Nhịp cầu

Ngăn chặn giết mổ gia cầm tại chợ dân sinh

- Thứ Năm, 21/05/2020, 09:54 - Chia sẻ
Hiện nay, tình trạng giết mổ, gia cầm tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn diễn ra và ngày càng nhiều, không chỉ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn là nỗi lo thường trực của người dân khi các loại dịch bệnh Covid-19, dịch cúm gia cầm H5N6 đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Tại chợ dân sinh khu vực xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì thường xuyên diễn ra tình trạng giết mổ gia cầm sống tại chợ. Chỉ trong một vài tiếng buổi chiều mà có đến mấy chục con gà, ngan được giết mổ, các ngày rằm, mồng một hàng tháng, lượng khách mua càng đông hơn. Điều đáng nói là xung quanh khu vực giết mổ là san sát các quầy bán rau củ quả, bán đồ ăn chín, thực phẩm tươi sống. Nước thải chảy một phần vào cống, một phần lênh láng trên nền đất. Tương tự, tại một số chợ khác trên địa bàn Hà Nội, như: Chợ Phương Trung (huyện Thanh Oai); chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm); chợ Vồ, chợ Hà Đông, chợ Mai Lĩnh (quận Hà Đông);… hầu hết các hộ giết mổ gia cầm ngay trên nền chợ, lông gà, vịt được thu gom vào túi, vứt ngay ở bãi rác tại chợ... Thực trạng này không chỉ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn tạo điều kiện cho mầm bệnh cúm gia cầm phát sinh.

Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú ý Hà Nội) Nguyễn Văn Quang cho rằng, tình trạng giết mổ gia cầm do thói quen của người tiêu dùng thích sử dụng gia cầm giết mổ sống; nhiều người buôn bán, kinh doanh vì lợi nhuận mà bất chấp những hệ lụy có thể ảnh hưởng đến cộng đồng. Bên cạnh đó, tại Quyết định số 14/2019/QĐ-UBND ngày 5.7.2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành quy định phân công, phân cấp quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn, việc quản lý hoạt động của các cơ sở giết mổ tập trung, giết mổ nhỏ lẻ là thẩm quyền của UBND các cấp. Do đó, khi phát hiện vi phạm, cán bộ thú y chỉ nhắc nhở, rất khó xử lý vi phạm. Được biết, để hạn chế phát sinh mầm bệnh từ việc giết mổ tại chợ dân sinh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã chỉ đạo trạm chăn nuôi và thú y các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, tham mưu chính quyền địa phương xử lý nghiêm vi phạm, tiến tới chấm dứt việc kinh doanh, giết mổ gia cầm sống tại các chợ để đưa vào giết mổ tập trung.

Từ thực trạng trên có thể thấy, việc mua bán, giết mổ gia cầm sống tại chỗ dù đáp ứng được nhu cầu và thói quen của nhiều người tiêu dùng nhưng lại gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, là mối nguy tiềm ẩn lây lan các loại dịch bệnh. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, cần có biện pháp quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra, xử phạt các hộ kinh doanh vi phạm, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Về lâu dài, các địa phương cần sớm có phương án quy hoạch, xây dựng các điểm giết mổ tập trung để tiến tới chấm dứt việc giết mổ nhỏ lẻ, khó quản lý.

TƯỜNG VY