Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước

Nên rạch ròi việc giao thêm quyền

- Thứ Bảy, 08/06/2019, 07:45 - Chia sẻ
Để đáp ứng đòi hỏi của thực tế, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước đã bổ sung một số thẩm quyền, chức năng cho Kiểm toán Nhà nước nên chưa tương thích với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Giám định tư pháp, Luật xử phạt vi phạm hành chính... Thảo luận tại Hội trường hôm qua, nhiều ý kiến cho rằng, nếu đã xác định giao thêm trách nhiệm, quyền cho Kiểm toán Nhà nước để thực hiện tốt hơn yêu cầu tuân thủ kỷ luật trong quản lý tài chính và tài sản công thì cần cân nhắc sửa đổi các luật liên quan.

Ảnh: Lâm Hiển
 

Tôi đồng tình với quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan kiểm toán trong việc kiểm tra, giám sát về quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản công. Thực tế cho thấy, nếu chúng ta tăng cường cho công tác kiểm toán, đứng về mặt kinh tế, so sánh giữa chi phí bỏ ra với phần thu về, truy thu thì chắc chắn chúng ta sẽ có được nguồn kinh tế, nguồn tiền là rất lớn. Ý nghĩa lớn hơn là chúng ta phòng ngừa được tham nhũng, tránh được sai phạm. Do vậy, cần quy định Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm kiểm toán tất cả các hoạt động có liên quan đến thu, chi ngân sách và sử dụng tài sản công như rất nhiều nước trên thế giới đã quy định chứ không chỉ kiểm toán lựa chọn, kiểm toán mẫu, hoặc là phải để cho bộ trưởng gửi văn bản yêu cầu thì mới thực hiện kiểm toán.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội)

Sẽ vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Sự chưa tương thích giữa dự án Luật với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 là vấn đề được nhiều ĐBQH đưa ra. Tại dự thảo Luật đã sửa đổi Khoản 3, Điều 14, Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 theo hướng bổ sung thẩm quyền cho Tổng Kiểm toán Nhà nước được ban hành quyết định để quy định phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng trong tổ chức và hoạt động kiểm toán, ký thông tư liên tịch. Nhưng Khoản 8 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 không coi thông tư liên tịch của Tổng Kiểm toán Nhà nước với bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao là văn bản quy phạm pháp luật.

Chỉ ra quy định này, ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) nhấn mạnh, việc ban hành thông tư liên tịch của Tổng Kiểm toán Nhà nước nên được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước, sau đó mới đưa vào luật chuyên ngành về Kiểm toán Nhà nước. Theo ĐB Đỗ Ngọc Thịnh, phương án thích hợp hơn cả là điều chỉnh Khoản 3, Điều 14, Luật Kiểm toán Nhà nước theo hướng quy định cơ quan này được ban hành văn bản quy phạm pháp luật là quyết định để quy định chuẩn mực kiểm toán nhà nước, quy trình kiểm toán, hồ sơ kiểm toán, phương pháp, chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng trong tổ chức và hoạt động kiểm toán.

Dẫn ra quy định cụ thể của Điều 25, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Thông tư liên tịch giữa chánh án, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ ban hành để hướng dẫn về phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (An Giang) khẳng định, theo quy định hiện hành, Kiểm toán Nhà nước không có nghĩa vụ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để hướng dẫn về trình tự, thủ tục. Nếu ban hành thông tư liên tịch để hướng dẫn về nội dung luật thì Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã không cho ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn về nội dung này. Từ những căn cứ nêu trên, ĐB đề nghị, cơ quan chủ trì thẩm tra xem xét cắt quy định này ra khỏi dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước vì trái với luật gốc.

