Ngân hàng “chuộng” nguồn vốn ngoại

- Thứ Tư, 12/09/2018, 07:38 - Chia sẻ
Từ đầu năm đến nay, bên cạnh huy động tiền gửi từ khách hàng, phát hành trái phiếu nhiều ngân hàng đã tìm đến nguồn vốn vay các định chế tài chính nước ngoài với giá trị hàng chục triệu USD.

Vốn ngoại được ưa chuộng

Các ngân hàng ngày càng có nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm nguồn vốn phục vụ hoạt động phát triển kinh doanh của mình, trong đó có kênh vay vốn từ các định chế nước ngoài.

Khoản vay lớn nhất từ đầu năm đến nay thuộc về Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Cuối tháng 8 vừa qua, LienVietPostBank đã ký kết Hợp đồng tín dụng trị giá 50 triệu USD, kỳ hạn 3 năm với JPMorgan Chase Bank, N.A., Chi nhánh Singapore. “Khoản vay 50 triệu USD từ JPMorgan Chase đã giúp LienVietPostBank hội nhập sâu hơn với thị trường tài chính quốc tế”,  Tổng Giám đốc LienVietPostBank Phạm Doãn Sơn cho biết.


Lễ ký hợp đồng tín dụng giữa LienVietPostBank với JPMorgan Chase

Cách đây vài ngày, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và hai đối tác đã trao đổi các văn bản hợp tác toàn diện; trong đó có đề cập đến các khoản vay trị giá 43 triệu USD.

Trước đó, hồi tháng 4.2018,  Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) ký hợp đồng vay 40 triệu USD của hai đối tác DEG và Norfund nhằm mở rộng các dịch vụ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt ưu tiên các công ty do nữ làm chủ.

Trên thực tế, từ năm ngoái, nhiều ngân hàng đã tích cực tìm kiếm nguồn vốn từ các định chế tài chính nước ngoài.

Thêm dư địa phát triển kinh doanh

Lý giải xu hướng này, các chuyên gia cho rằng, tín dụng tăng nhanh tại một số ngân hàng, việc tín dụng tăng nhanh khiến các hệ số an toàn theo quy định bị ảnh hưởng, vì vậy, tìm kiếm nguồn vốn tài trợ từ các định chế tài chính quốc tế là giải pháp được “ưa chuộng”.

Cụ thể, nguồn vốn vay từ các định chế tài chính nước ngoài bổ sung đáng kể cho nguồn vốn một cách nhanh chóng, phục vụ giải ngân cho các khoản vay dài hạn. Nhờ đó, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của ngân hàng sẽ giảm có thể đáp ứng lộ trình đưa tỷ lệ này về mức 40% kể từ 1.1.2019 thay vì mức 45% hiện nay theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, vốn vay ngoại tệ từ các định chế tài chính lớn nước ngoài còn mang đến cho các ngân hàng cơ hội gia tăng lợi nhuận, khi mà Ngân hàng Nhà nước tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu đến hết năm 2018 và huy động ngoại tệ hiện không dễ dàng với lãi suất 0% như Ngân hàng Nhà nước quy định.

Đối với LienVietPostBank, huy động vốn của ngân hàng này vẫn tăng trưởng rất tốt theo định hướng bán lẻ trong nửa đầu năm 2018 so với cùng kỳ 2017, với tỷ trọng bán lẻ tăng từ 48 lên 56%. Về mặt tích cực, nguồn vốn trung dài hạn của LienVietPostBank ổn định hơn. Dù vậy, khoản vay vốn 50 triệu USD từ JPMorgan Chase không chỉ chứng tỏ uy tín và sức khỏe của LienVietPostBank mà còn giúp LienVietPostBank bổ sung nguồn ngoại tệ trung dài hạn, cải thiện cơ cấu huy động và đáp ứng một phần nhu cầu vay ngoại tệ của các doanh nghiệp trong nước.

Trước khi LienVietPostBank ký Hợp đồng tín dụng trị giá 50 triệu USD với JPMorgan Chase Bank, N.A., Chi nhánh Singapore, Tổ chức xếp hạng quốc tế Moody’s công bố xếp hạng đối với 14 ngân hàng thương mại của Việt Nam. Theo đó, chỉ số tín nhiệm tiền gửi, nhà phát hành nợ nội tệ và ngoại tệ dài hạn của LienVietPostBank được nâng lên một bậc, từ B2 lên B1. Bên cạnh đó, triển vọng đối với xếp hạng tín nhiệm tiền gửi bằng nội tệ và nhà phát hành nợ nội tệ và ngoại tệ của LienVietPostBank được Moody’s chuyển từ “tích cực” sang “ổn định”.  Đại diện ngân hàng cho biết, việc được Moody’s nâng hạng tín nhiệm sẽ giúp Ngân hàng cải thiện khả năng huy động nguồn vốn trung dài hạn, góp phần điều chỉnh cơ cấu huy động theo hướng bền vững.

LienVietPostBank có mạng lưới lớn nhất Việt Nam, có mặt ở 63/63 tỉnh, thành với hơn 360 chi nhánh, phòng giao dịch, hơn 1.000 phòng giao dịch bưu điện và quyền khai thác hơn 10.000 điểm giao dịch bưu điện. Đến 30.6.2018, tổng tài sản của LienVietPostBank đạt 175,8 nghìn tỷ đồng, tăng 7,62% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ tín dụng thị trường 1 tăng 13,32% đạt 116,8 nghìn tỷ đồng và huy động thị trường 1 tăng 16,57% đạt 156,7 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 0,98% từ mức 1,07% tại thời điểm đầu năm.

Tiểu Phong