Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

Nên quy định cụ thể hay chỉ mang tính nguyên tắc?

- Thứ Năm, 13/06/2019, 08:04 - Chia sẻ
Thảo luận về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam tại hội trường sáng qua, có ĐBQH đề nghị chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc chung cho cả đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và giao Chính phủ quy định chi tiết. Tuy vậy, cũng có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể, tách bạch hai đối tượng này cũng như cơ quan, người có thẩm quyền cử, cho phép, quyết định.

Cụ thể sẽ bảo đảm minh bạch

Với quy định về cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án. Theo đó, phương án 1 quy định cụ thể đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; cơ quan có thẩm quyền quyết định, cử, cho phép người thuộc diện cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ ra nước ngoài. Phương án 2 quy định mang tính nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đồng tình với phương án 1, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, quy định cụ thể đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ sẽ bảo đảm tính công khai, minh bạch, rõ ràng. Đây cũng là những quy định được triển khai trên thực tế, đồng thời cũng bảo đảm sự linh hoạt theo quy định tại Khoản 4, Điều 8 của dự thảo Luật. Đó là trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào yêu cầu đối ngoại hoặc lễ tân nhà nước và tính chất chuyến đi, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện việc cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc xét quyết định cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ theo đề nghị của cơ quan, người có thẩm quyền.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phát biểu tại hội trường Ảnh: Lâm Hiển

Tuy vậy, dự thảo Luật có quy định về cấp hộ chiếu công vụ cho viên chức. Theo ĐB Nguyễn Trường Giang, hoạt động của công chức là hoạt động công vụ, còn đối với hoạt động của viên chức là hoạt động nghề nghiệp. Đưa ra dẫn chứng, khi QH thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa qua đã đề cập tách bạch giữa hai khối công chức và khối viên chức. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc khi quy định cụ thể đối tượng nào được cấp hộ chiếu công vụ, đặc biệt là đối với viên chức.

Đồng tình với phương án 1, song ĐBQH Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) cho rằng, việc dự thảo Luật quy định: “Hộ chiếu ngoại giao được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cử hoặc quyết định cho ra nước ngoài” là chưa phù hợp. Vì, khi thực hiện việc cấp hộ chiếu ngoại giao cho vợ, chồng, con dưới 18 tuổi được đi theo hoặc đi thăm những người trong ngành ngoại giao đã được phong hàm ngoại giao hoặc giữ các chức vụ từ tùy viên trở lên khi họ đang công tác ở nước ngoài phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cử hoặc quyết định cho họ ở nước ngoài thăm vợ, chồng, bố mẹ, vậy cơ quan nào thực hiện cử hoặc ra quyết định? Trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền chỉ là cho phép họ cùng đi hoặc thăm vợ, chồng, bố mẹ là những người trong ngành ngoại giao quy định trong dự thảo luật (những người đang phục vụ trong ngành ngoại giao đã được phong hàm ngoại giao hoặc giữ các chức vụ từ tùy viên trở lên tại cơ quan đại diện ngoại giao, phái đoàn thường trực tại các tổ chức quốc tế liên Chính phủ và từ chức vụ tùy viên lãnh sự trở lên tại cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài). Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị, trong trường hợp này, dự thảo Luật cần được sửa lại theo hướng: “Hộ chiếu ngoại giao cấp cho công dân Việt Nam thuộc diện sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam quy định tại điều của Luật này cử quyết định hoặc cho phép ra nước ngoài phù hợp với mục đích của chuyến đi”.

Theo quy định hiện nay, người được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ sau khi đi công tác nước ngoài về nước phải nộp lại hộ chiếu cho cơ quan có thẩm quyền quản lý. Trong khi đó, dự thảo Luật lại chưa quy định rõ biện pháp quản lý, sử dụng các loại hộ chiếu này. Do vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu xây dựng bổ sung quy định quản lý, sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, bảo đảm việc sử dụng đúng mục đích, thuận lợi cho người được cấp và tránh việc lạm dụng các loại hộ chiếu này, ĐB Đỗ Văn Bình đề nghị.

Ở một góc nhìn khác, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng quy định như phương án 1 là quá cụ thể, trùng lặp đối với một cá nhân đang cùng lúc đảm nhận nhiều chức danh của Đảng, chính quyền và đoàn thể. Điều này tạo nên sự phức tạp, rắc rối trong điều luật.

Chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc

Với thực tế đó, nhiều ý kiến khác đề nghị, dự thảo Luật chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc về vấn đề hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ, trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định chi tiết.

Đối với trường hợp được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ dự thảo Luật chỉ nên quy định nguyên tắc, ĐBQH Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nêu vấn đề. Vì quy định quá chi tiết dẫn đến khi thực tiễn thay đổi sẽ phải sửa luật. Ngoài ra, theo đại biểu, việc quy định đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao quá cụ thể thì một số trường hợp đúng với thể chế chính trị của nước ta nhưng sẽ không phù hợp với thông lệ quốc tế. ĐB Phạm Tất Thắng đề nghị, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, tham khảo thêm quy định của một số nước trên thế giới về quy định cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và thể hiện trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Trong dự thảo Nghị định này sẽ quy định các quy phạm được thể hiện ở phương án 1, như đối tượng, cơ quan có thẩm quyền quyết định cử cho phép người được cấp gia hạn hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ.

Đây cũng là ý kiến của ĐBQH Bùi Mậu Quân (Hải Dương) với lý lẽ quy định nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định chi tiết cũng nhằm bảo đảm yêu cầu cải cách bộ máy hành chính, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Việc lựa chọn phương án quy định cụ thể các đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hay chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc, giao Chính phủ quy định chi tiết là điều mà cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần tính toán thận trọng để vừa bảo đảm cải cách thủ tục hành chính, thuận lợi cho người dân nhưng cũng phải bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, hạn chế văn bản hướng dẫn khi thi hành Luật.

Hà An