Ngắm mùa thu châu Âu qua cửa kính

- Chủ Nhật, 06/10/2019, 08:53 - Chia sẻ
Đi roadtrip kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” chính ra rất sướng vì muốn đến đâu là đến, lại được ngắm cảnh châu Âu qua cửa kính xe và chọn ở những ngôi nhà vùng đồng quê thanh bình thay vì phố thị đông đúc và đắt đỏ...

Bình yên làng cổ

Xuống sân bay làm thủ tục thuê xe, chúng tôi háo hức nhấn ga, lướt xe êm ru trên xa lộ. Tôi ngồi sau ngủ gà ngủ gật một lúc là đã đến địa chỉ thuê nhà airbnb cách Frankfurt (Đức) khoảng hơn... 200km.

Ngôi nhà xinh như một khu vườn cổ tích. Chồng Đức vợ Nhật, nên xác châu Âu mà hồn châu Á, hình như lại là dân kiến trúc nữa (nhà chất đầy tạp chí nội thất) nên thiết kế vườn tược nhà cửa nội thất đâu ra đó. Cửa sổ trông ra khu vườn xanh mướt. Trước nhà có giàn nho trĩu quả, góc nhà có cây táo cây mận, hoa thì nở khắp lối đi. 

Ngôi nhà nằm trong khu thị trấn mới, cách khu làng cổ chỉ bằng một cây cầu đi bộ ngắn. Ngôi làng cổ hơn 800 năm tuổi có tên Grebenstein vắng tanh không một bóng người. Phố xá đìu hiu, hàng quán chưa mở. Những ngôi nhà im ỉm đóng. Nhà nào cũng có một khoảng vườn xanh, cây táo trĩu quả hình như không ai ăn. Lâu lâu mới có một chiếc xe chạy qua hay một hai anh công nhân sửa điện. 

Warburg, ngôi làng cổ thứ 2 cách đó khoảng 20km có vẻ có sinh khí hơn. Có khu quảng trường, nơi dân cư tụ tập buổi chiều để uống bia, có đám trẻ con đi học về, chứ không đìu hiu như bên Grebenstein. Lại thêm hai tiếng lang thang mọi ngõ ngách, lên dốc xuống đèo, ngắm nhà thờ, những ngôi nhà cổ xinh xắn và khu vườn đầy hoa rồi lên xe men theo con đường làng chạy giữa những cánh đồng xanh ngắt...

Chuyến đi này chúng tôi quyết định để ngẫu hứng dẫn lối, rời xa phố phường đô hội để về vùng thôn quê, những khu old town, những ngôi làng nhỏ. Để rồi sau hai ngày ở old town bình yên vắng lặng, lại thấy nhớ phố phường đô hội. Bèn nhấn ga băng thêm quãng đường hơn 400km, từ miền Đông Bắc của nước Đức xuyên qua xa lộ chạy giữa những cánh đồng bạt ngàn rồi thẳng tiến sang Hà Lan. 

Đất nước nhỏ bé của Cối xay gió đón chào bằng những đàn bò sữa, ngựa, cừu ung dung gặm cỏ; những đàn vịt trời đậu đặc cánh đồng và những hồ nước, dòng kênh, hồ nước, sông suối xanh ngắt. Bầu trời xanh và quang đãng đến mức nhìn thấy rõ ba, bốn chiếc máy bay xé mây bay ở các hướng khác nhau. 

Ngôi nhà airbnb nằm ở ngoại ô thành phố nên có thể cảm nhận rõ vẻ đẹp yên bình của đồng quê Hà Lan. Nhà airbnb ở Hà Lan có thể nằm trong một khu farm (nông trại), tha hồ ngắm bò cừu ngựa; cũng có thể một căn nhà nổi nằm trên nước. Cả bọn quyết định thuê một căn vừa gần farm mà vừa gần nước. Phòng ngủ áp mái có hai ô cửa nhỏ nhìn xuống dòng kênh sau nhà, nơi có một cái bến nhỏ làm bằng gỗ tha hồ ngồi uống trà và ngắm cảnh hoàng hôn hoặc bình minh đẹp như tranh với những hàng cây soi bóng xuống dòng kênh.

Nhộn nhịp trên bến dưới thuyền

“Con đường nối giữa Bruges và Ghent rất đẹp, lắm lúc chạy giữa con phố có nhà san sát hai bên, lắm lúc lại chạy giữa những con đường có hàng cây cổ thụ, dòng sông hay cánh đồng có những chiếc quạt gió. Tự nhiên nhớ tới cuốn tiểu thuyết “Những con đường xứ Flandres” của nhà văn Pháp Claude Simon mà dịch giả Dương Tường từng dịch...”

