Xây dựng Nông thôn mới ở Hà Nội

Nét đẹp những làng quê kiểu mẫu

- Thứ Ba, 30/06/2020, 05:33 - Chia sẻ
Với mục tiêu nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, huyện Thanh Oai đã tiên phong triển khai xây dựng mô hình điểm “Làng văn hóa kiểu mẫu” (LVHKM). Đến nay, Thanh Oai đã có 2 làng được công nhận danh hiệu LVHKM. Kết quả này sẽ là cơ sở để huyện nhân rộng mô hình trên toàn địa bàn, cũng là động lực để các địa phương khác học tập góp phần xây dựng thêm những miền quê đáng sống ở Thủ đô.

Xứng đáng là “Làng văn hóa kiểu mẫu”

Từ cuối năm 2017, huyện Thanh Oai đã ban hành Kế hoạch xây dựng LVHKM. Huyện đã chọn 4 thôn, tổ dân phố tiêu biểu làm điểm. Đó là: Thôn Minh Kha (xã Bình Minh), thôn Hưng Giáo (xã Tam Hưng), thôn Thị Nguyên (xã Cao Dương), tổ dân phố Kim Bài (thị trấn Kim Bài). Những đơn vị này đều là điển hình về xây dựng đời sống văn hóa, có đời sống kinh tế ổn định và nhiều năm giữ vững danh hiệu làng văn hóa. Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Trần Văn Lợi, huyện xác định, mô hình LVHKM sẽ là nơi làm điểm để các địa phương khác tham quan, học tập, rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện.

Một góc thôn Thị Nguyên, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai.
Ảnh: Tường Vi

Đánh giá về mô hình LVHKM của huyện Thanh Oai, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết: Mô hình mới trong xây dựng đời sống văn hóa này cho thấy những chuyển động tích cực trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở. Điều này mang đến những thay đổi tích cực trong quan niệm, thái độ, trách nhiệm về xây dựng đời sống văn hóa của các địa phương. Từ đó, tạo sức lan tỏa mô hình ra các địa phương khác trên toàn thành phố, đúng với Kế hoạch 205/KH-UBND của UBND thành phố về nâng cao chất lượng xây dựng mô hình “Gia đình văn hóa”, “Làng văn  hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 vừa được ban hành.

Theo đó, mô hình này phải đáp ứng các tiêu chí cao hơn so với việc công nhận Làng văn hóa của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Chẳng hạn như: Đời sống kinh tế ổn định, tăng trưởng bền vững; đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; có cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong đó, nhiều tiêu chí đã được lượng hóa, bổ sung, nâng chỉ tiêu so với việc xây dựng mô hình ở giai đoạn trước, như: 100% đường làng được đổ bê tông, trải nhựa hoặc lát gạch; 100% nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, các điểm tập trung đông người niêm yết công khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội; có ít nhất 2 bãi đỗ xe tĩnh, 2 tuyến đường hoa dài 200 - 500m, 1 bãi tập kết vật kiệu xây dựng…

Đến nay, huyện Thanh Oai đã có 2 thôn được công nhận danh hiệu LVHKM là thôn Minh Kha (xã Bình Minh) và thôn Hưng Giáo (xã Tam Hưng). Đến các thôn làng này có thể dễ dàng nhận thấy thay đổi tích cực đang diễn ra. Ðường làng, ngõ xóm đều được bê tông hóa, duy trì đường hoa, cây xanh; hồ nước được cải tạo; có đoạn đường tự quản của các đoàn thể; bãi tập kết rác thải quy hoạch hợp lý; người dân hình thành thói quen đổ rác hằng ngày, vệ sinh đường làng, ngõ xóm hằng tuần… góp phần bảo vệ môi trường, tô đẹp cảnh quan sạch đẹp nơi mình sinh sống.

Tại LVHKM Hưng Giáo, đường làng được bê tông hóa, không còn cống rãnh lộ thiên; các hộ dân thực hiện việc cưới, việc tang văn minh theo nếp sống mới và duy trì tốt thói quen vệ sinh công cộng hằng tuần. Đặc biệt, đã xây dựng được một số mô hình chuyển đổi sản xuất hiệu quả, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Hiện nay, mức thu nhập bình quân của thôn Hưng Giáo đã đạt trên 45 triệu đồng/người/năm. Ông Bùi Đức Trạch phấn khởi chia sẻ: “Sau khi thực hiện xây dựng LVHKM, ý thức cộng đồng của người dân được nâng lên, từ việc giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm đến tuân thủ nội quy, quy ước của làng. Chúng tôi đã bước đầu làm quen với việc phân loại rác và duy trì đường hoa để góp phần bảo vệ môi trường và tô đẹp cảnh quan nơi mình sống”.

