Chính sách và cuộc sống

Ngăn chặn kỳ thị

- Thứ Năm, 19/03/2020, 08:18 - Chia sẻ
Hôm qua, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp để ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi kỳ thị với khách du lịch nước ngoài vì Covid-19, giữ gìn hình ảnh đất nước.

Chỉ đạo này bắt nguồn từ việc gần đây một số phương tiện thông tin, báo chí phản ánh tình trạng một số cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch ở các địa phương đã từ chối phục vụ, thậm chí có biểu hiện tẩy chay, kỳ thị khách du lịch là người nước ngoài do lo ngại nguy cơ nhiễm và lây lan dịch bệnh Covid-19; bất chấp ngành du lịch mỗi năm đóng góp khoảng 7% tăng trưởng GDP và riêng năm ngoái đón tới 18 triệu lượt khách quốc tế.

Nhưng dịch bệnh không chỉ khiến chúng ta hành xử với khách nước ngoài theo một hướng khác - trái với  truyền thống thân thiện, hiếu khách vốn có, mà còn khiến chúng ta có thái độ gay gắt với cả người Việt.

Hai hôm trước, Ban Quản lý một tòa nhà ở Hà Nội ra thông báo đề nghị chủ sở hữu căn hộ dừng và từ chối nhận khách thuê là tiếp viên hàng không và hướng dẫn viên du lịch với lý do Ban không thể chủ động kiểm soát hoàn toàn lịch trình di chuyển của khách hàng và nguồn nguy cơ lây nhiễm. Hành động này đã gặp sự phản đối mạnh mẽ của dư luận, đến nỗi một ngày sau đó, Ban Quản lý tòa nhà phải rút lại thông báo và nói lời xin lỗi.

Hồi tháng 2, khi xã Sơn Lôi trở thành “tâm điểm” của cuộc chiến chống dịch Covid-19, đâu đó trong cộng đồng có những cá nhân bày tỏ sự e dè thái quá, thậm chí phân biệt và kỳ thị với những gì liên quan đến không chỉ Sơn Lôi mà cả tỉnh Vĩnh Phúc. Có bệnh viện tư nhân ở Hà Nội từ chối một sản phụ quê Vĩnh Phúc. Có nhà nghỉ treo biển không đón khách người Vĩnh Phúc. Có nhà hàng không đón xe biển số Vĩnh Phúc…

Đến mức trên mạng xã hội xuất hiện bức ảnh một nam thanh niên đeo khẩu trang cầm tấm biển mang dòng chữ: “Tôi là người Vĩnh Phúc. Chúng tôi là con người. Chúng tôi không phải là virus. Đừng kỳ thị chúng tôi!”.

Và bây giờ đến lượt người Hà Nội thấu hiểu, thấm thía những gì người Vĩnh Phúc đã trải qua.

Dường như dịch bệnh đã “kích hoạt” tâm lý kỳ thị, vốn không lớn trong cộng đồng Việt, bỗng chốc phát tán rất nhanh và khó kiểm soát. Cội nguồn của thái độ ấy có lẽ là những ám ảnh, lo lắng của mỗi người về vấn đề thiết thân nhất: sức khỏe của bản thân và gia đình.

Dẫu rằng lo thì ai cũng lo, sợ thì ai cũng có quyền sợ nhưng không nên vì thế mà cho phép mình cư xử kỳ thị, cực đoan, theo đám đông, thiếu thấu đáo. Sự kỳ thị, dù trong suy nghĩ hay hành động, đều không đem lại một điều gì tích cực cho cộng đồng.

Đằng sau kiến thức là sự bình thản. Theo lẽ đó, mỗi người cần nỗ lực thực sự trong việc tìm hiểu những thông tin khoa học về dịch bệnh Covid-19 mới có thể xóa bỏ nỗi sợ hãi không đáng có - vốn là căn nguyên gây ra thái độ kỳ thị với những người “có liên quan” đến dịch bệnh. Nếu chịu đọc, chúng ta sẽ hiểu và tin vào những điều tưởng như rất đơn giản, ví như một khu phố, một tòa nhà, một phường xã được đặt trong tình trạng cách ly không có nghĩa là bầu trời, không khí của khu phố ấy, tòa nhà ấy, phường xã ấy đang... ngập tràn virus gây bệnh.

Và như thế, công tác truyền thông về dịch bệnh cần được đẩy mạnh nhưng phải thật kỹ lưỡng và thấu đáo về cách thức, liều lượng thông tin; nội dung phải chính xác và mang tính khoa học để tránh gây hoảng loạn, tránh chất thêm những nỗi sợ hãi không đáng có lên xã hội và người dân.

Hà Lan