Từ đó lái xe vào Amsterdam khoảng 30km. Thành phố với 150 dòng kênh và 1.250 cây cầu nên đi đâu cũng thấy kênh và cầu. Chúng làm nên vẻ đẹp đặc trưng của thành phố này. Dưới nước thì khách du lịch đi tàu canal cruise để có trải nghiệm cuộc sống giữa các dòng kênh. Trên bờ, dân bản địa toàn cưỡi xe đạp luồn lách giữa những con phố đông đặc người xe hoặc chui vào những con hẻm nhỏ. Chưa có thành phố nào mà xe đạp nhiều như ở Ams. Những bãi gửi xe đạp nhìn cứ như các khu sắp đặt nghệ thuật ngoài trời, không hiểu bằng cách nào mà họ tìm ra xe của mình.

Do dành nhiều thời gian tận hưởng ngôi nhà airbnb và vùng đồng quê nên thời gian ở phố không nhiều, thế là đành bỏ qua bảo tàng Van Gogh, ngôi nhà của Anne Frank và chỉ kịp ghé Zaanse Schans ngắm mấy cái cối xay gió rồi tạm biệt Hà Lan để đến Bruges của nước Bỉ.

Thành phố nhỏ đại diện cho lối kiến trúc gothic từ thời Trung cổ gần như được giữ gìn nguyên vẹn. Những con đường lát đá trong khu old town càng làm tăng thêm vẻ cổ kính và quyến rũ của Bruges. Phố nhỏ nối các điểm đến nổi tiếng như ngọn tháp Belfry, quảng trường trung tâm Markt, quảng trường Burg, Church of Our Lady Bruges... Bruges đúng nghĩa là thành phố cổ trên bến dưới thuyền. 

Bao quanh khu phố cổ là những con kênh thơ mộng với những chiếc cầu đá nối hai bờ. Những con kênh ở Bruges không nhiều bằng Amsterdam nhưng nhìn có vẻ quyến rũ hơn nhờ những ngôi nhà cổ kính chạy dọc hai bên bờ. 

Tạm biệt Bruges bằng cơn mưa chiều kéo theo những đợt gió lạnh như mỗi đận gió mùa Đông Bắc tràn về Hà Nội. Bầu trời đang xanh ngắt trở nên xám xịt. Ba đứa chúng tôi trú mưa một hồi rồi quyết định băng qua làn mưa để chạy ra xe rồi trực chỉ hướng đến Ghent, một thành phố nhỏ khác cũng từng là thương cảng sầm uất một thời của Bỉ thời Trung cổ. Con đường nối giữa Bruges và Ghent rất đẹp, lắm lúc chạy giữa con phố có nhà san sát hai bên, lắm lúc lại chạy giữa những con đường có hàng cây cổ thụ, dòng sông hay cánh đồng có những chiếc quạt gió. Tự nhiên nhớ tới cuốn tiểu thuyết “Những con đường xứ Flandres” của nhà văn Pháp Claude Simon mà dịch giả Dương Tường từng dịch.

Ghent cũng là một thành phố trên bến dưới thuyền và khá giống Bruges vì vẻ cổ kính của nó. Ngồi trên thuyền dạo một vòng phố cổ là đủ để điểm danh hết những điểm đến nổi tiếng của thành phố, từ nhà thờ St Bavo, cầu St Michael, lâu đài Gravensteen, bến thuyền Graslei và Korenlei, Town Hall và Old Market. 

Điểm đến cuối trong ba thành phố của nước Bỉ là Brussels, chỉ kịp ghé ngang ngắm Manneken Pis, thằng bé đứng tè bé như cái kẹo, khu quảng trường Grand Place rộng lớn và dạo quanh một vòng phố phường. Sau khi đã ấn tượng với Bruges và Ghent thì Brussels trở nên... tầm thường vì không có gì quá đặc biệt, lại ken đặc khách du lịch. 

Phong cảnh có bàn ủi

Chặng tiếp theo của chuyến roadtrip chạy từ vùng biên giới nước Pháp (sau khi dừng ở hai thành phố rất cổ kính của vùng này là Strasbourg và Colmar cùng một vài ngôi làng cạnh đó) sang Black Forest mù sương của nước Đức rồi đổ sang Basel của Thụy Sĩ. Đây là thành phố giáp với biên giới của Pháp và Đức đúng kiểu “một tiếng gà gáy ba nước nghe”.

