Thể chế chính trị Australia

Nét Anh, Mỹ trong hệ thống chính trị Australia

- Chủ Nhật, 16/02/2020, 08:16 - Chia sẻ
Hệ thống chính trị Australia với sự tồn tại của Nữ hoàng, toàn quyền và một Nghị viện lưỡng viện theo mô hình Westminster, nhưng lại có nhiều nét bị ảnh hưởng bởi mô hình Mỹ.

Hình thái nhà nước theo mô hình Westminster

Về hình thái nhà nước, giống ở Anh, chính thể Australia theo Quân chủ lập hiến. Nghị viện gồm: Nữ hoàng (đại diện bởi Toàn quyền), Thượng viện và Hạ viện. Toàn quyền do Nữ hoàng bổ nhiệm là đại diện của Nữ hoàng tại các nước thuộc Khối thịnh vượng chung, có quyền hạn theo lệnh của Nữ hoàng, trong giới hạn quyền năng Hiến pháp trao cho Nữ hoàng. Tuy nhiên, vai trò của Toàn quyền chỉ mang tính hình thức, mà thực quyền nằm trong tay Thủ tướng chính phủ.

Bên cạnh đó, cơ chế thành lập Chính phủ là các thành viên của đảng chiếm đa số trong Nghị viện cũng là một đặc trưng của mô hình Westminster khi nhánh hành pháp và lập pháp không tách bạch như chính thể tổng thống của Mỹ. Tuy nhiên, việc Thượng viện đại diện cho các bang và vùng lãnh thổ trong khi Hạ viện đại diện cho các đơn vị bầu cử được chia theo số dân. Cơ cấu này được cho là mô phỏng theo Quốc hội Mỹ.

Thượng viện Australia gồm 76 thượng nghị sĩ, mỗi bang được bầu 12 người và 2 người cho mỗi vùng lãnh thổ (vùng lãnh thổ phương Bắc và vùng lãnh thổ thủ đô) bất kể quy mô dân số của các bang hay vùng lãnh thổ. Các thượng nghị sĩ các bang có nhiệm kỳ 6 năm. Trước năm 1949, mỗi bang chỉ bầu 6 thượng nghị sĩ. Tăng lên 10 người trong cuộc bầu cử năm 1949 và sau đó là 12 (số hiện tại) kể từ năm 1984.

Hạ viện Australia hiện có 151 nghị sĩ, được bầu theo hình thức mỗi đại biểu đại diện cho một khu vực bầu cử, được phân bổ cho các bang dựa theo dân số, với mỗi bang được bảo đảm tối thiểu 5 ghế trong Hạ viện.

Hiến pháp không quy định con số lượng hạ nghị sĩ cụ thể. Tuy nhiên, Hiến pháp cũng lưu ý rằng, số lượng hạ nghị sĩ phải gần như gấp đôi số lượng thượng nghị sĩ. Hiến pháp cũng không quy định sự đại diện bắt buộc của các vùng lãnh thổ trong Hạ viện mà điều này sẽ do Nghị viện tự quyết định. Chẳng hạn năm 1922, Nghị viện trao cho Vùng lãnh phương Bắc 1 ghế tại Hạ viện và năm 1948 trao thêm cho Vùng lãnh thổ thủ đô 1 ghế. Những nghị sĩ này có quyền bỏ phiếu hạn chế cho đến năm 1968.

Trong khoảng năm 1901 - 1949, Hạ viện chỉ có khoảng 74 - 75 nghị sĩ. Từ năm 1949-1984, con số dao động trong khoảng 121 - 127 hạ nghị sĩ. Vào năm 1977, Tòa án Tối cao đã ra sắc lệnh giảm số hạ nghị sĩ từ 127 xuống còn 124 để bảo đảm quy tắc “gấp đôi” số thượng nghị sĩ. Năm 1984, cả Thượng viện và Hạ viện đều tăng số thành viên của mình và từ đó, số hạ nghị sĩ dao động trong khoảng từ 148 - 151 người.

Bầu cử lưỡng viện theo thông lệ được tiến hành 3 năm một lần, trong đó mỗi lần chỉ bầu lại một nửa số thượng nghị sĩ từ các bang, còn thượng nghị sĩ từ các lãnh thổ không có nhiệm kỳ cố định mà phụ thuộc vào vòng bầu cử hạ nghị viện; do đó chỉ có 40/76 ghế tại Thượng viện được bầu trong các cuộc bỏ phiếu.

Người nước ngoài không được quyền có ghế trong cả hai viện lập pháp. Điều 44 của Hiến pháp nghiêm cấm các thành viên Nghị viện có bất kỳ mối quan hệ nào với nước ngoài. Tòa án Tối cao khẳng định, tất cả những người có quốc tịch Anh đều được coi là “nước ngoài” mặc dù vào thời điểm Hiến pháp được thông qua, mọi công dân Australia đều có nguồn gốc từ Anh.

