Nền tảng cho học tập suốt đời

- Thứ Bảy, 05/10/2019, 08:04 - Chia sẻ
Xuất bản nửa đầu thế kỷ XX đã mở đầu và chuẩn bị những bước đi cơ bản nhất cho hầu hết khu vực giáo dục, từ sách giáo khoa chính quy, giáo dục bậc cao, tới bình dân học vụ; từ giáo dục thiếu nhi, giáo dục người lớn, hướng nghiệp, khuyến học, tới tự học và tái đào tạo; từ trong nhà trường, gia đình tới ngoài cộng đồng, xã hội…

Trưng bày cũng giới thiệu sách bản in đầu của các học giả Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Dương Quảng Hàm… Trong giai đoạn trước thềm độc lập còn có sách của Hàn Thuyên - một nhóm có sức ảnh hưởng lâu dài. Sau năm 1954 đặc biệt có nhiều sáng tác văn nghệ mới được giới thiệu. Tại trưng bày lần này có sách của Hội Trí Tri, Nam Phong tạp chí do Phạm Quỳnh chủ bút, sách của các thành viên Hội Khai trí Tiến Đức, sách do Đông Kinh ấn quán xuất bản; sách của nhà Tân Dân, chùm tác phẩm trên Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san…

Sáng 7.10, trong khuôn khổ Tuần lễ Hưởng ứng Học tập suốt đời năm 2019, tại trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ diễn ra trưng bày chủ đề “Học tập suốt đời nhìn từ xuất bản nửa đầu thế kỷ XX”. Trưng bày do Vụ Giáo dục thường xuyên và Công ty Thời Độ (Éditions La Durée) phối hợp tổ chức. 300 ấn phẩm thuộc 12 mảng tư liệu sách, báo, tạp chí xuất bản trong 60 năm từ 1899 tới cuối 1959 sẽ được giới thiệu.  

Các mảng tư liệu được tổ chức bao gồm: Các sách học được biên soạn và sử dụng trên chiến khu (1945 - 1954); báo chí giai đoạn tiền khởi nghĩa (trước Cách mạng tháng Tám); tạp chí giáo dục khoa học các thời kỳ bắt đầu từ 1930; Chữ quốc ngữ thuở ban đầu (tới 1919); sách giáo khoa các thời bắt đầu từ thập niên 1920; sách văn, sử, triết, phê bình, khảo cứu thuở ban đầu phát triển tương đối rực rỡ những năm 1930 - 1940; các sáng tác mới trong những năm 1950 ghi dấu ấn biến chuyển thời đại; các ấn phẩm đặc biệt vang bóng một thời đối với công tác sưu tầm; các tác giả, tác phẩm xuất hiện trong chương trình giáo dục chính thức sau này; các tác phẩm có mục tiêu giáo dục và các văn đoàn, trường phái, hội, nhóm, nhà in và cơ sở xuất bản nửa đầu thế kỷ.


Các ấn phẩm tại trưng bày do NXB Thời Độ, nhà báo Yên Ba, cùng các nhà sưu tập Tạ Thu Phong, Nguyễn Bình Phương... tham gia

Các ấn phẩm đặc biệt xuất hiện trong kỳ trưng bày lần này có thể kể tới: “Con dế mèn” của Tô Hoài bản in đầu năm 1941, “Hồn bướm mơ tiên”, bản in đầu năm 1933 của Khái Hưng (đây cũng là cuốn sách đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn), “Nghề thầy” - bản in đầu của Hoàng Đạo Thúy… Đặc biệt còn có “Những phương pháp giáo dục ở các nước và vấn đề cải cách giáo dục” của Vũ Đình Hòe - Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Quốc gia Giáo dục (sau này là Bộ Giáo dục và Đào tạo), do Thanh Nghị tùng thư xuất bản lần đầu tiên năm 1945, đánh dấu mốc chính thức bắt đầu của một nền giáo dục độc lập và có hệ thống của nước ta. Ngoài ra, trưng bày còn các sách giáo dục trên chiến khu và báo chí giai đoạn tiền khởi nghĩa như: Thanh Nghị Tri Tân, Tiếng Dân, Việt nữ, Độc lập…

Các ấn phẩm được tổ chức thành 12 đề tài, phần nào thể hiện một cách rõ rệt ba thời kỳ của 60 năm xuất bản nửa đầu thế kỷ, mỗi thời kỳ kéo dài đúng 20 năm. Cụ thể, thời kỳ mở mang chữ quốc ngữ và hình thành nền xuất bản độc lập với tôn chỉ “Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ Quốc - ngữ” do Nguyễn Văn Vĩnh khởi xướng (1899 - 1919). Chữ Quốc - ngữ ở đây là những điều rất cụ thể, là xuất bản! Tiếp đó là thời kỳ nở rộ của xuất bản thể hiện qua sự hình thành và phát triển rực rỡ của các văn đoàn, các trường phái sáng tác, các cơ sở in ấn, số lượng và chất lượng các tác phẩm giai đoạn 1919 - 1939 này tăng tiến ấn tượng! Phần nhiều các tác giả chính yếu của giai đoạn này đều trở thành yếu nhân của giai đoạn sau 1945. Thời kỳ chuyển động 5 năm trước và 5 năm sau giai đoạn chiến khu 1945 - 1954 gọi là thời kỳ giai đoạn 9 năm mở rộng chuyển động (1939 - 1959), có thể xem là thời kỳ định hình các khu vực sáng tác, nghiên cứu và chuyển hóa thành những ảnh hưởng và biến chuyển xã hội đa dạng, phong phú mãi tới sau này khi đất nước hai miền tái thiết. 

Với những nét phác họa như trên, phần nào đã có thể cảm nhận được sự trù phú của xuất bản nửa đầu thế kỷ. Thực tế là, xuất bản nửa đầu thế kỷ XX đã mở đầu và chuẩn bị những bước đi cơ bản nhất cho hầu hết khu vực giáo dục, từ sách giáo khoa chính quy, giáo dục bậc cao, tới bình dân học vụ; từ giáo dục thiếu nhi, giáo dục người lớn, hướng nghiệp, khuyến học, tới tự học và tái đào tạo; từ trong nhà trường, gia đình tới ngoài cộng đồng, xã hội…

Nhìn lại lịch sử xuất bản nửa đầu thế kỷ XX, để cùng nhìn nhận vai trò quan trọng của sách vở, báo chí đối với sự nghiệp khuyến đọc, khuyến học toàn dân, kể từ trước, trong và sau khi thiết chế giáo dục chính thức (Bộ Quốc gia Giáo dục, sau này là Bộ Giáo dục - Đào tạo) ra đời. Báo chí, sách vở đã trở thành kênh học tập suốt đời, giúp hiện thực hóa tinh thần “Ai cũng được học hành” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm kể từ khi lập nước. Đây đồng thời là cũng là tinh thần chủ đạo của Học tập suốt đời mà UNESCO tôn vinh, trong đó nhấn mạnh: “Vai trò của giáo dục là trao sức mạnh cho con người (bất kể màu da, giới tính, ngôn ngữ, tầng lớp xã hội...) thông qua việc trang bị cho họ những kiến thức, kỹ năng, và giá trị, để sống một cuộc đời trong phẩm giá”.

Miêu Nguyệt