Nên có lý do chính đáng, thuyết phục

- Chủ Nhật, 28/06/2020, 17:11 - Chia sẻ
Cách đây khoảng 6 năm, Chủ tịch một tỉnh đã nhận trách nhiệm và xin từ chức. Lý do là bởi tai nạn giao thông trong tỉnh gia tăng ở cả ba tiêu chí. Khi đó, việc này đã không được chấp thuận, bởi đây là lỗi khách quan.

Cũng tại tỉnh này, mới đây, Bí thư Tỉnh ủy đã có đơn xin thôi giữ chức vụ này vì không bảo đảm sức khỏe, đang điều trị bệnh hiểm nghèo. Vậy nhưng theo Thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì vị Bí thư phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các vi phạm đã đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật...

Chuyện từ chức lâu nay hiếm khi xảy ra. Nay có vẻ như việc này không còn là cá biệt. Nhìn ở khía cạnh tích cực, đây là điều đáng hoan nghênh. Bởi khi nhận thấy mình không đủ năng lực, trình độ, uy tín hoặc tạo điều kiện cho lớp trẻ "có chỗ" thì đây là việc làm cần thiết. Đáng tiếc, hầu hết các trường hợp từ chức trong thời gian gần đây đều thuộc diện "có vấn đề". Ví dụ như những trường hợp nêu trên và mới đây nhất là trường hợp của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi.

Trả lời báo chí về vấn đề này, nguyên Vụ trưởng Vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, hiện tượng lãnh đạo thôi chức, từ chức ở nước ta rất hiếm, hầu như chưa có vị nào thấy mình không còn đảm đương được nhiệm vụ, không còn đủ uy tín để tiếp tục làm việc nên xin thôi chức, từ chức. Với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với 2 cán bộ này, nguyên Vụ trưởng Vụ I cho rằng, quyết định kỷ luật là nhẹ, mặc dù sai phạm không hề nhẹ... Điều đáng nói là sau đó, cả hai vị lãnh đạo này đều có đơn gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin thôi giữ chức vụ với lý do “tạo điều kiện để kiện toàn công tác nhân sự cho Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2020 - 2025 sắp tới.

Nguyên Vụ trưởng Vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương bình luận, không hiểu sau khi nhận quyết định kỷ luật, vì tự ái cá nhân hay động cơ gì mà lại phản ứng như vậy. Theo tôi đó là kiểu “hờn dỗi”. Nếu thực tâm muốn sửa chữa, muốn tạo điều kiện cho tổ chức thì còn đảm đương nhiệm vụ ngày nào, phải có trách nhiệm với công việc đó. Như thế mới là người đảng viên đứng đắn, nhận thức được sai lầm, khuyết điểm của mình để sửa chữa... Việc xin thôi giữ chức không mang ý nghĩa về mặt hành chính, bởi trong hành chính chỉ có từ chức hoặc cách chức. Chưa nói đến vai trò là lãnh đạo cao nhất của tỉnh, mà với tư cách là đảng viên, cách làm đó là không chuẩn, làm khó cho tổ chức...

 Chúng ta thường nói văn hóa. Vậy nên, có thể cách phân tích của nguyên Vụ trưởng Vụ I đã phần nào làm rõ bản chất của sự việc: Nếu "anh" thấy không xứng đáng, không đủ uy tín thì làm đơn xin từ chức để Trung ương chỉ định người thay thế, chứ đằng này xin thôi chức để nhường lại cơ hội cho người khác - cảm giác như cách làm đó không phù hợp với người bị kỷ luật. Cũng có thể, động cơ chính là muốn giữ lại một chút danh dự, lòng tự trọng, khi đã không đủ uy tín thì dừng lại, nhưng dù là như thế thì vẫn "không ổn".

Cần có lý do chính đáng, thuyết phục khi từ chức.

Linh Trang