Tuy nhiên, giải trình về vấn đề này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc  cho biết, đề nghị giao thẩm quyền cho Tổng Kiểm toán Nhà nước ký thông tư liên tịch cũng chỉ giới hạn trong công tác phòng, chống tham nhũng, không phải ban hành quy định đối với các lĩnh vực khác. Thực tế, do quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 nên Kiểm toán Nhà nước chỉ tham gia soạn thảo, còn không ký ban hành thông tư liên tịch về phòng, chống tham nhũng giữa Thanh tra Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an đã ký thông tư liên tịch về phòng, chống tham nhũng. Trong khi đó, việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đang đòi hỏi phải quy định cụ thể trong vòng bao nhiêu ngày từ khi phát hiện hồ sơ sai phạm sẽ phải chuyển cho cơ quan điều tra và trong vòng bao nhiêu ngày cơ quan điều tra phải thông báo cho Kiểm toán nhà nước để cùng xử lý.

Chưa tương thích với nhiều luật

Bên cạnh Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, dự án Luật này cũng chưa tương thích với quy định tại Luật Giám định tư pháp, Luật Xử lý vi phạm hành chính... Theo một số ĐBQH, tại Điều 1, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã quy định chỉ có hành vi vi phạm hành chính quy định trong luật này mới bị xử lý vi phạm hành chính, nên việc quy định thẩm quyền và chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước như dự thảo Luật đề xuất có thể dẫn đến nguy cơ xung đột với Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nói cách khác, chỉ có thể chấp nhận Kiểm toán Nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, chứ không ghi nhận trong dự án Luật này.

Việc bổ sung quy định quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước được xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước (tại Khoản 6a, Điều 11) cũng khiến ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) băn khoăn. “Liệu có vượt quá chức năng của Tổng Kiểm toán Nhà nước được quy định tại Điều 9, Điều 10 của Luật Kiểm toán Nhà nước hiện hành hay không và liệu có phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính hay không?”. Đặt ra câu hỏi này, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương cho rằng, cần rà soát xem xét quy định cho phù hợp, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong pháp luật.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng đề nghị, việc bổ sung chức năng giám định tư pháp đối với những vấn đề liên quan theo yêu cầu của cơ quan tư pháp, cơ quan điều tra cho Kiểm toán Nhà nước như đề xuất tại dự thảo Luật là không phù hợp. Vì tại Thông tư số 138 để hướng dẫn về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính quy định rõ: Việc giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công trong các vụ án tham nhũng là một bộ phận của giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính. “Do vậy, tổ chức giám định tư pháp vụ việc trong lĩnh vực tài chính đáp ứng đủ điều kiện trong luật định có thể thực hiện được việc giám định này mà không cần phải giao cho Kiểm toán Nhà nước. Không cần bổ sung thẩm quyền giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công trong các vụ án tham nhũng cho Kiểm toán Nhà nước” - ĐB Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị.

Tuy nhiên, từ thực tế các cơ quan điều tra liên tục đề nghị Kiểm toán Nhà nước giám định tư pháp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định, dù là nhiệm vụ khó khăn, gian nan, ít cơ quan muốn đảm nhiệm, thì nếu quy định trong Luật, Kiểm toán Nhà nước sẽ vẫn nỗ lực thực hiện. Đối với bổ sung thẩm quyền xử phạt hành chính, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ, sẽ áp dụng với hành vi cản trở, không cung cấp hồ sơ tài liệu và cố tình chống đối. Các quốc gia trên thế giới giao cho Tổng Kiểm toán xử phạt hành chính với hành vi này, trong đó Luật Kiểm toán của Hàn Quốc phạt tù đến 6 tháng.

Có thể thấy, Kiểm toán Nhà nước đã được hiến định là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Kiểm toán Nhà nước sẽ do luật định. Nói cách khác, các cơ quan chức năng phải rạch ròi được việc giao thêm trách nhiệm, quyền hạn cho Kiểm toán Nhà nước có giúp thực hiện tốt hơn việc tuân thủ kỷ luật trong quản lý tài chính, tài sản công hay không. Nếu việc tăng trách nhiệm, quyền hạn cho Kiểm toán Nhà nước thực sự mang lại những tác động tích cực nêu trên, thì chắc sẽ không ngần ngại nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Lê Bình