Nên thành lập Ủy ban Quốc gia điều phối về dân số

- Thứ Năm, 02/07/2020, 19:38 - Chia sẻ
Tại Hội thảo chuyên đề “Công tác dân số năm 2020” do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế tổ chức ngày 2.7 tại tỉnh Ninh Bình, các chuyên gia nhìn nhận, mặc dù đã đạt được một số kết quả trong 6 tháng đầu năm nhưng công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy trong thời gian tới, Tổng cục phải phối hợp với Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố kiện toàn tổ chức, bộ máy; tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Quốc gia điều phối về dân số, thực hiện tốt các chỉ tiêu về dân số được giao năm 2020 và giai đoạn 2016-2020…

Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn hạn chế

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Thị Ngọc Lan, công tác DS-KHHGD trong những năm qua đạt được nhiều thành tựu, mức sinh thay thế được duy trì liên tục trong 14 năm. Tỷ lệ tăng dân số bình quân trong giai đoạn 2009-2019 là 1,44%/năm. Tỷ suất chết trẻ em, tỷ số tử vong bà mẹ đều giảm; tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên, tỷ trọng người cao tuổi, người sống thọ của Việt Nam ngày càng tăng.

Nhìn nhận về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, mặc dù 6 tháng đầu năm, cả nước cũng như các cấp, các ngành tập trung phòng chống dịch Covid-19 cũng như thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhưng cũng đã rất cố gắng nỗ lực trong thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Kết quả cho thấy, một số chỉ tiêu cả nước đạt khá như sàng lọc trước sinh đạt 66% kế hoạch năm; số người mới sử dụng các biện pháp tránh thai đạt 88% kế hoạch năm; tỷ số giới tính khi sinh đạt 110,1 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Nhiều hoạt động trọng tâm về DS-KHHGĐ cũng được các địa phương triển khai. 

Tuy đã đạt được một số kết quả trong 6 tháng đầu năm nhưng công tác DS-KHHGĐ còn nhiều khó khăn, vướng mắc, hạn chế. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ ra: còn 6 tỉnh hiện nay chưa được cấp có thẩm quyền của tỉnh giao kế hoạch hoạt động và kinh phí; 10 tỉnh không được giao kinh phí dự án 8 (truyền thông và giám sát đánh giá). Số trẻ em sinh ra 6 tháng đầu năm tăng 1,9% so với cùng kỳ; tỷ số giới tính khi sinh vẫn còn ở mức cao; tỷ lệ tầm soát các bệnh, tật sơ sinh chỉ đạt 32% kế hoạch năm; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại dự kiến không đạt kế hoạch giao năm 2020. 

Ngoài ra, nguồn lực đầu tư cho công tác dân số ở các cấp đều bị cắt giảm nhiều; công tác tổ chức bộ máy ở địa phương, đặc biệt là mô hình tổ chức tuyến huyện, xã đang gặp nhiều khó khăn, bất cập. Còn 48 tỉnh, thành phố chưa trình UBND ban hành kế hoạch của tỉnh thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; 50 tỉnh, thành phố chưa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình truyền thông dân số đến năm 2030 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh. 

Toàn cảnh Hội thảo - Thảo Anh
Toàn cảnh Hội thảo - Thảo Anh

Quy định chức năng về dân số đối với Trung tâm y tế tuyến huyện

Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về DS-KHHGĐ năm 2020 cũng như cả giai đoạn 2016-2020 về công tác dân số, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGD Nguyễn Thị Ngọc Lan, Tổng cục sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan và tập trung mọi nguồn lực hoàn thành các đề án trong năm 2020 theo chương trình hành động của Chính phủ giao tại Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31.12.2017. Cụ thể gồm có 1 dự án luật, 6 đề án và 2 thông tư nhằm xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc cho việc đưa Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo chuyển biến căn bản trong công tác này trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Tổng cục DS-KHHGĐ cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, trình Chính phủ hoàn thiện, kiện toàn về tổ chức, bộ máy cán bộ làm công tác dân số, quy định chức năng nhiệm vụ về dân số đối với Trung tâm y tế đa chức năng tuyến huyện. Tham mưu xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Quốc gia điều phối về dân số và phát triển để điều phối liên ngành nhằm thực hiện hiệu quả công tác dân số trong tình hình mới. Thêm nữa, tập trung xây dựng và bảo vệ kế hoạch với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về hoạt động và kinh phí cho công tác dân số giai đoạn 2021-2025 trong bối cảnh thời gian tới không còn chương trình mục tiêu Y tế dân số như giai đoạn trước đây, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGD Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết thêm. 

Đối với Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, thứ nhất, đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác dân số vào báo cáo chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2021-2025. Thứ hai, các tỉnh, thành phố cần khẩn trương xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược Dân số đến năm 2030; Chương trình Truyền thông dân số đến năm 2030; Chương trình Điều chỉnh mức sinh giữa các vùng, đối tượng đến năm 2030. Thứ ba, tập trung xây dựng và bảo vệ kế hoạch, kinh phí cho công tác dân số năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 với Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện. Thứ tư, thúc đẩy phong trào nhân dân thực hiện mỗi gia đình sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, không lựa chọn giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số về cả thể chất, trí tuệ và tinh thần.

 

Thảo Anh