Kinh tế phục hồi phụ thuộc vào khả năng phòng, chống dịch

- Thứ Ba, 04/08/2020, 17:01 - Chia sẻ
GS. TS TRẦN THỌ ĐẠT - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ nhìn nhận, trong bối cảnh và diễn biến phức tạp của Covid- 19 khiến sự phục hồi không mấy thuận lợi. Do vậy có thể nền kinh tế sẽ ở trạng thái tăng trưởng thấp trong một thời gian nữa trước khi bật dậy vào năm 2021, khi mà vaccine Covid- 19 được sản xuất và sử dụng một cách rộng rãi. Như vậy giải pháp đối với nền kinh tế hiện nay chủ yếu là dựa vào rất nhiều giải pháp về y tế trong phòng, chống dịch, chứ không chỉ đơn thuần là các chính sách khôi phục kinh tế.
GS. TS Trần Thọ Đạt
GS. TS Trần Thọ Đạt. Ảnh Thảo Anh 

Nền kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong nửa cuối năm 2020

- Ông nhìn nhận như thế nào về sự khác biệt của làn sóng Covid- 19 lần thứ 2 tác động đến nền kinh tế so với lần thứ nhất?

- Làn sóng Covid- 19 lần thứ 2 khiến các chỉ số tăng trưởng kinh tế bị tác động lớn. Tuy nhiên, lần này có điểm khác biệt so với lần một. Tháng 4.2020, khi Covid- 19 ở đỉnh dịch, lệnh giãn cách xã hội được thực thi trong 20 ngày, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các hoạt động kinh doanh, sản xuất. Chỉ số tăng trưởng kinh tế của quý II.2020 chỉ ở mức 0,36%, khiến tăng trưởng trong nửa đầu năm chỉ đạt hơn 1,8%, là con số thấp nhất trong lịch sử ngành thống kê. Đến khi Covid- 19 quay trở lại lần thứ 2 này, Chính phủ chỉ khoanh vùng, giãn cách xã hội ở những địa phương có ổ dịch trong cộng đồng, tập trung mọi nguồn lực để vừa chống dịch, vừa phải sống chung với dịch và vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy, làn sóng Covid- 19 lần thứ 2 tác động tới nền kinh tế Việt Nam, nhưng tác động cụ thể ở mức thế nào, tác động bao nhiêu còn phục thuộc vào việc khống chế dịch đạt hiệu quả ra sao.

- Ông có thể đưa ra dự báo kinh tế nước ta từ nay đến cuối năm, thưa ông?

- Tôi nghĩ chưa bao giờ việc dự báo kinh tế trong những tháng cuối năm 2020 lại trở nên khó khăn như hiện nay, vì điều này phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố “bất định”. Hiện nay các tổ chức dự báo cụ thể về nền kinh tế trong thời gian tới được đưa ra khá nhiều, tương đối cập nhật và có một đặc điểm đó là thường xuyên thay đổi. Với các đánh giá mới nhất hiện nay có thể thấy rằng khả năng nền kinh tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong cuối năm 2020. 

Lưu ý một điều rằng, mọi dự báo cho nền kinh tế hiện nay đều trở nên rủi ro bởi vì nước ta có một nền kinh tế nhỏ và mở, phụ thuộc rất nhiều vào các đối tác thương mại, đầu tư và xuất khẩu. Và các đối tác của nước ta hiện nay, do tình hình dịch bệnh hết sức phức tạp nên cũng rất khó đoán.

Phải có động lực tăng trưởng mới

- Ông có thể phân tích rõ hơn về việc nền kinh tế “tạo đáy”, thưa ông?

- Một câu hỏi lớn hiện nay mà các nhà kinh tế rất quan tâm đó chính là nền kinh tế của chúng ta đã ở “đáy” chưa, đang ở “lân cận đáy” hay là đang “tạo đáy”? Thông thường một nền kinh tế đang “tạo đáy” thì đó thực sự là một nền kinh tế “đã đi qua đáy”. Có đi qua đáy thì chúng ta mới biết rằng chúng ta đã vượt qua đáy. Với chỉ số tăng trưởng kinh tế của quý II.2020 chỉ ở mức 0,36%, điều này đồng nghĩa với việc tình hình quý III.2020 còn nhiều khó khăn, và chúng ta còn 2 tháng nữa cho quý này.

Con số tăng thấp, nhìn từ khía cạnh tích cực, có thể kỳ vọng vào việc “tạo đáy” trong đồ thị tăng trưởng và chờ đợi sự trở lại trong nửa cuối năm. Quay trở lại thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế khi thực hiện giãn cách xã hội vào tháng 4, nền kinh tế đóng cửa, dù vậy quý II.2020 cũng đã đạt được tốc độ tăng trưởng dương, mặc dù con số dương ở mức rất khiêm tốn. Tình hình hiện tại khi Covid- 19 đã bùng phát trở lại nhưng với những kinh nghiệm trước đó về phòng, chống dịch thì tôi tin rằng sự tác động tiêu cực đến nền kinh tế sẽ không mạnh như trong quý II.2020. Và quý III.2020 sẽ le lói có những chiều hướng để cho nền kinh tế đi lên từ đáy. Do vậy việc trả lời nền kinh tế đã “chạm đáy” hay chưa, việc nền kinh tế đã “ở đáy” hay chưa thì sẽ không có một câu trả lời rõ ràng vì chưa có số liệu đầy đủ, do đó chúng ta phải đợi thêm một thời gian nữa. Quan điểm của cá nhân tôi nếu chưa “chạm đáy” thì chúng ta cũng đã ở rất “gần đáy”, “lân cận đáy” và hy vọng quý III và quý IV.2020 nền kinh tế sẽ có sự cải thiện.

- Ông đánh giá như thế nào về khả năng phục hồi của nền kinh tế nước ta?

- Khả năng phục hồi của nền kinh tế rất hy vọng là sẽ “bật như lò xo”. Tuy nhiên, trong bối cảnh và diễn biến phức tạp của Covid- 19 khiến sự phục hồi không mấy thuận lợi. Do vậy có thể nền kinh tế sẽ ở trạng thái tăng trưởng thấp trong một thời gian nữa trước khi bật dậy vào năm 2021, khi mà vaccine Covid- 19 được sản xuất và sử dụng một cách rộng rãi. Như vậy giải pháp đối với nền kinh tế hiện nay chủ yếu là dựa vào rất nhiều giải pháp về y tế trong phòng, chống dịch, chứ không chỉ đơn thuần là các chính sách khôi phục kinh tế. Trong những tháng còn lại của năm nền kinh tế phải có động lực tăng trưởng mới để tốc độ tăng trưởng đi lên từ những quý sau, khi đó mới đạt được tốc độ tăng trưởng 3% vào cuối năm.

Thảo Anh ghi