Nên sửa đổi căn bản

- Thứ Hai, 12/08/2019, 07:18 - Chia sẻ
Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 được QH Khóa XII, Kỳ họp thứ Tư ban hành ngày 13.11.2008 và Luật Viên chức số 58/2010/QH12 được ban hành tại Kỳ họp thứ Tám ngày 15.11.2010. Trong tình hình đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều biến đổi theo sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, hai luật đã bộc lộ khá nhiều bất cập, không còn đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tiễn.

Vì vậy, Chính phủ đã trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của hai Luật nói trên tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, phải là Luật sửa đổi, chứ không thể chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều.

Vì sao phải sửa đổi căn bản?

Có 3 lý do chủ yếu. Một là, hai Luật được ban hành trước Hiến pháp năm 2013 từ 3 - 5 năm. Trong Hiến pháp mới có nhiều chương, mục, điều, khoản liên quan trực tiếp đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Chương II của Hiến pháp là Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đặc biệt là các Điều 34, Điều 35 quy định quyền được bảo đảm an sinh xã hội; quyền làm việc, quyền lựa chọn nghề nghiệp, việc làm, nơi làm việc; người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi và nhiều quy định khác gắn với cán bộ, công chức, viên chức.

Hiến pháp năm 2013 đã có hiệu lực 6 năm nay, nhưng tất cả các vấn đề có liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức chưa có điều kiện được cụ thể hóa trong các đạo luật điều chỉnh chính họ. Nay QH Khóa XIV quyết định sửa đổi, bổ sung thì không có lý do gì không cụ thể hóa tất cả những quy định của Hiến pháp mới vào hai Luật này. Đây là việc không nên trì hoãn.

Hai là, cũng từ sau năm 2010, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết về tập trung xây dựng bộ máy và đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, và nhiều văn bản, nghị quyết khác... Các văn kiện của Đảng, ngoài việc quyết định nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng bộ máy và cán bộ (Nghị quyết Trung ương 4 và Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XII), còn có nhiều yêu cầu cụ thể như: Thực hiện cơ chế, chính sách cán bộ liên thông, bình đẳng, nhất quán trong hệ thống chính trị; liên thông cán bộ, công chức giữa các cấp; giữa nguồn nhân lực khu vực công với khu vực tư; có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; gắn chế độ tiền lương với chức danh, chức vụ lãnh đạo và vị trí việc làm; tiến đến bỏ chế độ “biên chế suốt đời”... Vào thời điểm sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức thì phải quán triệt ngay tất cả những vấn đề quan trọng như trên thuộc đường lối của Đảng về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, chứ không thể chỉ xử lý vài ba điểm đang có vướng mắc trong thực thi các luật hiện hành.

Ba là, sau gần 10 năm thực hiện hai Luật này cũng đã xuất hiện, phát sinh nhiều vấn đề mà công luận đã phản ánh (bộ máy cồng kềnh, đội ngũ cán bộ đông nhưng không mạnh, yếu kém chuyên môn nghiệp vụ, trách nhiệm của người đứng đầu không rõ...), vì thế phải khắc phục càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, với 3 lý do chủ yếu nói trên thì phạm vi, khối lượng công việc sửa đổi Luật sẽ rất lớn, phải có thời gian chuẩn bị dài hơn mới có thể đủ điều kiện về chất lượng để QH thông qua.

Một vài góp ý cụ thể

Thứ nhất, đề nghị quy định trách nhiệm nêu gương. Đi đôi với nghĩa vụ của cán bộ, công chức, phải quy định trách nhiệm nêu gương vào Luật này, trong đó có trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu (nghĩa vụ bao gồm 3 thành tố là nhiệm vụ, quyền hạn và chịu trách nhiệm). Có thể “thiết kế” Điều này như sau:

“Điều  ... Nghĩa vụ và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức là người đứng đầu

Ngoài việc thực hiện nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân (tại Điều...); nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ (tại Điều...) của Luật này, còn phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

Khoản 1- Tổ chức và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổ chức thực hiện các quy định của luật pháp về dân chủ cơ sở, văn hóa công sở; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, đúng thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân.

Khoản 2- Tổ chức quản lý theo pháp luật đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động; tài chính, tài sản, cơ sở vật chất - kỹ thuật: cơ sở dữ liệu thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Khoản 3- Nêu gương tốt trong thực hiện mọi công việc; phải chịu trách nhiệm chính về kết quả quản lý, lãnh đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình lãnh đạo, quản lý”.

Thứ hai, về nội dung, tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức. Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII năm 1991, Đảng ta đã coi trọng hai tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên, đó là Đức và Tài.

Đức là gốc, là phẩm chất, đạo đức; được chia làm 2 tiêu chí cụ thể là phẩm chất chính trịphẩm chất cá nhân. Phẩm chất chính trị là sự trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; kiên định độc lập dân tộc và con đường XHCN. Phẩm chất cá nhân chủ yếu là lối sống và sinh hoạt. Là lối sống và sinh hoạt nhưng tuyệt đối không được xem nhẹ tiêu chí này. Bởi vì một cán bộ, đảng viên (nhất là người lãnh đạo, quản lý) mà tham nhũng “ăn không từ một thứ gì”, bia, rượu say sưa, ngật ngưỡng, bệ rạc thì còn đâu là uy tín để làm việc, để lãnh đạo, quản lý. Phẩm chất cá nhân kém cỏi sẽ “di căn” làm xói mòn, thậm chí tiêu diệt phẩm chất chính trị.

Tài, gồm 3 yếu tố hợp thành là kiến thức, trình độ và khả năng. Riêng khả năng phải gồm cả hai mặt, khả năng nhận thứckhả năng hành động. Cả hai mặt đều quan trọng, nhưng hành động chính là sự thể hiện của nhận thức. Khả năng hành động (điều hành, quy tụ và phương pháp quản lý) là cực kỳ quan trọng đối với người đứng đầu.

Nếu nắm chắc được 5 tiêu chí nói trên thì việc đánh giá sẽ tương đối chuẩn xác. Về lượng hóa, có thể tham khảo, áp dụng cách đánh giá và cho điểm đối với đảng viên, tổ chức Đảng đã được Ban Tổ chức Trung ương thực hiện từ nhiệm kỳ Khóa VIII của Đảng đến nay. Căn cứ vào số điểm đạt được mà xếp người được nhận xét, đánh giá vào các mức a, b, c, d như Khoản 1 Điều 58 dự thảo sửa đổi, bổ sung.

Thứ ba, về cơ chế đánh giá, mục tiêu đánh giá cần đạt đến là phải chính xác. Phương pháp đánh giá là khách quan, trung thực, dân chủ, công bằng và công khai. Phải đánh giá theo hai loại (cán bộ, công chức thừa hành và cán bộ, công chức là lãnh đạo, quản lý). Đối với cán bộ, công chức thừa hành thì lãnh đạo của tổ chức, đơn vị và Chi ủy cùng đánh giá, nhận xét. Đối với lãnh đạo, quản lý thì cấp trên liền kề cùng cán bộ, công chức trong tổ chức, đơn vị và Chi ủy hoặc Đảng bộ cơ sở đánh giá, nhận xét.

Hết sức tránh tình trạng chỉ một người đánh giá, nhận xét, nhất là ở những nơi bệnh quan liêu, hách dịch chưa bị đẩy lùi; nhận xét theo cảm tính hoặc “yêu, ghét” vì mức độ thân quen, đem lại “lợi ích” khác nhau.

Ts. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội