Nếu Nhà nước không quyết liệt, ngành đường sắt khó phát triển tốt được

- Thứ Hai, 11/05/2020, 16:54 - Chia sẻ
Theo TS Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội, ngay từ thời chiến tranh chống Mỹ, giao thông vận tải đường sắt đã có nhiều đóng góp rất lớn. Vì vậy, việc phát triển hơn ngành đường sắt rất cần thiết và là trách nhiệm của Nhà nước. Nếu Nhà nước không quyết liệt, ngành đường sắt khó phát triển tốt được.

Vận tải đường sắt đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội là chủ yếu

Trước thực tế ngành đường sắt không những không được đầu tư mà còn bị “xà xẻo”, GS.TSKH Bùi Xuân Phong, Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam cho rằng, nguyên nhân cơ bản là nhận thức của nước ta về vai trò, tính ưu việt của vận tải đường sắt chưa thỏa đáng. Chính những nhận thức đơn thuần về mặt thị phần khiến có người cho rằng nếu thị phần nhỏ thì nên “dẹp” luôn. Dẫu vậy, theo ông Phong, ngay đến cả các nước phát triển trên thế giới vẫn phải phát triển vận tải đường sắt song song với phát triển đường bộ và hàng không. Vì vậy, nên nhận thức đúng vai trò của đường sắt là vấn đề cốt lõi.


Các nước phát triển trên thế giới rất chú trọng đầu tư phhát triển vận tải đường sắt (Ảnh minh họa – Nguồn ITN)

Theo đó, cần nhìn nhận rằng vận tải đường sắt đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội là chủ yếu chứ không chú trọng đem lại hiệu quả về mặt tài chính. Khi đã có Luật Đường sắt sửa đổi, chúng ta sẽ có thể minh bạch giữa kinh doanh nào có thể hoàn vốn và kinh doanh nào mang tính chất xã hội.

Đầu tư như hiện nay thì đường sắt khó phát triển

Theo TS Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội, trong lịch sử, đường sắt có vai trò rất quan trọng. Toàn quyền đông Dương Paul Doumer phải thuyết phục 2, 3 lần mới được Quốc hội Pháp thông qua, vì lúc đó đầu tư vào đường sắt rất lớn. Ông này lấy lý do diện tích đất nước Việt Nam trải dài, muốn khai thác thuộc địa, muốn thuận lợi trong việc vận tải khối lượng lớn thì phải phát triển đường sắt. Thực tế, cách đây hàng trăm năm, người ta đã nhìn thấy vai trò quan trọng của đường sắt trong phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.


TS Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội

TS Lê Hồng Tịnh cho rằng, có thể đánh giá về thực trạng của ngành đường sắt thời gian qua bằng việc thể hiện vốn đầu tư cho đường sắt. Cụ thể như năm 2005, vốn đầu tư cho ngành Đường sắt chiếm 3,3% trong tổng đầu tư của ngành giao thông vận tải, nhưng đến 2015 vốn đầu tư cũng chỉ chiếm 1,6% trong toàn ngành. Chính vì vậy, đường sắt rất khó phát triển. Thực tế cũng đã cho thấy đầu máy, toa xe của ngành đường sắt cũng đã rất cũ, được sản xuất từ cách đây 12- 40 năm mà vẫn phải sử dụng vì hiện nay trên thế giới các đầu máy đó không còn được sản xuất nữa. Tuy vậy, TS Lê Hồng Tịnh đánh giá rất cao ngành đường sắt khi vẫn đáp ứng được khối lượng vận chuyển đường sắt ngày càng tăng với những đổi mới dễ nhận thấy ngay ở Ga Hà Nội trong khi ngành không được đầu tư nhiều. Đây là những điều cần ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của ngành Đường sắt.

“Giao thông vận tải đường sắt trước đây đã có đóng góp rất lớn ngay từ thời chiến tranh chống Mỹ . Tuy nhiên, thời gian qua có những đánh giá chưa đúng về nó. Vì vậy, việc đầu tư phát triển hơn ngành đường sắt là rất cần thiết và là trách nhiệm của Nhà nước. Muốn vậy, chúng ta phải đánh giá toàn cục, không thể chỉ đánh giá lợi ích trước mắt mà phải đánh giá về lợi ích lâu dài, kết nối đồng bộ... Nếu Nhà nước không quyết liệt, đường sắt sẽ  khó phát triển tốt được”, TS Lê Hồng Tịnh khẳng định.

Bảo Ngân