Nếu làm cho nông dân đi lên bằng lao động, đất đai của mình thì chắc chắn sẽ thoát nghèo bền vững

- Chủ Nhật, 08/06/2014, 08:40 - Chia sẻ

Thực tế đã chứng minh, những địa phương nào làm quyết liệt và biết gắn kết các chương trình, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân và Quyết định 800 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng nông thôn mới, thì đây là nền tảng, điều kiện và mục tiêu để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Những nơi nào sáng tạo để thực hiện được chủ trương xã hội trong giảm nghèo và liên kết hóa, doanh nghiệp hóa thì nơi đó thành công trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân nói chung, đặc biệt là giảm nghèo bền vững và ngược lại. Vì nếu làm cho người nông dân biết thoát nghèo, đi lên bằng chính lao động, đất đai của mình, biết liên kết từng hộ, từng xóm xã và liên kết với quy mô vùng, liên vùng để có hàng hóa chủ lực của nông nghiệp lớn hơn, để chế biến và tiêu thụ thì chắc chắn vượt qua được. Trong đó nền tảng vẫn là xã hội hóa. Ví dụ gắn kết giữa nhà khoa học, nhà nông dân, các tổ chức chính trị, doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức tín dụng. Nghị định 78 của Chính phủ rất đúng đắn, hợp lòng dân, đi vào cuộc sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội.

Trong các chính sách đã ban hành khá tốt và khá đồng bộ, nhưng tôi cho rằng quan trọng nhất và có tính khả thi, hiệu quả nhất là chính sách về tín dụng trong các chương trình hỗ trợ về tín dụng (16 chương trình), trong đó có 6 chương trình do Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện đã phát huy hiệu quả rất cao.
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tôi đề nghị QH chẳng những giảm nghèo mà phải là giảm nghèo bền vững, phải vươn lên khá hơn cho đội ngũ này. Tôi đề nghị tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng chính sách xã hội, bởi vì từ năm 2010 đến giờ chưa được tăng vốn điều lệ. Đây là một yêu cầu lớn nhất, cung cầu mất cân đối. Ví dụ chúng ta có thể tăng khoảng 4, 5 nghìn tỷ đồng mà giải quyết được chục vạn hộ và hàng triệu người giảm nghèo thì việc tăng như thế là cần thiết, cấp bách và rất đúng đắn.

Chúng ta đã thảo luận nhiều lần và trong 16 chương trình, mục tiêu quốc gia thì chương trình nào cũng quan trọng, cần thiết, nhưng phải nói là một số chương trình trùng lặp. Đề nghị cắt, giảm hoặc điều chỉnh một số chương trình chưa cấp bách, ưu tiên 2 chương trình vừa cơ bản, vừa cấp bách: một là Chương trình giảm nghèo; hai là Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tôi nghĩ 2 chương trình này mãi mãi cần thiết, nó vừa cấp bách, vừa cơ bản. Có thể chúng ta cắt, giảm một số chương trình khác, một dự án khác hoặc giãn, tiết kiệm một số nguồn khác bỏ sang đây là cần thiết.

ĐBQH Võ Kim Cự (Hà Tĩnh)