Nếu quyết tâm, sẽ hết nghèo

- Thứ Hai, 24/09/2018, 06:59 - Chia sẻ
Dù mỗi người mỗi cảnh, dù cái nghèo nhà K Đốt chẳng giống cái nghèo của nhà K Dệ hay của chị Trần Thị Thanh Mai nhưng giữa họ có một điểm chung là quyết tâm chiến thắng cái nghèo. Bởi thế, bằng nhiều cách làm hay, những đồng bào ở vùng cao nguyên Lâm Đồng đã thực sự bước qua đói nghèo, trở thành những tấm gương cho bà con địa phương.

“Không có đất thì cho con kiến thức!”

 “Với mức cho vay là 1,5 triệu đồng/tháng/sinh viên như hiện nay là thấp hơn so với chi phí thực tế học sinh, sinh viên phải chi trả. Mong Nhà nước mở rộng đối tượng cho vay đối với học sinh, sinh viên là hộ đồng bào DTTS sinh sống ở các xã thuộc vùng khó khăn; bổ sung đối tượng cho vay đối với gia đình có từ 2 HSSV trở lên đang theo học tại các trường, cơ sở đào tạo chưa thuộc đối tượng vay vốn theo quy định.

Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn Tân Đà, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng Phan Thị Thúy Tuy

Suy nghĩ ấy chẳng lấy gì làm mới đối với những bậc cha mẹ ở phố thị. Nhưng, khi nó được thốt lên từ một phụ nữ - mà già nửa đời người, chẳng rời thôn, buôn nửa bước như bà Yaga, dân tộc K‘Ho ở xã Tân Hội, huyện Đức Trọng quả thật rất đáng để nhiều người phải suy nghĩ.

Đáng nể hơn, khi bản thân bà Yaga chẳng biết viết lấy một chữ; còn chồng bà - có khá hơn nhưng cũng chỉ dừng lại biết đọc, biết viết mấy từ đơn giản. Ấy vậy mà 6 người con gái của họ đều được ăn học đến nơi, đến chốn. Và lần lượt, cô con gái lớn Ma Va Liên, 35 tuổi và cô con gái thứ tư Marina, 26 tuổi đều trở thành bác sĩ và công tác tại các bệnh viện lớn. Con gái thứ hai và thứ ba là Ma Va Lia, sinh năm 1988 và Ma Va Ria, sinh năm 1990 đều tốt nghiệp ngành sư phạm. Hai người còn lại là Ma Ri Diễm đang học Đại học Đà Lạt và Ma Ri Hạnh đang học Học viện mật mã TP Hồ Chí Minh.

“Tất cả chúng nó trưởng thành từ những đồng vốn của cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Đức Trọng đấy” - ông K Đốt tự hào bắt đầu câu chuyện.

Ông K Đốt kể rằng, khi cô con gái đầu có giấy báo trúng tuyển đi học trường y, cả hai vợ chồng vô cùng lo lắng. Lúc đó, chỉ nghĩ đến cho con đi học thôi đã khiếp rồi; huống hồ nghe nói học y mất nhiều thời gian và rất tốn kém. “Nhưng, thấy con khóc lóc, buồn bã, khiến chúng tôi không khỏi suy nghĩ và nhận ra rằng: Đằng nào mình cũng nghèo, không có đất để cho con làm vốn. Vì thế, tốt nhất là cho nó học cái chữ mà thoát ly”.

Nói thì đơn giản nhưng một đứa đi học đã khó, 5 đứa em sau cũng nằng nặc đòi đi theo chị khiến hai vợ chồng ông K Đốt vô cùng lo sợ. 6 đứa con đi học thì 5 đứa phải vay tới trăm triệu đồng của NHCSXH Đức Trọng. Riêng cô út được các chị lớn hỗ trợ nên không phải vay thêm. “Tuy nhiên, tất cả tiền sinh hoạt, trả nợ ngân hàng chỉ trông vào 8 sào cà phê với 1 mẫu ruộng - 2 vụ lúa/năm và chăn nuôi, làm thuê, làm mướn. Chúng tôi chỉ biết làm - làm và làm” - bà Yaga tiếp lời.

