Ấn Độ hạn chế nhập khẩu hương nhang

“Nếu không sớm thông quan, chúng tôi sẽ phá sản”

- Thứ Bảy, 14/09/2019, 08:12 - Chia sẻ
Có 17 năm làm hương nhang xuất khẩu sang Ấn Độ, Giám đốc Công ty TNHH Ánh Hồng (Khoái Châu, Hưng Yên) Chu Thị Nguyệt tỏ ra “bất ngờ” và “sốc” về việc Ấn Độ đột ngột điều chỉnh chính sách nhập khẩu hương nhang. Thừa nhận doanh nghiệp không kịp trở tay, bà Nguyệt than thở nếu tình trạng này không sớm được tháo gỡ, nguy cơ phá sản là hiện hữu.

Lo phá sản, bán thanh lý máy móc

Việc Bộ Công thương Ấn Độ ra Thông báo số 15/2015 - 2020 điều chỉnh chính sách nhập khẩu đối với mặt hàng hương nhang (Thông báo 15), chuyển từ trạng thái “tự do nhập khẩu” sang “hạn chế nhập khẩu” từ ngày 31.8 và có hiệu lực ngay lập tức, không có độ trễ, đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu hương nhang “rất bất ngờ và sốc” - Giám đốc Công ty TNHH Ánh Hồng Chu Thị Nguyệt thừa nhận.

Bà Nguyệt cho biết thêm, trước đây, mỗi tháng, doanh nghiệp này xuất khẩu khoảng 28 - 35 container hương nhang sang Ấn Độ, tương đương 800 - 900 tấn với giá trị khoảng 1 triệu USD (23 tỷ đồng). Tuy nhiên, ngay sau ngày 31.8, khi có Thông báo 15, toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp đã phải ngưng trệ và “chưa biết đến khi nào mới quay trở lại hoạt động”.

Nhìn vào báo cáo sổ sách, bà Nguyệt trầm ngâm: Hiện doanh nghiệp tồn kho 25 container hương nhang thành phẩm và khoảng 1.000 tấn nguyên liệu gồm keo, mùn cưa, than vụn để sản xuất hương, với tổng số tiền khoảng 1 triệu  USD. Chưa kể, 3 container hàng xuất khẩu đang trên tàu đến Ấn Độ và nguy cơ không thể thông quan theo Thông báo 15. Đặc biệt, để mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp này vừa đầu tư 30 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà xưởng diện tích 2ha. “Suốt 17 năm làm nghề xuất khẩu hương nhang sang Ấn Độ, chưa bao giờ tôi rơi vào tình cảnh như bây giờ. Hiện tất cả tiền xây dựng nhà xưởng lẫn tiền tồn kho hàng lên tới trên dưới 60 tỷ đồng. Nếu không sớm thông quan, hàng tồn kho không xuất đi được, chúng tôi biết lấy gì để trả lãi ngân hàng? Nguy cơ phá sản rất lớn vì doanh nghiệp chỉ sản xuất hương nhang xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ và không có thị trường thay thế”, bà Nguyệt ngao ngán.

Cùng chung hoàn cảnh, bà Vũ Thị Hường, Giám đốc Công ty TNHH Hà Triều, Bình Dương cho hay, trước đây mỗi tháng doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 12 container hương nhang sang Ấn Độ với giá trị khoảng 6 tỷ đồng thì từ đầu tháng 9 đến nay, doanh nghiệp này cùng khoảng 20 xưởng nhỏ nằm trong các hộ gia đình ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu đều đã ngưng sản xuất. Ước tính, lượng hương nhang thành phẩm cùng nguyên liệu tồn kho khoảng 4 tỷ đồng.


 Doanh nghiệp lao đao vì tồn kho hàng trăm tấn hương nhanh thành phẩm
Ảnh: H.Lan

Chỉ tay về phía hệ thống máy móc im lìm, bà Hường cho biết thêm, doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng để đầu tư máy móc, chuyển giao công nghệ, đào tạo, dạy nghề cho khoảng 800 lao động địa phương. Tất cả lao động này đều là người lớn tuổi, không thể xin việc trong các công ty, xí nghiệp, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Nay việc Ấn Độ ngưng nhập hàng hương nhang của Việt Nam khiến không chỉ doanh nghiệp lao đao, mà hàng trăm lao động này bị mất việc, mất thu nhập. “Chúng tôi không biết tương lai sẽ thế nào. Nếu 2 - 3 tháng tới mà việc xuất khẩu vẫn ngưng trệ, chúng tôi chỉ còn cách phải thanh lý máy móc hòng gỡ được đồng vốn nào hay đồng ấy”, bà Hường thở dài.

Đề xuất giãn thời gian thực hiện Thông báo 15

Theo ông Trịnh Hữu Việt, Giám đốc Công ty CP sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu Hương Việt, 30 doanh nghiệp xuất khẩu hương nhang trong cả nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề vì Ấn Độ hạn chế nhập khẩu từ ngày 31.8. Cụ thể, chỉ tính riêng trong tháng 9, cả nước có khoảng 10.000 tấn hàng ngừng xuất khẩu với tổng số tiền thiệt hại khoảng 7 - 10 triệu USD. Thêm vào đó, các doanh nghiệp sẽ phải trả phí lưu kho bãi do nhiều container nằm lưu cảng và một số đơn vị nhận thông tin chậm, tàu đã đi và hàng đang trên biển. Ngoài ra, tất cả khoản nợ vay vốn lưu động đến hạn phải có nguồn tiền trả nợ, song do không xuất được hàng khiến doanh nghiệp gặp khó trong quay vòng vốn lưu động. Đặc biệt, do Thông báo 15 có hiệu lực ngay lập tức, không có độ trễ, khiến nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay, không thu xếp được nguồn tiền trả lương cho công nhân khiến công nhân kéo đến xưởng liên tục nhằm gây áp lực với lãnh đạo doanh nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ về mất an ninh trật tự.


Không xuất được hương nhang, xưởng sản xuất tăm hương cũng phải đóng cửa
Ảnh: H.Lan

Từ thực tế hiện nay, đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu hương nhang kiến nghị Chính phủ tìm mọi cách tháo gỡ cho người dân, doanh nghiệp để giãn thời gian thực hiện Thông báo 15 và bảo hộ sản xuất trong nước, bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể, Chính phủ cần đàm phán để phía Ấn Độ mở cửa trở lại, cho phép doanh nghiệp được xuất đi lượng hàng tồn kho. Đồng thời, cho phép các container trên biển thông quan do khi Thông báo 15 ban hành sát dịp ở Việt Nam nghỉ lễ Quốc khánh 2.9, việc tiếp nhận thông tin chậm nên hàng đã lên tàu và rời đi.

Về lâu dài, các doanh nghiệp này kiến nghị, Chính phủ nên có phương hướng bảo hộ nền sản xuất trong nước vì ngành sản xuất hương nhang liên quan hàng triệu hộ gia đình, giải quyết bài toán vùng nông nghiệp, vùng dân tộc thiểu số, bằng cách có biện pháp hạn chế xuất khẩu máy sản xuất hương cũng như nguyên liệu thô như tăm, keo, bột sang Ấn Độ. Chỉ khi đó mới bảo đảm ổn định cung cầu và công ăn việc làm cho nông dân. 

Đan Thanh