Kinh phí cho hòa giải, đối thoại tại tòa án

Nên lấy từ đâu?

- Thứ Bảy, 14/09/2019, 07:53 - Chia sẻ
Hòa giải, đối thoại thành công sẽ không cần qua con đường tố tụng tại tòa án, giảm tải công việc và áp lực đối với công tác xét xử của tòa án, hạn chế khiếu kiện kéo dài qua nhiều cấp… Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi cho hòa giải viên, rất cần có cơ chế, chính sách thù lao thỏa đáng. Trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp như hiện nay, nguồn kinh phí chi trả này sẽ được lấy từ đâu? Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu tại phiên họp toàn thể vừa qua của Ủy ban Tư pháp khi thẩm tra dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Dù ít tốn kém…

Theo quy định của pháp luật hiện hành, có thể phân loại thành hai nhóm: Hòa giải, đối thoại trong tố tụng và hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng. Theo Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Du, các phương thức hòa giải tuy đã phát huy tác dụng nhất định trong giải quyết các tranh chấp phát sinh trong xã hội, nhưng vẫn còn những hạn chế. Hòa giải thành ở cơ sở phần lớn là các va chạm, xích mích nhỏ trong cộng đồng dân cư, không phải là các tranh chấp, khiếu kiện đến mức phải giải quyết bằng quá trình tố tụng. Trong khi đó, số lượng các vụ việc tòa án các cấp phải thụ lý tăng lên rất nhanh với quy mô lớn và tính chất phức tạp. Những năm gần đây, các vụ việc dân sự, hành chính được tòa các cấp thụ lý tăng trung bình mỗi năm 9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi biên chế không thay đổi. Điều này dẫn đến tình trạng thẩm phán bị quá tải, án bị tồn đọng.


ĐBQH Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ 13 của Ủy ban Tư pháp
Ảnh: Hà An

Với một số địa phương thực hiện thí điểm thì khoản tiền này được đưa vào đâu, ghi vào mục thu, chi gì? Nếu thu phí, lệ phí, chi phí phải theo Luật Phí và lệ phí và theo danh mục cụ thể, không thể tùy tiện “tôi trả cho anh một khoản rồi muốn vào đâu thì vào”. Việc chi phải căn cứ vào Luật. Đây là điều phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp
Lê Thị Nga 

Để khắc phục tồn tại này, thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án Nhân dân Tối cao đã triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND TP Hải Phòng và 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Từ tháng 11.2018 đến tháng 9.2019, các địa phương thực hiện thí điểm đã tổ chức các trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án, tiến hành hòa giải, đối thoại tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính và đã thu được kết quả tích cực. Qua 3 tháng đầu tiên triển khai đã hòa giải thành, đối thoại thành được 15.016 vụ, đạt tỷ lệ 74,08%.

Theo đánh giá của Tòa án Nhân dân Tối cao, việc thực hiện thí điểm này đã đáp ứng được mong muốn của các bên tranh chấp, thời gian giải quyết nhanh chóng. Giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại là một phương thức ít tốn kém. Theo tính toán, chi phí trung bình cho một vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành (tương đương 1.200.000 đồng) chỉ chiếm 22% chi phí cho xét xử sơ thẩm một vụ việc dân sự, hành chính (tương đương 5.500.000 đồng). Nếu vụ việc phải xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm thì chi phí xét xử còn có thể tăng lên gấp 2 - 3 lần so với chi phí xét xử sơ thẩm. Trên cơ sở những kết quả thực hiện thí điểm, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án là rất cần thiết, nhằm xây dựng cơ chế pháp lý mới hiệu quả về hòa giải, đối thoại tại tòa án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.

