Diễn đàn Sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội - những vấn đề đặt ra

Nên giữ cơ cấu tổ chức Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban

- Thứ Năm, 13/02/2020, 07:21 - Chia sẻ
Đại biểu Quốc hội có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề được đưa ra Quốc hội xem xét, thông qua. Việc phân vai Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách là về hành chính, chế độ, chính sách. Chúng ta có nên tự làm khó mình hay không khi thay đổi cơ cấu Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội bằng việc bỏ chức danh Ủy viên chuyên trách?

Có thể giảm số lượng đại biểu không chuyên trách

Nếu giữ phạm vi điều chỉnh của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội như Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám thì khi đưa ra Quốc hội xem xét thông qua khả năng sẽ không đạt kết quả như mong muốn. Nhưng nếu mở rộng phạm vi điều chỉnh cũng có không ít băn khoăn, vì có nhiều nội dung quan trọng cần được đánh giá, phân tích kỹ lưỡng hơn. Ví dụ như việc nâng cấp hai Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội từng được đưa ra khi xây dựng Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, nay “xáo xới” lại mà vẫn chưa đưa ra lý lẽ mới. Do vậy, nếu mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật đúng là “tiến thoái lưỡng nan”, trong khi giữ như phương án của Ban soạn thảo sẽ không có ảnh hưởng lớn.

Mở rộng, sửa đổi phạm vi điều chỉnh theo 5 vấn đề được chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật đưa ra chưa thực sự yên tâm. Các nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung cũng chưa thực sự cấp bách, cần có thời gian tổng kết đầy đủ, toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với chủ trương, chính sách mới sau Đại hội XIII của Đảng.

Các quy định về đại biểu Quốc hội tại dự thảo Luật cần được quan tâm hoàn thiện, vì trung tâm hoạt động của Quốc hội chính là đại biểu Quốc hội. Về số lượng đại biểu Quốc hội, theo tinh thần tinh gọn về tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy, cần cân nhắc quy định giảm số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách (hoạt động kiêm nhiệm). Việc giảm số lượng đại biểu kiêm nhiệm đã được đưa ra trong nghị quyết của Đảng, nên hoàn toàn có cơ sở chính trị để thực hiện. Hơn nữa, Quốc hội đang không ngừng đổi mới, hướng tới một Quốc hội chuyên nghiệp, mà tính chuyên nghiệp được gây dựng bởi đội ngũ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Từ thực tế nhiệm kỳ tham gia làm đại biểu Quốc hội, tôi nhận thấy, trong thực hiện mục tiêu bảo đảm tính cơ cấu của Quốc hội đã có một số cơ cấu đã ảnh hưởng đến uy tín của đại biểu Quốc hội nói chung. Ví dụ như cơ cấu đại diện cho doanh nghiệp, doanh nhân. Những đại biểu Quốc hội bị miễn nhiệm trong thời gian gần đây phần nhiều đều nằm trong cơ cấu này. Việc giảm tổng số lượng đại biểu Quốc hội sẽ giúp tăng số lượng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách lên đáng kể.

Làm rõ địa vị pháp lý của Ủy viên chuyên trách

Về tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách, có ý kiến lo ngại đối với đề xuất tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách quy định trong dự án luật, vì đến nay vẫn chưa thực hiện được tỷ lệ do Luật Tổ chức Quốc hội quy định (đại biểu Quốc hội chuyên trách chiếm ít nhất 35% tổng số đại biểu Quốc hội). Việc nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng gây lo ngại rằng sẽ khó bảo đảm nguồn nhân sự có chất lượng, sẵn sàng về làm việc tại Quốc hội. Nếu tăng tỷ lệ này mà không kèm các giải pháp thực hiện sẽ ảnh hưởng đến tính khả thi và hiệu lực thực tế của Luật. Những lý lẽ này chưa đủ sức thuyết phục, vì công tác nhân sự, công tác cán bộ là của Đảng. Khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có nghị quyết về vấn đề này, thì công tác nhân sự cho vị trí đại biểu Quốc hội chuyên trách thuộc trách nhiệm của Đảng. Do vậy, tính sẵn sàng, việc phân công, phân nhiệm không khó thực hiện.

Về chất lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, nhiều Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV không chuẩn bị để về làm đại biểu Quốc hội chuyên trách, làm Phó Chủ nhiệm hay Ủy viên Thường trực Ủy ban. Nhưng khi được điều về thì đều làm việc rất tốt, thể hiện rõ nhất qua các báo cáo thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật của Ủy ban được trình ra Quốc hội trong 8 kỳ họp qua. Việc cần quan tâm có chăng là sự phân công, phân nhiệm của Đảng. Tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách nếu được nâng lên mức 40% chắc chắn sẽ giúp nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội, của Quốc hội. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, để Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả thì các Ủy ban phải thực sự là cơ quan hoạt động thường xuyên. Số lượng thành viên Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban không cần quá lớn, chỉ khoảng 20 người, nhưng 100% hoặc phần lớn phải là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Về cơ cấu, tổ chức Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, chức danh Ủy viên chuyên trách được đưa vào Luật Tổ chức Quốc hội quy định với nhiều dụng ý, nhất là nhằm thu hút các chuyên gia, nhà chuyên môn giỏi đã hết tuổi lao động về tham gia Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Việc thu hút, tận dụng chất xám, trí tuệ của các chuyên gia, nhà chuyên môn như vậy không có mục đích nào khác ngoài việc để các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội mạnh hơn. Tuy nhiên, chức danh này chưa được minh định trong luật hiện hành, khiến địa vị pháp lý của Ủy viên chuyên trách chưa rõ ràng. Ủy viên chuyên trách về bản chất là đại biểu Quốc hội tham gia hoạt động của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban. Các đại biểu bình đẳng trong các hoạt động biểu quyết thông qua dự án luật, quyết định vấn đề quan trọng của quốc gia, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật. Do vậy, chức danh Ủy viên chuyên trách phải có địa vị tương xứng, không thể như hiện nay, tạo cảm giác có vai trò như chuyên viên của vụ giúp việc.

Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh
Lê Bình ghi