Sang đến Thụy Sĩ, “giời thương” nên thời tiết đang xầm xì bỗng nhiên trời trong, nắng vàng ươm. Xứ của dãy Alps và những hồ nước xanh ngọc lục bảo mà có thêm chút nắng nữa thì nhìn đâu cũng như thiên đường. 

Từ Basel, chúng tôi lái xe đi Interlacken, cách đó khoảng 150km. Điểm đến đầu tiên là Lake Thun, nơi có những đàn thiên nga trắng bơi lội trên mặt hồ xanh bao quanh bởi những dãy núi tuyết. Con đường từ Lake Thun sang Interlacken chạy men theo hồ và núi, đẹp không bút nào tả xiết.

Hôm sau thì lái xe đến Vevey cạnh hồ Lac Léman (hay còn gọi là Lake Geneva), nơi có con đường rượu vang và những vườn nho đẹp nhất Thụy Sĩ. Quả là không quá lời! Thành phố nhỏ bên hồ với phong cảnh, khí hậu và thổ nhưỡng ưu đãi nên giới văn chương, nghệ sĩ và trí thức đến đây sinh sống khá đông. Đây cũng là nơi sinh sống những năm cuối đời của huyền thoại Charlie Chaplin sau khi ông bị trục xuất khỏi Mỹ. Ở Vevey có một bức tượng của Chaplin cạnh hồ Lac Leman và một bảo tàng Chaplin’s World cách đó không xa. Chỉ tiếc cả bọn đi thăm lâu đài Chillon về muộn nên hết giờ vào thăm bảo tàng Chaplin, nơi lưu giữ gần như trọn vẹn những bộ phim, những lá thư tay và di sản điện ảnh của huyền thoại này. 

Từ bảo tàng Chaplin’s World bám theo con đường số 9 chạy trên cao là có thể ngắm toàn cảnh Vevey và hồ Lac Léman và cũng là con đường dẫn đến những vườn nho bạt ngàn, nhất là dưới ánh nắng hoàng hôn cuối ngày. Tự nhiên nhớ tới nhan đề một truyện ngắn của Murakami: “Phong cảnh có bàn ủi”. 

Ba ngày ở Basel khám phá thêm được mấy vùng tuyệt đẹp của dãy Alps và đất nước Thụy Sĩ, xứ sở mà xét về phong cảnh chắc chỉ đẹp sau mỗi New Zealand.

Tưng bừng lễ hội bia

Về lại Munich vừa đúng ngày Quốc khánh Đức 3.10 (hay còn gọi là ngày Thống nhất nước Đức/The German Unity Day/Tag der deutschen Einheit), lại đúng dịp Oktoberfest - lễ hội bia lớn nhất thế giới nên khỏi phải nói cũng biết đông vui thế nào.

Dân tình đổ bộ ra đường đông như kiến cỏ, mặc những bộ trang phục truyền thống nhìn vừa vui mắt vừa ngô ngố. Những chiếc xe ngựa được trang hoàng khá... lòe loẹt chở những thùng bia lớn cũng tiền vào khu trung tâm. Hầu hết đổ bộ về Hackerbrücke. Chúng tôi nhập vào dòng người ngược xuôi ấy để chứng kiến một dịp lễ hội quan trọng và đặc biệt đối với người Đức. Dọc đường không ít anh chàng “chân nam đá chân chiêu” đi lại loạng choạng, trông vui hết biết!

Ở Marienplatz (Quảng trường trung tâm của Munich), khách du lịch cũng đổ về đông như kiến. Trong ánh nắng chiều, tòa thị chính hiện lên rực rỡ, đặc biệt là toà tháp Rathaus, nơi có Glockenspiel một ngày đổ chuông ba lần vào 11 giờ sáng, 5 giờ chiều và 9 giờ tối. Đi bộ một vòng khu old town, thăm English garden và quay trở về đúng lúc 5 giờ chiều, cùng hàng trăm con mắt ngước lên tòa tháp để nghe 43 tiếng chuông đồng loạt ngân vang và nhìn 30 hình nhân trên toà tháp đánh nhau và nhảy múa tưng bừng. “Show diễn” kết thúc sau khoảng 5 phút bằng tiếng oanh vàng hót vang thánh thót ba lần. 

Tàn cuộc, nhảy tàu đổ về Hackerbrücke, hòa vào dòng người đang say sưa lễ hội, làm một vại bia đại rồi chếch choáng về nhà. Vui đáo để!

Tuỳ bút của Bảo Khánh