vận hành toàn tuyến cao tốc Hà Nội - cửa khẩu Hữu Nghị vào năm 2020 lỡ hẹn là điều khó tránh khỏi!

 Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lạng Sơn Dương Xuân Hòa: Ngân hàng không cấp vốn, Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có nguy cơ đình trệ

Dự án cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng - Hữu Nghị là trục giao thông đặc biệt quan trọng, không những bảo đảm kết nối phát triển kinh tế của Lạng Sơn nói riêng và vùng Đông Bắc nói chung mà còn có ý nghĩa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nhiều tỉnh, thành phía Nam, với vai trò là cửa khẩu đầu mối thương mại quốc tế với Trung Quốc. Dự án thành công là điều kiện quan trọng cho việc triển khai dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) mà Thủ tướng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư.

Năm 2019, đoạn cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng sẽ được hoàn thành. Tuy nhiên, đoạn cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị vẫn còn nhiều khó khăn trong triển khai, có nguy cơ đình trệ mặc dù chính quyền địa phương và nhà đầu tư có nhiều cố gắng. Điểm nghẽn ở đây chính là không thu xếp được khoản vốn vay tín dụng cho việc triển khai dự án, ngay cả khi Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo tại các Thông báo số  395/TB - VPCP ngày 15.10.2018 và Thông báo số 451/TB - VPCP ngày 7.12.2018.

Từ thực tế trên, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có tờ trình số 33/TTr - UBND ngày 4.4.2019 trình Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương (trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025) khoảng 600 tỷ đồng để bù đắp nguồn kinh phí thâm hụt trong thời gian thu phí hoàn vốn, do việc giảm 1 trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 1 và  số phương tiện được miễn giảm lớn hơn rất nhiều so với phương án hoàn vốn được phê duyệt ban đầu.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng Bế Minh Đức: Gỡ khó cho tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng để triển khai cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc ở Cao Bằng đã kết luận và chỉ đạo Cao Bằng tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành, Trung ương và các địa phương để xây dựng và phát triển đô thị, sử dụng nguồn vốn để nhanh chóng triển khai dự án đường cao tốc Lạng Sơn - Cao Bằng, khu kinh tế cửa khẩu và một số dự án trọng điểm của tỉnh.

Việc đầu tư hoàn thành tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) sẽ góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị hợp tác, phát triển Việt Nam - Trung Quốc nói chung và giữa các tỉnh thành 2 nước nói riêng;  đẩy nhanh tiến trình xây dựng khu hợp tác kinh tế biên giới Trà Lĩnh (Cao Bằng) và Long Bang (Trung Quốc); góp phần thúc đẩy lưu lượng vận chuyển hàng hóa và nâng cao hiệu quả sử dụng của tuyến cao tốc Lạng Sơn - Hà Nội; nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu của cửa khẩu Trà Lĩnh, đưa các mặt hàng nông sản và hải sản của Việt Nam sang tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như hiện nay.

Tháng 11.2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Cao Bằng đã đồng ý chủ trương đầu tư tuyến đường bộ Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) trong giai đoạn 2016 - 2020 theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Cao Bằng còn khó khăn, thu ngân sách chưa đạt 2.000 tỷ đồng, việc bố trí vốn đối ứng giai đoạn 1 bằng 2.500 tỷ đồng là một sự nỗ lực, cố gắng rất lớn và quyết tâm của tỉnh. Tuyến đường cao tốc kết nối giữa Cao Bằng với khu vực Thủ đô Hà Nội là khát vọng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cao Bằng. Cử tri và nhân dân Cao Bằng tha thiết kính đề nghị Quốc hội, Chính phủ các bộ, ngành sớm xem xét chấp thuận 2 nội dung. Một là, sớm bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 1 là 20% cho dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Trà Lĩnh (Cao Bằng) để bảo đảm cơ cấu nguồn vốn tham gia thực hiện dự án, tạo điều kiện cho dự án sớm được triển khai. Hai là, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn về tín dụng nhằm bảo đảm việc cho vay các dự án PPP trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt đối với dự án cao tốc từ cửa khẩu Hữu Nghị kết nối cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn làm cơ sở để triển khai cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Thanh - Lan thực hiện; Ảnh: Q. Khánh

Thanh – Lan