Ủng hộ việc ban hành Luật này, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Hoàng Văn Hùng nhấn mạnh, hòa giải, đối thoại tại tòa là chế định mới, nếu thực hiện được thì huy động nguồn lực xã hội rất tốt. Bởi, chúng ta đang cần những người có kiến thức pháp luật để giúp giảm áp lực cho xã hội, cho các cơ quan công quyền. Ông Hùng cũng cho biết, qua thực tế khảo sát cho thấy, tòa án và lãnh đạo của các địa phương - nơi thực hiện thí điểm, đã đánh giá cao và ủng hộ cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa án. Điều đó cho thấy, việc thực hiện thí điểm đã mang lại hiệu quả tích cực cho xã hội và giải quyết áp lực rất lớn cho ngành tòa án.

… nhưng vẫn lo kinh phí

Để bảo đảm quyền lợi của hòa giải viên, đối thoại viên, Điểm g, Khoản k, Điều 13 dự thảo Luật quy định: Hòa giải viên, đối thoại viên “được hưởng thù lao theo quy định của pháp luật khi thực hiện hòa giải, đối thoại”. Ủng hộ cần có chính sách thỏa đáng đối với hòa giải viên, đối thoại viên, nhưng trong tình hình ngân sách khó khăn như hiện nay, nhiều ý kiến đặt câu hỏi nguồn kinh phí này ở đâu khi triển khai thực hiện trên cả nước cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa?

Sự lo lắng này không phải không có lý khi sơ kết triển thí điểm về hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án tại 16 tỉnh, thành phố vừa qua, Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết, về cơ bản các tòa án đã được cấp kinh phí, tuy nhiên, cá biệt có tòa án chưa nhận được kinh phí như Cần Thơ, Bắc Ninh… Có tòa án chỉ nhận được 1/5 kinh phí để hoạt động nên chưa có tiền chi trả cho hòa giải viên, đối thoại viên (tỉnh Thái Bình). Trong khi đó, có những tòa dù chi cho hòa giải viên, đối thoại viên mức bồi dưỡng thấp là 3 triệu đồng/tháng nhưng mức kinh phí được hỗ trợ vẫn không đủ để thực hiện thí điểm trong thời gian còn lại (tỉnh Long An).

Là thành viên Ban chỉ đạo tổ chức thí điểm hoạt động này ở TP Hồ Chí Minh, ĐBQH Nguyễn Đức Sáu (TP Hồ Chí Minh) cho biết, theo chỉ đạo, hướng dẫn của Tòa án Nhân dân Tối cao, TP Hồ Chí Minh thành lập 10 trung tâm, trong đó có một trung tâm tại tòa án và 9 trung tâm hòa giải ở quận, huyện. Tuy nhiên, kinh phí chi dành cho các trung tâm này quyết toán rất khó khăn. Thực tế, “có một trung tâm hòa giải ở quận 2 của TP Hồ Chí Minh, trang bị 10 máy tính, nhưng mới có một chiếc được quyết toán, 9 chiếc còn lại vẫn để đó, chưa được quyết toán”.

Cùng chung nỗi lo kinh phí, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn đặt vấn đề, nguồn kinh phí để phục vụ cho hoạt động này lấy ở đâu? Vì đây là tổ chức do Tòa án thành lập ra, nhưng dường như chúng ta đang nhắm vào “túi” của chính quyền địa phương. Trong khi Luật Ngân sách nhà nước hiện hành không có khoản này, thì chúng ta “ăn nói” như thế nào với chính quyền địa phương?

Nhấn mạnh việc huy động nguồn lực vào thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa đã mang lại hiệu quả tích cực, song ĐBQH Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) cũng lưu ý, thí điểm thì dễ, bởi các địa phương hỗ trợ, hoặc Chính phủ cấp cho một hạng mục để thực hiện thí điểm, nhưng khi triển khai rộng, căn cứ vào Luật Ngân sách nhà nước lại là một vấn đề”. Theo ông Dũng, việc thực hiện này phải nhất quán với quy định khác về tổ chức bộ máy của tòa án, về quy định liên quan đến kinh phí theo Luật Ngân sách nhà nước.

Hà An