Nên yêu cầu doanh nghiệp ghi nhãn dinh dưỡng

- Thứ Sáu, 08/11/2019, 08:14 - Chia sẻ
Hiện nay, việc ghi nhãn dinh dưỡng chưa phải hoạt động bắt buộc với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống không cồn. Vì vậy, cần phải xây dựng một lộ trình ghi nhãn dinh dưỡng bắt buộc để người tiêu dùng đưa ra lựa chọn tốt hơn cho sức khỏe, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trương Đình Bắc đề xuất trong một hội thảo gần đây tại Hà Nội.

Chưa có quy định về ghi nhãn dinh dưỡng

Theo Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trương Đình Bắc, hiện nay đã có một số quy định liên quan đến việc ghi nhãn thực phẩm như Nghị định 100/2014/NĐ-CP về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; Nghị định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa; Nghị định 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm…

Thêm nữa, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 chỉ rõ tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm tại Việt Nam phải thực hiện việc ghi nhãn thực phẩm theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.


Ghi nhãn dinh dưỡng phải thực hiện với tất cả các sản phẩm đóng gói

Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa có quy định về ghi nhãn dinh dưỡng. Theo đó, các quy định về ghi nhãn hàng hóa chỉ bắt buộc một số thông tin như tên sản phẩm, xuất xứ, hạn sử dụng…; trong khi thông tin dinh dưỡng như giá trị năng lượng, hàm lượng protein, chất béo, đường, muối lại chưa bắt buộc. Hiện cũng chưa có quy định bắt buộc ghi các tiêu chuẩn liên quan đến môi trường thực phẩm lành mạnh như một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore…

Theo một kết quả điều tra về thực trạng ghi nhãn dinh dưỡng gần đây, TS. Phạm Bích Diệp (Trường Đại học Y Hà Nội) cho biết nhu cầu tìm hiểu thông tin về sản phẩm của người tiêu dùng là rất lớn. Theo đó, đại đa số khách hàng có thói quen tìm hiểu trước khi mua hàng (chiếm 40,7%) và đa số đều đọc các chỉ số dinh dưỡng khi mua hàng (chiếm 63,1%). 

Mặc dù vậy, các thông tin cảnh báo bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng (khuyến nghị thành phần dị ứng, khuyến nghị ai nên dùng) chỉ ở mức dưới 11%. Tỷ lệ sản phẩm không có thông tin về nhãn dinh dưỡng theo ngành thực phẩm và đồ uống không cồn chiếm tới 40%.

Lý giải nguyên nhân này, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trương Đình Bắc cho rằng, việc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia vẫn là tự nguyện, dẫn tới việc ghi nhãn dinh dưỡng chưa phải là hoạt động bắt buộc đối với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống không cồn.

Phải có lộ trình hợp lý

Theo Giám đốc chương trình khoa học khu vực Đông Nam Á (Viện Khoa học đời sống quốc tế) Pauline Chan, nhãn dinh dưỡng là một nguồn thông tin quan trọng giúp khách hàng theo dõi lượng chất nạp vào cơ thể như lượng chất béo, natri, chất xơ, protein, cacbonhydrate… Cung cấp thông tin trên nhãn sẽ giúp người dùng đưa ra đánh giá đầy đủ thông tin về giá trị tổng thể sản phẩm, từ đó góp phần phòng tránh một số bệnh không lây nhiễm (béo phì, tăng huyết áp, tim mạch…) đang có xu hướng trẻ hóa và gia tăng nhanh chóng.

Tuy nhiên, bà Pauline Chan cũng cho rằng, ghi nhãn dinh dưỡng tùy thuộc phần lớn vào quy mô doanh nghiệp. Những công ty có quy mô địa phương thì không ghi nhãn dinh dưỡng; công ty quy mô quốc gia ghi nhãn dinh dưỡng trên một số sản phẩm; còn công ty quy mô quốc tế ghi nhãn dinh dưỡng trên 100% sản phẩm. Vậy thách thức đặt ra đối với Việt Nam là phải có một chính sách hợp lý sao cho đồng bộ và dàn đều sự bắt buộc ghi nhãn này đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Nguyễn Huy Hoàng cho rằng đối với các công ty quy mô nhỏ, nếu bắt buộc ghi nhãn dinh dưỡng trên sản phẩm, doanh nghiệp sẽ phải chi trả thêm một khoản chi phí đáng kể cho việc thay đổi mẫu mã, chi phí kiểm tra các chỉ số dinh dưỡng hay máy móc kiểm định sản phẩm sau khi sản xuất. Ngoài ra, quy định về ghi nhãn nếu không rõ sẽ gây khó cho doanh nghiệp trong khâu thực hiện.

Vì vậy, theo ông Hoàng, cần phải có lộ trình thực hiện bắt buộc ghi nhãn dinh dưỡng ít nhất là 2 năm để doanh nghiệp có đủ thời gian tiêu thụ hết nhãn mác đã in ấn; có thời gian để tìm hiểu và chuẩn bị các cơ sở kỹ thuật, trang thiết bị. Quy định về ghi nhãn dinh dưỡng cũng phải rõ ràng và có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp thực hiện sao cho phù hợp.

Ghi nhãn dinh dưỡng hiện vẫn còn phụ thuộc vào sự tự nguyện của nhà sản xuất, vì vậy bước đầu chỉ nên đề xuất ghi các thông tin dinh dưỡng cơ bản như đường, muối, chất béo, transfat, carbonhydrat… Bên cạnh đó cần đẩy mạnh xây dựng tiêu chí thực phẩm lành mạnh; quy định hạn chế cung cấp thực phẩm nhiều muối, đường trong trường học, bệnh viện, công sở; ghi nhãn dinh dưỡng phải thực hiện với tất cả các sản phẩm đóng gói, nguyên Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh Đỗ Thị Ngọc Diệp đề xuất.

Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trương Đình Bắc cũng khuyến nghị Việt Nam nên tham khảo các quy định ghi nhãn dinh dưỡng quốc tế để từ đó áp dụng thực hiện trong nước. Tiêu chuẩn hóa quốc gia phải hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế để cho phép sản phẩm tự do vận chuyển giữa các khu vực, giúp mở cửa thị trường và đem lại cơ hội mới cho ngành công nghiệp thực phẩm. 

Bên cạnh đó, ông Bắc cũng cho rằng hình thức ghi thông tin dinh dưỡng phải được ghi theo khẩu phần hoặc theo cách đóng gói; ghi sao cho người dân dễ hiểu và có thể tính toán dễ dàng lượng tiêu thụ khi sử dụng, từ đó chọn lựa được thực phẩm tốt cho sức khỏe của mình.

Thảo Anh