Còn ở Minh Kha, diện mạo một “Làng Việt cổ” hiện lên cũng rất ấn tượng. Bên cạnh cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, hiện đại, làng Minh Kha vẫn còn lưu giữ được những nét cổ xưa với các di tích lịch sử như: Đền Bà, đình Làng, chùa Thanh Quả, miếu Bà Chúa Chợ… Đây chính là niềm tự hào, cũng là nền tảng văn hóa để người dân xây dựng thành công LVHKM. Ngoài những nét phong phú, đặc sắc trong văn hóa tinh thần, đời sống kinh tế của người dân Minh Kha cũng có nhiều khởi sắc. Ngoài sản xuất nông nghiệp, Nhân dân còn phát triển các nghề phụ và dịch vụ buôn bán, kinh doanh khác. Đến nay, 95% hộ dân Minh Kha có mức sống trên trung bình, thu nhập bình quân ngày càng cao; đường làng cơ bản được bê tông hóa hoặc lát gạch, cùng với đó sẽ được tô điểm bởi những vạt hoa, cây xanh hay tranh bích họa... Nhờ bức tranh quê yên bình đan xen giữa nét cổ kính và hiện đại, những người con xa quê khi trở về Minh Kha luôn mang trong mình cảm giác lưu luyến không muốn rời.

Lan tỏa mô hình, nâng cao nền văn hóa

Trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trần Văn Lợi cho biết: Quá trình triển khai xây dựng LVHKM, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cơ sở thực hiện các tiêu chí theo lộ trình, bước đi cụ thể. Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện cũng đã nhiều lần xuống các thôn, tổ dân phố kịp thời chỉ đạo thực hiện. Ngoài ra, hỗ trợ phong trào phát triển, huyện bố trí quỹ đất công để các thôn khai thác làm sân chơi, điểm sinh hoạt văn hóa; hỗ trợ mỗi thôn, tổ dân phố 250 triệu đồng đầu tư các công trình hạ tầng. Với những chỉ đạo quyết liệt của đội ngũ lãnh đạo cùng sự nỗ lực của người dân, đến nay Thanh Oai đã có 2 LVHKM được nhiều địa phương khác học tập. Đó chính là tín hiệu tốt để huyện tiếp tục nhân rộng mô hình trong những năm tiếp theo.

Hiện nay, thôn Thị Nguyên (xã Cao Dương) và tổ dân phố Kim Bài (thị trấn Kim Bài) của huyện đang tiếp tục phấn đấu hoàn thành xây dựng LVHKM trong năm 2020. Đến nay, nếu ai đã có dịp ghé qua Thị Nguyên, chắc chắn đều ấn tượng với những ngôi nhà kiểu dáng biệt thự hài hòa trong các vườn cây rợp bóng mát. Đường làng, ngõ xóm rộng rãi, sạch sẽ, hai bên là những hàng cây xanh tốt. Những bức tường, hàng rào phủ đầy hoa, khoe sắc bốn mùa và những ao cá nhỏ được người dân kè bờ kiên cố, vừa làm chỗ câu cá, vừa tạo cảnh quan môi trường. Từ nguồn đóng góp của Nhân dân, thôn Thị Nguyên đã mở rộng các góc cua đường chật, tạo các tuyến đường hoa, cây xanh, xây dựng cổng làng và tổ chức lắp đặt biển số nhà. Đặc biệt, thôn đã quy hoạch 2 điểm đỗ xe tĩnh, 2 điểm tập kết vật liệu xây dựng và 1 điểm tập kết rác - việc này không phải địa phương nào cũng làm được. Đó cũng là những công việc tổ dân phố Kim Bài cũng đang tích cực thực hiện để đạt danh hiệu LVHKM trong năm 2020.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Huy Diệp khẳng định, việc lựa chọn xây dựng mô hình LVHKM là bước đột phá trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện, nhằm kích thích, lan tỏa phong trào, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ thôn Thị Nguyên và tổ dân phố Kim Bài thực hiện các tiêu chí để hoàn thành mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, huyện cũng rà soát, khuyến khích các địa phương tham gia xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu để tạo sự lan tỏa, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đào Cảnh