Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1

Nếu không có cơ chế đặc biệt sẽ chậm tiến độ

- Thứ Ba, 15/10/2019, 08:00 - Chia sẻ
Do quy mô, tính chất đặc biệt nên trong mỗi giai đoạn đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chính phủ đều phải trình QH thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi trước khi quyết định đầu tư. Thẩm tra báo cáo này tại Phiên họp toàn thể thứ 13 của Ủy ban Kinh tế, nhiều đại biểu cho rằng, do giai đoạn 1 có vai trò quan trọng trong thực hiện với mỗi dự án, nên có lẽ những cơ chế đặc biệt cần áp dụng trong xây dựng cảng hàng không phải được đưa ra, kịp thời trình QH quyết định, nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tế.

Có nên chỉ định thầu?

Việc giao cho ACV đầu tư, khai thác dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 hoàn toàn phù hợp cả về khía cạnh quản lý Nhà nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế, an ninh - quốc phòng… Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ hơn về năng lực thực hiện của doanh nghiệp, đặc biệt là dự báo những khó khăn, vướng mắc, hạn chế và phương án tháo gỡ cho ACV khi ngồi vào ghế này. Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án này không đầy đủ, các anh “chỉ đánh xuôi, không đánh ngược”. Sau này, khi ACV gặp khó khăn, các cơ quan quản lý Nhà nước có giúp tháo gỡ kịp thời hay để doanh nghiệp tự bươn chải, ngập lụt trong khó khăn. 

Phó trưởng Ban Dân nguyện
Lưu Bình Nhưỡng

Theo Tờ trình của Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, trong giai đoạn này sẽ thực hiện đầu tư 4 hạng mục. Trong đó, có các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước (hạng mục 1); các công trình phục vụ quản lý bay (hạng mục 2); các công trình thiết yếu của cảng hàng không (hạng mục 3); và các công trình dịch vụ (hạng mục 4). Tờ trình của Chính phủ đề xuất, các hạng mục 1 và 3 được giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư; hạng mục thứ 2 giao Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư. Các hạng mục này đều đầu tư trực tiếp bằng vốn của doanh nghiệp được giao thực hiện, riêng hạng mục 4 do ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư theo quy định hiện hành.

Lý giải cụ thể về đề xuất này, theo báo cáo thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ Giao thông - Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã thống nhất phương án giao ACV là nhà đầu tư, khai thác cảng trên cơ sở đánh giá tương đối toàn diện cơ sở pháp lý, ưu nhược điểm của phương án, cũng như năng lực của doanh nghiệp trong triển khai xây dựng, khai thác cảng hàng không thời gian qua. Ngoài ra, với việc giao ACV đầu tư, khai thác cảng cũng có thể sử dụng phần vốn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong ngành hàng không.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đấu thầu, các hạng mục này đều phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện. Do vậy, Chính phủ báo cáo và đề xuất QH xem xét thông qua việc giao ACV đầu tư, khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Đối chiếu với quy định liên quan của Luật Đấu thầu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh băn khoăn, khoản 4, Điều 22 đã quy định rõ được áp dụng chỉ định thầu đối với nhà đầu tư khi họ đề xuất dự án đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án khả thi và hiệu quả cao nhất theo quy định của Chính phủ. Vậy có cần thiết đưa ra vấn đề chỉ định thầu để trình QH xem xét, thông qua?

Bàn về cơ sở pháp lý của đề xuất này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang lưu ý, tại điểm e, khoản 2, Điều 22, Luật Đấu thầu quy định chỉ được chỉ định thầu với gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, gói thầu có giá gói thầu trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Theo quy định hiện hành, những gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công được thực hiện  chỉ định thầu đều có giá trị nhỏ, nằm trong khoảng 1 tỷ đồng. Vốn đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 lên đến 111.689 tỷ đồng, nên không thể thực hiện chỉ định thầu với các hạng mục được đưa ra.


Tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được khắc phục khi hoàn thành giai đoạn I Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Nguồn: ITN

Chưa bàn đến cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện

Bên cạnh việc cần thực hiện chỉ định thầu đầu tư dự án này, Tờ trình của Chính phủ cũng đưa ra ba đề nghị khác gồm: Điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 từ 1.165ha lên khoảng 1.810ha; điều chỉnh 1.050ha đất dành cho quốc phòng thành 570ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480ha đất dùng chung cho quốc phòng và dân dụng; bổ sung hai tuyến đường bộ kết nối số 01 và 02 vào dự án này để đầu tư theo quy mô phân kỳ đầu tư.

Các đại biểu tham dự phiên họp thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đều tán thành với những đề nghị của Chính phủ. Thậm chí, không chỉ dừng lại với các cơ chế này, do đi cùng với quá trình QH xem xét thông qua Nghị quyết số 94/2015 thông qua chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, cần rà soát, nghiên cứu xác định toàn bộ các cơ chế, chính sách cần áp dụng cho dự án này. Bởi trong khoản 5, Điều 19, Luật Đầu tư công đã quy định rõ, tại nghị quyết của QH thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư đối với chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia sẽ bao gồm: mục tiêu, quy mô, tổng vốn đầu tư, công nghệ chính, địa điểm, thời gian, tiến độ thực hiện, cơ chế và giải pháp, chính sách thực hiện.

“Chính phủ cần nói rõ để dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 hoàn thành đúng thời hạn đề ra cần tháo gỡ những vướng mắc nào về mặt chính sách, pháp luật. Nếu không ghi cơ chế đặc thù trong nghị quyết này, các bộ sẽ tuân thủ luật hiện hành, không thể trách họ được. Vấn đề này tôi thiết tha đề nghị Chính phủ và QH nghiên cứu” - ông Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

Theo một Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành gửi đến Ủy ban Kinh tế thẩm tra nặng 250kg. Con số này cho thấy sự nghiêm túc, trách nhiệm cao của cơ quan chức năng trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhưng điều các thành viên Ủy ban Kinh tế mong muốn hơn cả là những cơ chế, chính sách, giải pháp nào cần được áp dụng cho triển khai đầu tư dự án này có vẻ chưa được đề cập chi tiết. Điều này đòi hỏi phải có sự đầu tư thêm của cơ quan chức năng trong hoàn thiện hồ sơ dự án.

Thanh Hải