Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng:

Nên bỏ quy định về công trình cấp bách

- Thứ Hai, 23/03/2020, 18:10 - Chia sẻ
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng trong phiên họp chiều nay, 23.3, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng, nên bỏ quy định về công trình cấp bách, tập trung sửa đổi quy định về các đối tượng công trình khẩn cấp bao gồm công trình được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo có yêu cầu triển khai theo nhiệm vụ cấp bách theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo một số nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ, có ý kiến cho rằng không nên bổ sung nội dung xây dựng công trình cấp bách và đề nghị làm rõ sự cần thiết của việc bổ sung công trình cấp bách vào dự thảo Luật; sự khác biệt giữa công trình xây dựng khẩn cấp và công trình cấp bách. Có ý kiến đề nghị việc quản lý công trình khẩn cấp phải thống nhất với các luật khác.


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng báo cáo một số nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng
Ảnh: Quang Khánh

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, hiện nay theo quy định tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều, Luật Đầu tư công năm 2019 đều có các quy định liên quan đến công trình khẩn cấp. Do vậy, trong dự thảo Luật vẫn giữ quy định về công trình khẩn cấp để thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan. Bên cạnh các công trình khẩn cấp phải thực hiện ngay lập tức để khắc phục các yếu tố bất khả kháng, trong thực tế còn có những công trình có yêu cầu đầu tư và xây dựng nhanh trong một thời gian ngắn (ví dụ các công trình hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu hoặc đảm bảo an ninh, an toàn năng lượng, an toàn về môi trường), cần được thực hiện song song các thủ tục hoặc có cơ chế đặc thù nhằm rút ngắn thời gian nhưng vẫn bảo đảm thực hiện đầy đủ các thủ tục như: nhóm thủ tục về chấp thuận chủ trương đầu tư; nhóm thủ tục liên quan đến thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán; nhóm thủ tục liên quan đến lựa chọn nhà thầu… Do đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật dự kiến sẽ bỏ điều quy định về công trình cấp bách, sửa đổi quy định về các đối tượng công trình khẩn cấp bao gồm công trình được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo có yêu cầu triển khai theo nhiệm vụ cấp bách theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (điểm b, khoản 1 Điều 130).

Cơ bản thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình, song một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục rà soát lại dự thảo Luật để bảo đảm sự thống nhất với các luật có liên quan như Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị và các luật có tính chất chuyên ngành khác; lưu ý đến các luật đang sửa đổi như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm không có sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật.

Do đã có quy định liên quan đến công trình khẩn cấp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí không nên quy định trong dự thảo Luật về các công trình cấp bách nữa. Bên cạnh đó, quy định các đối tượng công trình khẩn cấp, thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhằm rút gọn thủ tục trong quá trình triển khai, nhất là công trình liên quan đến quốc phòng, an ninh và công trình phòng, chống thiên tai, bão lũ.

Hoàng Ngọc