Giờ, khó khăn đã qua. 6 cô con gái K’ Ho của xã Tân Hội, Di Linh đã bước vào đời với sự tự tin và một tương lai rộng mở phía trước, mà hành trang chính là con chữ bố mẹ tặng từ mồ hôi nước mắt và sự sẻ chia nhân văn của chương trình tín dụng chính sách dành cho học sinh, sinh viên. Món nợ “ân tình” với NHCSXH Đức Trọng cũng được các cô con gái nhận thức đầy đủ, nên sau khi học xong, vừa lo thu xếp công việc nuôi mình, giúp bố mẹ nuôi em, họ không quên quan tâm trả nợ đúng hạn để các bạn khác cũng được đi học. “Đến nay, 3 trong 5 khoản vay của các con đã trả xong. 2 khoản còn lại chúng tôi sẽ cố gắng trả đầy đủ khi đến hạn” - bà Yaga nói.

Chị Trần Thị Thanh Mai “khoe” sản phẩm với cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đức Trọng 
Ảnh: Đức Kiên

Và “không ai khó 3 đời!”

 Tính đến cuối tháng 8, dư nợ tín dụng của NHCSXH trên địa bàn xã đạt hơn 30 tỷ đồng. Nguồn vốn đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 6 hộ chiếm 0,24%; và cận nghèo là 0,32% tương ứng với 8 hộ. Toàn xã đã có 320ha rau vụ hè - thu, 974ha tiêu. Bình quân thu nhập ròng 45 triệu đồng/đầu người…

Chủ tịch UBND xã Tân Hội, huyện Đức Trọng Bùi Văn Tân

Suy nghĩ đầy lạc quan của chị Trần Thị Thanh Mai, 37 tuổi ở Tân Đà, Tân Hội, Đức Trọng - một phụ nữ sinh ra, lớn lên ở vùng cao nguyên xa xôi cũng khiến chúng tôi vô cùng cảm phục. Không may mắn như vợ chồng ông bà Yaga và K Đốt, gia đình chị Mai còn rơi vào tình trạng nghèo cùng cực. Lần lượt hai người chồng đều rời bỏ chị vì không thể cùng đeo gánh nặng: Cha tâm thần nặng; mẹ không nhanh nhẹn và em trai bị thiểu năng trí tuệ; 3 con nhỏ dại. Vậy là cuộc sống của 6 người trong gia đình đều một tay chị lo toan, chăm sóc.

Cuộc sống cứ thế trôi trong sự nhẫn nại, chịu đựng những cơn đập phá, la hét của cha; sự vô tư đến vô tâm của người mẹ và những lần em trai trở bệnh, con cái ốm đau… đã khiến chị quên đi mình là một người phụ nữ. Duy chỉ có đôi mắt của chị luôn hướng về phía trước, tạo cho người đối diện cảm giác an lành và không chịu khuất phục trước khó khăn nào. Bởi thế, chị nhất quyết đón cha từ Trung tâm nuôi dưỡng người có công về nhà để tự tay chăm sóc; để được hàng ngày gần cha, thủ thỉ, xoa dịu những nỗi đau tinh thần trong ông. “May mắn cho tôi, dù điên loạn, phá phách là vậy nhưng khi thấy tôi khóc là cha sợ lắm, ngoan liền…” - chị Mai chia sẻ. Cũng nhờ tình yêu thương của chị mà bệnh của người cha thuyên giảm tới 7 - 8 phần. Giờ, ông tự chủ được một số việc, các cơn la hét cũng họa hoằn mới xảy ra.

Điều đáng trân trọng ở chị Mai không chỉ ở tinh thần lạc quan, luôn tin tưởng vào tương lai mà còn ở chỗ chị đã biết xác định cho mình và 3 đứa con hướng đi rõ ràng: Phải học, phải có nghề, cuộc sống mới ổn định. Vậy là hai đứa lớn - một học nấu ăn; một học công nghệ ô tô và chúng cũng vừa học, vừa làm với mong muốn thoát khỏi cảnh nghèo càng sớm, càng tốt.

Ước mong của 3 mẹ con cũng được những cán bộ tín dụng của NHCSXH đồng hành, chia sẻ. Những đồng vốn từ chương trình cho vay hộ nghèo đã giúp họ đầu tư trồng dâu, nuôi tằm; chăm sóc cà phê, nuôi bò… Bên cạnh đó, sự đùm bọc của chính quyền địa phương, của bà con láng giềng đã cho chị Mai thêm sức mạnh và niềm tin vào tương lai. Theo chị Mai, trong cuộc sống ai cũng sẽ gặp khó khăn, chỉ là ít hay nhiều. Quan trọng, cách mình đối diện với nó thế nào và “tôi nghĩ, sẽ chẳng ai gặp khó đến 3 đời!” - chị Mai quả quyết.

Bình Nhi