Nên chọn công nghiệp hỗ trợ để đột phá

- Thứ Hai, 11/05/2020, 17:24 - Chia sẻ
Có quá nhiều vấn đề ngổn ngang đang đòi hỏi tân Bộ trưởng Bộ Công thương phải giải quyết. Hiến kế cho Bộ trưởng, ĐBQH TRẦN HOÀNG NGÂN (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, ngành công thương có thể chọn công nghiệp hỗ trợ làm khâu đột phá vì lĩnh vực này vừa tạo ra giá trị gia tăng ngay trong nội tại nền kinh tế vừa có thể đưa nền kinh tế nước ta tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Có thể đề nghị QH ban hành luật về công nghiệp hỗ trợ

- Ngay sau khi được QH phê chuẩn, tân Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã nêu rõ, sẽ nỗ lực thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thương mại đạt mức độ khả quan, đóng góp chung vào sự phát triển của xã hội. Ông đánh giá thế nào về quyết tâm của tân Bộ trưởng?

- Bộ Công thương chủ trì quản lý nhà nước về hai lĩnh vực quan trọng là công nghiệp và thương mại. Hai lĩnh vực này hiện đóng góp 83 - 84% GDP của nước ta. Vì vậy, tư lệnh ngành công thương có nhiệm vụ rất nặng nề: phải thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ; phát triển thương mại dịch vụ; chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị công nghiệp… Tôi cho rằng, tân Bộ trưởng phải chú trọng hơn nữa tới công nghiệp nhỏ và vừa. Đây là lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thời gian tới đây, chúng ta sẽ tiếp tục hội nhập kinh tế sâu rộng hơn nữa với các nước trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, tân Bộ trưởng cần sớm đưa các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đi vào cuộc sống; cụ thể hóa các cam kết của các Hiệp định này, góp phần hoàn thiện khung pháp lý cũng như tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ta vững bước hội nhập.


ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) phát biểu tại Hội trường
Ảnh: Vũ Quang

- Nhiều ý kiến cho rằng, ngành công thương hiện nay chạm vào lĩnh vực nào cũng thấy ngổn ngang. Vậy theo ông, tân Bộ trưởng nên chọn lĩnh vực nào, khâu nào để có thể tạo đột phá?

- Trên diễn đàn QH, rất nhiều lần các ĐBQH đã đề nghị ngành công thương cần phải chú trọng đến việc phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo tôi, tân Bộ trưởng có thể chọn đây là lĩnh vực để tạo đột phá. Vì công nghiệp hỗ trợ tạo ra giá trị gia tăng ngay trong nội tại nền kinh tế. Nếu không chú trọng tới ngành công nghiệp này, chắc chắn mức độ phụ thuộc vào các nền kinh tế bên ngoài là không thể tránh khỏi, tương ứng với đó là sự suy yếu về sức cạnh tranh, rất khó để phát triển kinh tế bền vững. Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ không có nghĩa chỉ nhập nguyên liệu về để lắp ráp, gia công hay chỉ cung cấp cho các doanh nghiệp FDI lắp ráp mà còn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là vấn đề then chốt nhất của công nghiệp hỗ trợ. Phát triển công nghiệp hỗ trợ ở nước ta phải hướng tới các ngành công nghiệp chủ lực của đất nước và các ngành thu hút mạnh nguồn vốn FDI, các ngành có nhu cầu lớn về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Muốn vậy, phải có chính sách và hành lang pháp lý tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ phát triển. Ở góc độ này, tôi nghĩ, tân Bộ trưởng hoàn toàn có thể xem xét, kiến nghị Chính phủ trình QH để ban hành một luật về công nghiệp hỗ trợ.

Minh bạch giá - trách nhiệm không chỉ riêng ngành công thương

- Một trong những tồn tại của ngành công thương khiến người dân bức xúc vừa qua là, sự thiếu minh bạch, thiếu công khai về giá của những mặt hàng thiết yếu như điện, xăng… Theo ông, tân Bộ trưởng Bộ Công thương nên xử lý vấn đề này thế nào?

- Tôi cho rằng, bình ổn giá cả là cấp thiết, và quan trọng nhất đó là người dân phải được biết thông tin thực sự vì sao tăng giá, giá cả như thế đã phù hợp với đời sống, mức thu nhập của người dân hay chưa. Muốn được người dân tin tưởng thì càng phải công khai, minh bạch. Đây không phải là trách nhiệm của riêng Bộ trưởng Bộ Công thương, mà còn đòi hỏi sự phối hợp liên ngành giữa Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… Nhịp nhàng trong chỉ đạo, điều hành và đưa ra chính sách phù hợp với thực tiễn là trách nhiệm của liên bộ, vì mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

- Bộ Công thương cũng đang lấy ý kiến dự thảo lập Quỹ bình ổn giá điện nhằm giảm tác động bất lợi của các yếu tố thị trường. Ông đánh giá ra sao về vấn đề này?

- Chúng ta đã xác định chuyển các loại hàng hóa sang cơ chế thị trường, tức là giá cả các mặt hàng sẽ tuân theo quy luật cung, cầu của thị trường. Tuy nhiên, đối với một số mặt hàng thiết yếu, vẫn cần có sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, tránh những biến động bất thường. Chúng ta từng có bài học về giá xăng dầu lên xuống thất thường, quỹ bình ổn giá xăng dầu chưa công khai, minh bạch. Vậy đến nay, bài học kinh nghiệm đó được đúc rút trong quản lý và bình ổn giá điện như thế nào? Điện ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Nếu không minh bạch về giá hay quỹ bình ổn giá điện sẽ dễ dẫn đến những nghi kỵ trong dư luận xã hội. Vì vậy, việc ra đời Quỹ bình ổn giá điện cần tính toán thận trọng. Tân Bộ trưởng và toàn ngành công thương cần tiếp tục lắng nghe ý kiến của người dân về vấn đề này nói riêng, những bức xúc trong lĩnh vực quản lý của ngành công thương nói chung để có thể đưa ra những biện pháp điều hành, quản lý đúng đắn nhất.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ngọc thực hiện