Nên thu hút các nguồn lực khác, tránh gây áp lực cho Nhà nước

- Thứ Bảy, 27/10/2018, 15:43 - Chia sẻ
Kết quả đạt được trong phát triển KT-XH thời gian qua rất tích cực so với kế hoạch đề ra. Đã có sự cải thiện đáng kể về chất lượng tăng trưởng, không tăng trưởng bằng mọi giá, mà trên nền tảng điều hành kinh tế vĩ mô ổn định, cải thiện môi trường kinh doanh.

Về năng suất lao động, tôi nhận thức rằng, dù để đạt năng suất lao động 5,6% là sự cố gắng lớn của Chính phủ thời gian qua, song vẫn thấp hơn tăng trưởng GDP, tăng lương thực tế. Do vậy, đề nghị, QH và Chính phủ nghiên cứu triển khai quyết liệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động, trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, cải thiện quản trị nhà nước, quản trị doanh nghiệp, đào tạo nghề, đào tạo đội ngũ doanh nhân, để nâng cao năng suất lao động xã hội, trước mắt phải đạt 6%, tương đương với tăng trưởng GDP.   

Báo cáo của Chính phủ đánh giá, một trong ba đột phá chiến lược là đầu tư kết cấu hạ tầng đã được quan tâm thực hiện, đã đầu tư một số công trình quan trọng… Đầu tư hạ tầng là nơi sử dụng nguồn vốn rất lớn, nhưng để chậm tiến độ, kéo dài sẽ gây lãng phí lớn, đọng vốn, tăng lãi vay, phát sinh chi phí vay, đồng thời chậm phát huy vai trò tạo động lực cho phát triển kinh tế. Nhiều dự án hạ tầng là nền tảng cho phát triển của Việt Nam hiện nay, cũng như bảo đảm phát triển ổn định, bền vững. Tôi đề nghị, trong thời gian tới, nhất là trong năm 2019, 2020 cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, đốc thúc triển khai quyết liệt, nhằm hướng tới một số định hướng.

Thứ nhất là xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, ví dụ với Cảng hàng không quốc tế Long Thành cần kết hợp hạ tầng là khu đô thị vệ tinh, nhằm cung cấp chỗ ở cho người lao động, dịch vụ.

ĐBQH Nguyễn Hoàng Anh (Cao Bằng) Ảnh: Quang Khánh

Thứ hai, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển hạ tầng trên cơ sở hoàn thiện thể chế về đối tác công - tư, khẩn trương rà soát các công trình đầu tư BOT, BT về giao thông để bảo đảm đầu tư hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính và chuyên môn.

Thứ ba, tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, các công trình quan trọng, có sức lan tỏa.

Về các giải pháp cần lưu ý, nên nghiên cứu thu hút các nguồn lực khác, để tránh gây áp lực cho nhà nước, đặc biệt nên xây dựng các trung tâm logistics đa năng kết nối các loại hình giao thông.

Sự liên kết kinh tế có tác động rất lớn đến phát triển, nhưng báo cáo của Chính phủ đề cập còn ít. Kinh nghiệm các nước, cũng như kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy, việc liên kết có vai trò quan trọng, giúp giảm chi phí, tránh xung đột lợi ích cục bộ, tăng hiệu quả, tăng sức mạnh tổng hợp, nhất là trong bối cảnh  cạnh tranh mạnh mẽ hiện nay, ngoài ra còn bảo đảm sự ổn định, bền vững trong phát triển.

Đề nghị định hướng thời gian tới cần rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến liên kết vùng, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả cơ chế; thúc đẩy liên kết vùng; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của từng vùng, từng dịa phương;  phát  huy mạnh mẽ vai trò của những vùng trọng điểm, vùng kinh tế lớn, thành phố lớn, đặc biệt ưu tiên liên kết, kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn với các địa phương vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, để tạo động lực tăng trưởng KT-XH, bảo đảm công bằng trong đầu tư giữa các vùng. Chú ý coi trọng liên kết có tính thị trường, dựa trên nhu cầu kết nối kinh doanh thực sự, trong đó doanh nghiệp là trung tâm liên kết, tránh liên kết giữa các chính quyền, hành chính, nặng tính hình thức.

Nguyễn Hoàng Anh
ĐBQH tỉnh Cao Bằng
Phương Thủy ghi