Bộ trưởng Ngoại giao Nga thăm Triều Tiên

Nga không thể đứng ngoài

- Thứ Sáu, 01/06/2018, 08:44 - Chia sẻ
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov ngày 31.5 đã đến Bình Nhưỡng và hội đàm kín với người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho. Diễn ra trong bối cảnh quan chức của Mỹ và Triều Tiên đang tăng tốc chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, chuyến thăm của ông Lavrov phát đi thông điệp rõ ràng: Nga sẽ không đứng ngoài cuộc trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Tìm hiểu lập trường

Đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu ngành ngoại giao Nga đến Triều Tiên trong vòng 9 năm qua, theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho. Bộ Ngoại giao Nga cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm Triều Tiên, ông Lavrov và người đồng cấp nước chủ nhà thảo luận một loạt vấn đề cấp bách trong quan hệ song phương, diễn biến gần đây trên bán đảo Triều Tiên, cùng các vấn đề khu vực và quốc tế. Trước đó, phát biểu tại hội nghị Primakov Readings diễn ra ở Nga ngày 30.5, Bộ trưởng Ngoại giao Lavrov cho hay, chuyến thăm Bình Nhưỡng có thể giúp Moscow tìm hiểu tốt hơn lập trường của Bình Nhưỡng trong các vấn đề liên quan tới bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm kín với người đồng cấp tại Bình Nhưỡng, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov nêu rõ, Nga là một bên tham gia các cuộc đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên - một cơ chế vẫn tồn tại. Vì vậy, Nga hoan nghênh và ủng hộ các cuộc tiếp xúc hiện nay giữa hai miền Triều Tiên, cũng như giữa Bình Nhưỡng và Washington. Tuy nhiên, ông Lavrov nhấn mạnh, mặc dù đặt rất nhiều kỳ vọng rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vẫn diễn ra như kế hoạch, nhưng Nga hy vọng kết quả cuộc gặp không đưa đến những tối hậu thư. Ông Lavrov cũng kêu gọi giải pháp cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ đi cùng việc từng bước dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên; đồng thời hối thúc các bên liên quan đạt được những thỏa thuận cụ thể liên quan tới Triều Tiên vì lợi ích của tất cả các bên.

Trước đó, trong tháng 4, Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong Ho đã thăm Nga và hội đàm với ông Lavrov. Tại thời điểm đó, ông Lavrov đã đề cập đến khả năng diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong tương lai. Giới phân tích vốn vẫn đánh giá Triều Tiên coi trọng vai trò của Nga trong các cuộc đàm phán đa phương về vấn đề hạt nhân, đồng thời giúp nới lỏng tình trạng bị cô lập của quốc gia Đông Bắc Á này. GS. James Brown, Đại học Temple ở Nhật Bản, chuyên gia về quan hệ Triều Tiên - Nga cho rằng, cùng với Trung Quốc, Nga là đối tác và đồng minh truyền thống của Triều Tiên. Vì vậy, Triều Tiên cũng mong muốn củng cố quan hệ với Nga, nhằm bảo đảm cả Trung Quốc và Nga sẽ hậu thuẫn Triều Tiên trong các cuộc thương lượng với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Đông Bắc Á.

Bảo đảm vai trò và gia tăng ảnh hưởng

Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov tới Bình Nhưỡng diễn ra trong bối cảnh chỉ 2 tuần nữa đến thời điểm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều được lên kế hoạch tổ chức tại Singapore. Mặc dù Tổng thống Mỹ đã gửi thư cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố hủy cuộc gặp được dư luận quốc tế nóng lòng chờ đợi, song các quan chức của cả hai bên đều đang tăng tốc chuẩn bị cho cuộc gặp diễn ra theo như dự tính.

Trước thềm cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều, cộng đồng quốc tế cũng chứng kiến nhiều hoạt động ngoại giao sôi nổi xoay quanh vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, trong đó có các cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Cuối tháng 3 và đầu tháng 5, ông Kim cũng hai lần sang Trung Quốc và thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên. Không chỉ Triều Tiên, Nhật Bản cũng sốt sắng trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Đông Bắc Á, thể hiện qua cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow ngày 27.5 vừa qua, thảo luận vấn đề Triều Tiên và các vấn đề địa chính trị khác. Ông Abe dự kiến sẽ sang Mỹ và gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7.6 tới, trước thềm cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Trong bối cảnh đó, giới phân tích cho rằng, sau Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga cảm thấy phải khẳng định sự hiện diện của mình trong tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên.

Giới quan sát cũng nhận định, các cuộc đàm phán giữa Mỹ - Triều Tiên liên quan tới chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng giờ đang chia thành hai hướng: Đối thoại liên Triều và đối thoại Mỹ - Triều. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hủy cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rồi lại tiếp tục xúc tiến tổ chức cuộc gặp này được cho là “chiến thuật” của Washington nhằm tạo điều kiện tốt nhất để đạt được một thỏa thuận với Bình Nhưỡng. Điều này khiến Moscow quan ngại, Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên có thể nhất trí một thỏa thuận “sau lưng” Nga và Trung Quốc. Giám đốc Trung tâm Chiến lược châu Á, thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế, Viện hàn lâm Khoa học Nga Georgy Toloraya cho hay, điều này khó có thể chấp nhận đối với Moscow,  nếu vấn đề quan trọng nhất liên quan tới an ninh biên giới Nga - Triều Tiên lại được các bên quyết định mà không có Nga, cũng như không tôn trọng các lợi ích của Nga. Ông Toloraya nhấn mạnh, một thỏa thuận giữa Hàn Quốc, Mỹ và Triều Tiên nhằm dàn xếp tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ không có giá trị pháp lý nếu lợi ích của Nga và Trung Quốc bị phớt lờ.

Moscow có những lợi ích quan trọng ở bán đảo Triều Tiên. Việc duy trì các mối liên kết với Triều Tiên là một thành phần cốt yếu trong chiến lược của Nga nhằm duy trì vị thế của một bên tham gia không thể thiếu ở Đông Bắc Á.

Ngọc Khánh