Ngăn chặn nguy cơ bùng phát bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa

- Thứ Tư, 08/05/2019, 08:07 - Chia sẻ
Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN - PTNT có văn bản gửi Sở NN - PTNT các tỉnh phía Bắc đề nghị khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh đạo ôn trên lúa. Hiện nay thời tiết tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, trùng với giai đoạn lúa trổ bông ở hầu hết các tỉnh phía Bắc, là điều kiện vô cùng thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông bùng phát...

Bệnh nguy hiểm, khó dự báo

Theo Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Phong, bệnh đạo ôn cổ bông hại lúa rất nguy hiểm, khó dự báo, chỉ có thể phun phòng bệnh. Bệnh gây thiệt hại năng suất tương ứng với tỷ lệ bệnh (ví dụ tỷ lệ bệnh 50% số bông thì thiệt hại 50% năng suất) nên sẽ gây hậu quả rất nặng nề nếu không phun phòng kịp thời. Bệnh thường chỉ phát sinh, gây hại ở giai đoạn lúa trổ bông, nếu điều kiện thuận lợi (thời tiết mưa nhỏ, mưa phùn, nhiệt độ thấp, độ ẩm cao…) thì bệnh phát sinh cả ở giai đoạn lúa ngậm sữa.

Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc Trần Quyết Tâm cho biết, năm nay bệnh đạo ôn lá đã phát sinh trên lúa xuân cực sớm, từ cuối tháng 1 và cao điểm gây hại là từ tháng 3.2019 đến nay, trên một số giống như J02, BC15, TBR225, Bắc thơm 7, Thiên ưu 8... với tỷ lệ bệnh phổ biến từ 3 - 5% số lá, nơi cao từ 10 - 20%, cục bộ từ 30 - 50% (Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên...). Cá biệt tại Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, tỷ lệ bệnh có nơi tới 90% số lá, gây cháy chòm ổ. Tổng diện tích nhiễm từ đầu vụ đến nay khoảng 7.000 ha, nhiễm nặng 444 ha, trong đó 3,5 ha mất trắng.

Trưởng phòng Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Phong cho rằng, theo kinh nghiệm, nếu không diệt trừ dứt điểm bệnh đạo ôn lá thì khi cây lúa chuyển sang giai đoạn làm đòng rất dễ bị bệnh đạo ôn cổ bông, ảnh hưởng lớn đến năng suất. Hiện tổng diện tích lúa vụ Đông Xuân 2018 - 2019 các tỉnh phía Bắc (từ Ninh Bình trở ra) là 755.000ha, lúa đang trổ bông khoảng 60%. Nếu thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, toàn bộ diện tích lúa Xuân muộn đều có nguy cơ bị bệnh đạo ôn cổ bông, nhất là giống nhiễm bệnh nặng như TBR 225, TBR 45, Nếp, Bắc thơm số 7, Q5, Thiên ưu 8, Nhị ưu 838. Theo nhiều chuyên gia, bệnh đạo ôn cổ bông gây hại tỷ lệ 10% nếu nhìn bằng mắt thường đã bạc trắng ruộng, tỷ lệ 30% - 40% chắc chắn thiệt hại nặng về năng suất.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, một số vùng tại các tỉnh cục bộ đã xảy ra bệnh đạo ôn cổ bông với tỷ lệ lên tới 30% số bông bị bệnh. Nếu không nhanh chóng có các biện pháp can thiệp, dịch bệnh bùng phát nhanh, cơ quan chức năng lẫn người dân sẽ trở tay không kịp. Bởi thời gian từ khi bào tử nảy mầm, xâm nhiễm vào cổ bông đến lúc biểu hiện ra vết bệnh mãn tính chỉ 4 - 6 ngày, tùy theo nhiệt độ, độ ẩm. Có nghĩa rằng, khi quan sát thấy bông bạc là nấm bệnh đã xâm nhiễm trước đó 4 - 6 ngày và không thể cứu vãn. Vụ Đông Xuân năm 2017 bệnh đạo ôn cổ bông đã gây thiệt hại nặng nề là một ví dụ điển hình, tổng diện tích thiệt hại do bệnh đạo ôn cổ bông trên 20.000ha, trong đó thiệt hại trên 70% là  gần 13.000ha chủ yếu trên các giống Thiên ưu 8.

Chống bệnh phải ngay từ đầu vụ

 “Đối với đạo ôn cổ bông, nếu nấm bệnh đã tấn công thì khi vết bệnh biểu hiện cũng là lúc bông lúa mất hoàn toàn nguồn dinh dưỡng về sau, bệnh tấn công càng sớm thì thiệt hại càng nhiều, bệnh có thể khiến hạt lép lửng một phần hoặc lép cả bông và chắc chắn sẽ mất năng suất”.

Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Phong

Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên Ðào Thị Khuyên cho rằng, phòng, chống bệnh đạo ôn cổ bông cần thực hiện ngay từ đầu vụ, chứ không để xảy ra bệnh đạo ôn lá rồi mới phòng chống. Để phòng chống được loại bệnh này về mặt khách quan còn phụ thuộc điều kiện thời tiết, nếu thời tiết mưa ẩm nhiều sẽ là điều kiện thuận lợi để bệnh phát triển. Tuy nhiên, về yếu tố chủ quan, do người dân không tuân thủ cơ cấu giống, nhiều giống lúa đã từng nhiễm đạo ôn nặng ngành nông nghiệp đã khuyến cáo không nên gieo trồng nhưng tại nhiều địa phương người dân vẫn gieo trồng với diện tích lớn.

Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hồng Yến cũng nhấn mạnh, để chủ động phòng, chống, giảm thiểu tác hại của bệnh đạo ôn gây ra cho sản xuất lúa vụ xuân 2019, các cơ quan chuyên môn phải tăng cường bám sát hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng, trừ ngay từ đầu vụ. Những ruộng đã bị bệnh đạo ôn lá cần giữ đủ nước, không phun chất kích thích sinh trưởng hay phân bón lá chứa đạm. Khi lúa bắt đầu trổ, cần phun thuốc phòng đạo ôn cổ bông theo hướng dẫn trên bao bì, tranh thủ phun khi trời không mưa. Đối với những diện tích thường bị nhiễm bệnh nặng trong các năm trước, cần phun bằng các loại thuốc đặc hiệu ngay khi lúa trổ được 5% và sau khi trổ thoát.

 Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương lưu ý, mặc dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng không có nghĩa phải phun phòng đạo ôn trên tất cả diện tích. Điều đó chỉ gây lãng phí và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng không tốt đến quy trình canh tác. Việc phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa khi trổ có cần hay không thì người dân phải căn cứ vào diễn biến thời tiết. Nếu diện tích lúa nào trổ bông trong những ngày nắng ráo khô hanh thì không cần phải phòng bệnh này cho lúa bằng thuốc.

Duy Anh