Diễn đàn Sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội - Những vấn đề đặt ra

Nên giữ chức danh Ủy viên chuyên trách

- Thứ Ba, 18/02/2020, 08:14 - Chia sẻ
Tôi cho rằng, việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội cần bước những bước vững chắc, trong đó, đặc biệt cần giữ lại chức danh Ủy viên chuyên trách... Nhiều Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng không muốn về làm Ủy viên Thường trực các cơ quan của Quốc hội. Vậy sẽ xử lý như thế nào khi một đại biểu Quốc hội là Phó Giám đốc sở, ngành không đủ điều kiện tham gia Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, nhưng muốn về làm công tác chuyên môn ở các cơ quan này? Tại sao chúng ta “đóng cửa” với việc thu hút nhân sự hoạt động chuyên trách cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cũng như với chính cán bộ các Vụ chuyên môn thuộc Văn phòng Quốc hội?

Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy, ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và các Đoàn đại biểu Quốc hội, hiện nay, Thường trực Ủy ban Pháp luật đang đưa ra hai phương án về cơ cấu của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Phương án thứ nhất, cơ bản như phương án đã trình Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội gồm Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực và các Ủy viên khác, tức là không có Ủy viên chuyên trách như dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám. Phương án thứ hai, thực chất là giữ như quy định hiện hành, nhưng mở rộng cơ cấu của Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban gồm Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực và Ủy viên chuyên trách.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung phát biểu tại Phiên họp toàn thể lần thứ 26  của Ủy ban Pháp luật
Ảnh: Nghĩa Đức

Trên thực tế, chức danh Ủy viên chuyên trách được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành đã giúp cơ quan có thẩm quyền xử lý trong một số trường hợp cụ thể. Thời gian qua, nếu không có chức danh Ủy viên chuyên trách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể đưa một số ĐBQH chuyên trách ở Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố về làm chuyên môn tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội được không? Tôi có thể khẳng định, nếu không có chức danh này chắc chắn không thể đưa được các đại biểu chuyên trách ở địa phương về làm chuyên môn tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội được.

Hiện nay, nhiều cơ quan của Quốc hội đang không có đủ nhân lực để đáp ứng yêu cầu công việc được giao, nhưng không phải đại biểu Quốc hội chuyên trách nào ở địa phương cũng mong muốn về làm việc tại Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban. Tất nhiên, cũng có những đại biểu Quốc hội mong muốn được về đóng góp nhiều hơn cho công tác của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban nhưng lại không đủ điều kiện để điều động, phê chuẩn đảm nhiệm chức danh Ủy viên thường trực. Đơn cử như việc điều động, phê chuẩn một đại biểu về làm Ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc vừa qua cũng là để đại biểu về làm công tác chuyên môn và tiếp tục có cơ hội phấn đấu trong thời gian tới chứ ở thời điểm được điều động là không đủ các tiêu chí, điều kiện “cứng” để được phê chuẩn đảm nhiệm chức danh Ủy viên thường trực.

Mặt khác, như quy định hiện nay thì “đầu vào” đại biểu chuyên trách ở Trung ương phải là Vụ trưởng. Vụ trưởng ở các cơ quan của Quốc hội thì cũng có mức độ thôi nên phải lấy các đồng chí Vụ trưởng ở các cơ quan, đơn vị khác ngoài Quốc hội. Tuy nhiên, các đồng chí từ các cơ quan, đơn vị khác được giới thiệu ứng cử để về làm việc chuyên trách tại Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban liệu có nhiều kinh nghiệm hoạt động, có gắn bó với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, “đắm mình” với công tác của Quốc hội hay không? Chưa kể việc đưa vào danh sách rồi nhưng có khi lại không trúng cử. Nếu có chức danh Ủy viên chuyên trách thì chúng ta có thể giới thiệu các đồng chí là Phó Vụ trưởng các Vụ chuyên môn của Văn phòng Quốc hội - những người đã có nhiều năm đóng góp, nhiều kinh nghiệm hoạt động tham mưu, phục vụ các cơ quan của Quốc hội - tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và về làm chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Theo tôi, đây cũng là một định hướng quan trọng trong việc bổ sung bộ phận chuyên trách cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Tại Kỳ họp thứ Tám, trong Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đều có nhiều ý kiến tán thành với việc giữ cơ cấu, tổ chức Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội như quy định hiện hành, tức là có Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó chủ tịch/Phó chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách và các thành viên khác. Nhưng, khi thảo luận lần đầu về dự án Luật, một số đại biểu Quốc hội đã phản đối việc giữ lại chức danh này. Tôi cho rằng, việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội cần bước những bước vững chắc, trong đó, đặc biệt cần giữ lại chức danh Ủy viên chuyên trách, để có thể xử lý khi rơi vào những trường hợp nêu trên. Nhiều Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng không muốn về làm Ủy viên Thường trực các cơ quan của Quốc hội. Vậy sẽ xử lý như thế nào khi một đại biểu Quốc hội là Phó Giám đốc sở, ngành không đủ điều kiện tham gia Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, nhưng muốn về làm công tác chuyên môn ở các cơ quan này? Tại sao chúng ta “đóng cửa” với việc thu hút nhân sự hoạt động chuyên trách cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cũng như với chính cán bộ các Vụ chuyên môn thuộc Văn phòng Quốc hội?

Trần Thị Dung - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật
Lê Bình ghi