Toàn quyền Australia chỉ định các bộ trưởng trong số các nghị sĩ thuộc đảng hoặc liên minh cầm quyền tại Hạ viện và lãnh đạo của đảng đó sẽ được chỉ định làm Thủ tướng, một đặc tính của hệ thống Westminster.

Các bộ trưởng hợp thành Nội các. Nội các họp kín bàn về các vấn đề trọng đại của đất nước mỗi tuần một lần. Nội các không phải là cơ quan Hiến định, mà như một cơ quan hoạt động của Hội đồng Hành pháp liên bang, cơ quan Chính phủ cao nhất của Australia. Trên thực tế, Hội đồng Hành pháp liên bang chỉ tiến hành họp để hợp pháp hóa những quyết định mà Nội các đã đưa ra.

Một bộ trưởng không nhất thiết phải là thượng nghị sĩ hoặc hạ nghị sĩ vào thời điểm được bổ nhiệm, tuy nhiên, trong vòng 3 tháng kể từ khi bổ nhiệm, nếu bộ trưởng đó không được bầu vào một trong hai Viện thì sẽ bị mất ghế. Điều khoản này (Điều 64) được đưa vào Hiến pháp để hợp thức hóa vị trí của cựu Thủ tướng Edmund Barton. Ông Barton được bổ nhiệm làm Thủ tướng vào ngày 1.1.1901 nhưng phải đợi đến ngày 29 - 30.3, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của Australia mới diễn ra. Hoặc một trường hợp khác là sau cuộc bầu cử năm 1949, Bill Spooner được bổ nhiệm giữ ghế Bộ trưởng trong Chính phủ của Thủ tướng Fourth Menzies vào ngày 19.12. Tuy nhiên, nhiệm kỳ thượng nghị sĩ của ông phải đợi đến ngày 22.2.1950 mới chính thức bắt đầu.

Chế độ liên bang và phân quyền kiểu Mỹ

Theo kiểu Mỹ, hình thái nhà nước theo cấu trúc, áp dụng chế độ liên bang - phân quyền - quyền lập pháp và hành pháp phân cho các tiểu bang. Nhà nước địa phương tổ chức theo đơn vị hành chính gọi là tổ chức tản quyền; còn tổ chức nhà nước địa phương theo tiểu bang, gọi là hình thức phân quyền, nghĩa là nhà nước trung ương chỉ thực hiện quyền giám sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước địa phương, còn thẩm quyền của vùng lãnh thổ (đơn vị cấp thành phố, cấp quận…) do pháp luật của các tiểu bang quy định.

Như đã nói, theo hình thức cấu trúc nhà nước liên bang, Australia gồm 6 tiểu bang và 2 vùng lãnh thổ. Tổ chức chính quyền địa phương của Australia gồm 2 cấp: Tiểu bang và cơ sở. Ở cấp tiểu bang, cơ cấu tổ chức quyền lực gần như bản sao chép hệ thống quyền lực nhà nước trung ương. Hội đồng Lập pháp (nghị viện) là cơ quan quyền lực cao nhất ở bang, đứng đầu là Thống đốc bang, có chức năng xem xét, soạn thảo và thông qua các đạo luật liên quan đến tiểu bang, cử ra thủ hiến bang. Hội đồng gồm 2 Viện: Thượng viện và Hạ viện. Các đại biểu của hội đồng do dân bầu cử trực tiếp, nhiệm kỳ 3 năm (đối với Hạ viện), 4 năm đối với Thượng viện.

Cơ quan hành pháp gồm thống đốc bang và thủ hiến bang. Ở Australia thống đốc bang vừa là người đứng đầu Hội đồng Lập pháp, vừa là người đứng đầu cơ quan hành pháp. Thống đốc bang (về danh nghĩa) là người có quyền cao nhất ở tiểu bang. Tuy nhiên, như Toàn quyền, các quyền của Thống đốc chỉ trở thành hiệu lực khi nhận được sự khuyến cáo thủ hiến bang và các bộ trưởng, cũng như sự chấp thuận của Hội đồng Lập pháp. Thủ hiến bang là người đứng đầu Chính phủ và nội các chính phủ, do Hội đồng Lập pháp cử ra.

Một “nét Mỹ” khác trong hệ thống chính trị của Australia là sự tồn tại của một Thượng viện mạnh. Không giống như Thượng viện tại các nước Thịnh vượng chung vốn chỉ tồn tại cho có, Thượng viện Australia có vai trò rất lớn trong làm luật và giám sát. Đặc biệt, cơ quan giám sát có hiệu quả nhất trong hệ thống chính trị của Australia chính là các Thượng viện (Thượng viện quốc gia và Thượng viện các bang). Thực tế, theo hệ thống bầu cử của Australia, các cử tri Australia có xu hướng bầu cho thành viên các đảng nhỏ vào Thượng viện và các đảng lớn vào Hạ viện. Điều này dẫn đến việc đảng cầm quyền không phải lúc nào cũng là đảng chiếm đa số tại Thượng viện. Do đó, Thượng viện có thể thực hiện vai trò như là Viện giám sát.

Quỳnh Vũ