Nếu lấy hiệu quả kinh tế và xã hội để xem xét thì lĩnh vực cần đầu tư là đường thủy nội địa

- Thứ Hai, 11/05/2020, 11:06 - Chia sẻ
Đánh giá giao thông vận tải đường thủy nội địa là một trong những loại hình giao thông đem lại hiệu quả kinh tế xã hội rất cao, ngay tại bên lề hành lang kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thể, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho rằng, nếu xếp hạng quan trọng thì giao thông vận tải đường thủy nội địa đứng nhất nhì trong ngành giao thông vận tải, vì nó có rất nhiều lợi thế: có thể vận chuyển được hàng hóa số lượng và trọng lượng lớn, giá thành chi phí vận chuyển thấp, công tác duy tu bảo dưỡng định kỳ hằng năm cũng không tốn kém... Vì vậy, nếu lấy tiêu chí hiệu quả kinh tế và xã hội để xem xét thì trong giao thông vận tải lĩnh vực cần đầu tư là đường thủy nội địa.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thể, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng (Ảnh Văn Thăng)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, đặc biệt ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống sông ngòi chằng chịt thì vai trò của giao thông đường thủy nội địa càng khẳng định vai trò quan trọng. Thực tế hiện nay giao thông đường thủy nội địa vận chuyển phần lớn các nguyên vật liệu với trọng lượng lớn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, điều mà Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thể băn khoăn là qua giám sát nhiều năm nay thì tỷ trọng của lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa giảm dần. Cụ thể, nếu như trước đây vận chuyển hàng hóa và hành khách chiếm đến 90% thì hiện nay chỉ khoảng từ 60 – 70% so với lượng hàng hóa và hành khách. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thể khẳng định, đây là xu hướng không tốt, vì hiện nay có thực trạng đang lạm dụng giao thông vận tải đường bộ. Từ đó dẫn đến hệ lụy đường bộ quá tải, gây ách tắc giao thông, đường mới làm xong đã sụt lún nhanh chóng xuống cấp…

Để phát triển ngành giao thông đường thủy nội địa và khai thác hết tiềm năng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội một cách tốt nhất, theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thể, ngành giao thông vận tải nên đề ra chủ trương, giải pháp để làm sao phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của giao thông đường thủy nội địa trong nền kinh tế, đặc biệt là trong việc vận chuyển hàng hóa. Để làm được việc này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc làm trước tiên là cần xây dựng hệ thống bến bãi. Bởi hiện nay việc bốc xếp hàng hóa ở các bến bãi của đường thủy nội địa rất yếu kém, đa phần bốc xếp hàng hóa bằng thủ công, đấy là chưa nói đến bến bãi còn thiếu so với nhu cầu thực tế. Từ đó, dẫn đến việc vận chuyển giao thông đường thủy nội địa kết nối với đường bộ và với các loại hình vận tải khác hiện hết sức khó khăn. Trong khi đầu tư cho công đoạn này không lớn và mỗi đô thị rất cần hình thành một hai bến cảng để bảo đảm cho việc vận chuyển hàng hóa. Trước thực tế này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thể đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cần nghiên cứu để làm sao công tác quy hoạch lại hệ thống bến bãi, bến cảng của các vùng, đặc biệt là những vùng ven sông lớn cần được chú trọng để khai thác hiệu quả loại hình giao thông có nhiều tính ưu việt này.


Tàu, thuyền đang lưu thôngchở hàng trên sông Sài Gòn(Ảnh Văn Thăng)

Cùng với đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thể cho rằng cần xem xét lại việc kết nối giao thông giữa các bến cảng đường thủy nội địa với các lại hình vận tải khác, đặc biệt là đường bộ và đường sắt. Đồng thời cần có cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt để hình thành nên các doanh nghiệp vận tải chuyên ngành đường thủy nội địa, bằng các biện pháp như hỗ trợ vốn để mua sắm thêm các thiết bị vận tải đường thủy nội địa, góp phần xây dựng hình thành lên các đội tàu… Bởi theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thể,  hiện nay các doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa đang rất yếu kém về năng lực vận tải, do đó cần tạo cơ chế chính sách làm sao để chúng ta hình thành lên các tập đoàn, các công ty lớn chuyên về vận tải đường thủy nội địa, được trang bị các thiết bị theo dõi định vị toàn cầu… từ đó mới góp phần phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa.

 “Đường thủy nội địa hiện nay về sông, kênh, rạch… chủ yếu dựa vào lợi thế tiềm năng tự nhiên, công tác nạo vét cũng không tốn kém, nhất là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì độ dốc nhỏ, thời gian khai thác và sử dụng rất lâu mới phải nạo vét. Như vậy là chúng ta đang có hạ tầng rất tốt, bây giờ chỉ cần xây dựng cơ sở hạ tầng, một là phải có bến cảng, hai là phải có các doanh nghiệp kinh doanh chuyên chở vận tải là các đội tàu đủ năng lực, thứ bà là kết nối đường thủy với các loại hình khác. Nếu có chính sách để đầu tư làm tốt cả ba khâu này thì chắc chắn đường thủy nội địa sẽ phát huy hiệu quả và sẽ kéo theo động lực cho các ngành nghề khác cùng phát triển” - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thể, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng

Văn Thăng